Hồi hộp chờ đợi số phận sông Mê Công vào quyết định ngày mai?

 14:36 | Thứ tư, 20/04/2016  0

Don Sahong là dự án thủy điện thứ hai mà Lào đang xúc tiến triển khai trên dòng chính sông Mê Công, sau thủy điện Xayaburi đang được xây dựng, trong hệ thống 11 bậc thang đập thủy điện được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công thuộc vùng hạ lưu vực tại Lào và Campuchia. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu và đánh giá độc lập trước đây và hiện nay, việc xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới sinh thái, đời sống kinh tế, dân sinh,... tại địa phương và các nước khu vực hạ lưu. Đồng thời, nếu việc xây dựng Don Sahong được chính thức thông qua sau Xayaburi sẽ mở ra một “tiền lệ nguy hiểm” cho việc xây dựng hàng loạt đập khác trên dòng chính sông Mê Công sau này.    

 Mekong

Lần đầu tiên tham vấn cộng đồng về Don Sahong: 100% phản đối xây dựng đập

Quy trình tham vấn trong 6 tháng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông về dự án đập Don Sahong đã kết thúc vào ngày 25.1.2015. Theo đó, tại Việt Nam, các cộng đồng 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, sinh viên các trường đại học và các bên liên quan - những người bị ảnh hưởng - đã được tham vấn, bày tỏ ý kiến về con đập này. 

16 cuộc tham vấn trực tiếp và online đã được tổ chức bởi trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và các thành viên, đối tác của mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các Hội phụ nữ, trường đại học tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Kết quả, 100% các đại biểu tham dự tham vấn trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội (1014 người) phản đối xây dựng đập Don Sahong và các đập trên dòng chính sông Mê Công. Các đại biểu từ các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ đề nghị kéo dài thời gian tham vấn dự án Donsahong để các bên liên quan tiến hành các nghiên cứu bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra.

1196 người đã tham gia bày tỏ ý kiến tại 2 đường link online (tiếng việt và tiếng anh), trong đó 98% số người phản đối (1170 người) và chỉ 2% số người đồng ý (26 người) việc xây dựng đập thủy điện Don Sahong. Đa số đều có chung đề nghị chính phủ Việt Nam yêu cầu Lào dừng xây dựng đập Donsahong và các đập khác trên dòng chính sông Mê Công để có đủ thời gian tiến hành các nghiên cứu tác động tích lũy cũng như minh chứng tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu và cung cấp thông tin cho người dân chủ động ứng phó.

Theo đó, GreenID và đơn vị tổ chức hoạt động tham vấn cộng động kiến nghị việc phản hồi quốc gia của Việt Nam đối với dự án thủy điện Donsahong gửi tới Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) cần nhấn mạnh yêu cầu: 1) Kéo dài thời gian tham vấn để các bên liên quan có thêm các nghiên cứu bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra; 2) Nhà đầu tư và chính phủ Lào nghiêm túc tuân thủ các cam kết theo Hiệp định Mê Công và các cam kết cấp cao, không được tiến hành khởi công xây dựng đập nào cho đến khi hoàn thành các nghiên cứu bổ sung về tác động tích lũy, minh chứng cho tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu.

Đồng thời kiến nghị MRC và các quốc gia thành viên của MRC cần đưa quy trình tham vấn với người dân bị ảnh hưởng tại cộng đồng trở thành một điều kiện tham vấn bắt buộc trong quá trình PNPCA theo Hiệp định Mekong 1995.

Đây là lần đầu tiên người dân đồng bằng sông Cửu Long được tham gia ý kiến cho một dự án có tác động xuyên biên giới và ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Trước khi tới các hội thảo tham vấn này, hầu hết người dân đồng bằng sông Cửu Long đều chưa được biết thông tin về thủy điện Donsahong và thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Người dân khẳng định họ không có lợi ích gì từ việc xây dựng đập thủy điện mà ngược lại, chịu rất nhiều thiệt hại, rủi ro do thiếu phù sa bồi đắp, sạt lở đất, giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn gia tăng,…. Điều này ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và sinh kế của họ.

Trước đó, tại hội nghị tham vấn cấp vùng đối với các bên liên quan quanh dự án thủy điện Don Sahong, tổ chức ở Pakse - Lào vào tháng 12.2014, cùng với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đều tỏ rõ mối lo ngại với việc xây dựng con đập này...

Thác Khone trên sông Mê-kông, nơi Lào sẽ xây đập Don Sahong - ảnh: DWRM

Lào vẫn tiến hành dự án bền vững và có trách nhiệm?

Phát biểu tại phiên họp lần thứ 20 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công vào ngày 26.6.2014, ông Viraphonh Viravong, thứ trưởng bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, trưởng đoàn đại biểu của Lào nói rằng: “Nhằm duy trì tinh thần hợp tác theo Hiệp định Mekong năm 1995 và thể hiện sự tôn trọng các mối quan ngại của các quốc gia thành viên, Lào sẽ chính thức thực hiện quy trình Tham vấn trước đối với công trình thủy điện Don Sahong”. Tuy nhiên, ông Viravong nhấn mạnh “Chính phủ Lào sẽ tiếp tục phát triển dự án có trách nhiệm và bền vững”.

Tương tự, trả lời báo chí nước ngoài vào ngày 21.1.2015 vừa qua, ông Daovong Phonekeo, vụ trưởng vụ Chính sách và hoạch định năng lượng, bộ Năng lượng và khai khoáng của Lào cũng không ngần ngại cho biết: sau khi việc Tham vấn trước được hoàn thành, dự án này Don Sahong sẽ được bắt đầu xây dựng. "vì sự phát triển của sông Mê Công, chúng tôi không cần sự đồng thuận", ông Phonekeo nói.

Trong khi đó, dự kiến ngày mai, 28.1.2015, Ủy hội sông Mê Công sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt để kết thúc quá trình Tham vấn trước với Don Sahong, với các kết quả tham vấn cộng đồng từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia đã gửi được lên.

Còn hôm nay, ngày 27.1.2015, trong bản thông cáo báo chí của tổ chức Sông ngòi quốc tế, bà Ame Trandem, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tổ chức Sông ngòi quốc tế gay gắt cho rằng: Lào xem PNPCA như một trò hề khi chưa có sự hợp tác thiện ý với các nước láng giềng và trong cung cấp những thông tin cần thiết. "Lào cần dừng xây dựng đập Don Sahong Dam ngay lập tức cho đến khi có những đánh giá nghiên cứu đầy đủ về các tác động xuyên biên giới và, và tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia ven sông. Don Sahong chỉ được phép tiến hành nếu và khi đạt được thỏa thuận giữa tất cả bốn quốc gia và người dân của họ”, bà Trandem nói.

Với những diễn tiến trên, liệu quy trình Tham vấn trước và tiếng nói cộng đồng các nước bị ảnh hưởng bởi Don Sahong có còn giá trị thực thi? Điều này đang rất được các bên trông chờ vào nội dung làm việc và phán quyết của Ủy hội sông Mê Công vào ngày mai. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, phiên họp cuối cùng về Don Sahong này sẽ là một bước quan trọng để cứu hay kết thúc số phận sông Mê Công trong thời gian tới.

Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.