“Nếu như ai cũng thích viết và có thể viết, sẽ có rất nhiều cuốn sách được xuất bản viết về từng vùng miền, dù về một tỉnh thành lớn, một thị trấn nhỏ hay chỉ một khu cư xá, một con phố. Điều này nói lên rằng vùng đất nào, nhỏ hay lớn cũng có thể là điều quan tâm, là vốn hiểu biết và kho cảm xúc đầy ắp trong hồi ức của bất cứ ai từng sống ở đó, dù không nhất thiết sinh ra, lớn lên hay sống cả đời với nó.” - tác giả Phạm Công Luận tâm tình như vậy với bạn đọc, mở đầu cho quyển Hồi ức Phú Nhuận - tác phẩm mới của anh sẽ được Công ty Phương Nam Book dự kiến phát hành vào tháng 8.2023.
Phạm Công Luận, cái tên đã quá quen thuộc với bạn đọc qua bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố với những câu chuyện thuộc vùng đất rộng lớn phồn hoa bao gồm: Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Giờ đây, anh muốn kể tiếp câu chuyện về vùng đất nho nhỏ thanh bình, quận lỵ của tỉnh Gia Định xưa. Đó là Phú Nhuận, nơi anh sinh ra, lớn lên và đang cư ngụ như bấy lâu nay đã hơn sáu mươi năm.
Bìa cuốn Hồi ức Phú Nhuận.
Tác giả chia sẻ: “Tôi đã ấp ủ viết sách riêng về Phú Nhuận từ nhiều năm trước. Hai năm gần đây, tôi bắt đầu tập hợp tư liệu, bài vở đã có rồi hệ thống lại, lập đề cương, viết thêm bài, tìm thêm tư liệu mới. Hoàn thành bản thảo từ sáu tháng trước, dự định ra trước tết Quý Mão nhưng đọc lại thấy chưa ưng ý nên tôi giữ lại để chỉnh sửa, bổ sung tài liệu cho đến lúc này”.
Tôi, người viết bài, may mắn được tác giả cho xem từ bản thảo đầu tiên, nếu đem so với ấn bản phát hành đã thấy có nhiều thay đổi lớn, lý thú hơn, đặc sắc hơn. Có lẽ vì vùng đất Phú Nhuận là một góc quê hương nên tác giả cầu toàn hơn, muốn nó được ra đời chỉn chu trong điều kiện có thể.
Hồi ức Phú Nhuận của Phạm Công Luận là ký ức về ngôi trường tiểu học hơn trăm năm tuổi, xưa nhất Phú Nhuận – trường Võ Tánh (nay là trường tiểu học Trung Nhất) nơi tác giả theo học từ 1968 – 1973. Anh viết: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là được phụ trách tủ sách của lớp Nhứt (lớp 5) do cô Bích Trà phân công, đợi khi nào có giờ trống thì mở ra lấy sách phân phát cho các bạn đọc. Nhớ những dịp gần Tết, đi học rất vui vì trường nằm trên đoạn đường bày bán chợ Tết. Học sinh chưa nghỉ Tết đã thấy nôn nao khi thấy người ta dựng sạp dọc theo vỉa hè rồi đưa bưởi, dưa hấu, từng túi mứt, lạp xưởng đến để bày bán.”
Đó là Chợ Xã Tài đã có lịch sử gần trăm năm, nay là chợ Phú Nhuận (trên đường Phan Đình Phùng). Nhà văn Hồ Biểu Chánh, một cư dân của Phú Nhuận, đã ghi lại cuộc sống của quá khứ của ngôi chợ Xã Tài và khu phố quanh đó qua dòng chữ: “Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thanh phát, nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điện rần rần, nhà gạch phố lầu chớm chở”.
Đó là hẻm Hàng Dương trên đường Võ Tánh (nay là hẻm 132 Hoàng Văn Thụ), thuở nhỏ tác giả thường theo Má, băng qua con hẻm này để đến chợ Ga, nơi bà có một sạp bán hàng. Ra chợ, tác giả thích được má gọi cho ăn món bánh cuốn hàng cô Bính, bánh cuốn không nhiều nhân thịt nên khá thanh cảnh, rau giá không đầy tú hụ, chả lụa ngon và mỏng chứ không dày để nửa thế kỷ sau tác giả vẫn nhớ.
Khi lớn lên, sáng trưa hai buổi, tác giả vẫn ra chợ Ga phụ má dọn hàng. Đó là Chợ Ga - ngôi chợ thể hiện tấm lòng hào hiệp của người miền Nam. Năm 1954, thấy bà con miền Bắc mới di cư vào Nam chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí và đề nghị ông cho mượn mảnh vườn nói trên để nhà nước xây lên một cái chợ cho đồng bào mới đến có chỗ mua bán. Ông Lê Tài Chí, thường được gọi là ông Mười hay ông Mười chủ đất.
Tác giả đưa bạn đọc đến thăm Cư xá Chu Mạnh Trinh (gần ngã tư Phú Nhuận), nơi sinh sống của nhiều văn nhân tài tử lừng danh. Từ đó, đi ngược đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) trước đây có quán phở Bắc Huỳnh từng được nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nhớ và nhắc đến trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù và ca tụng: “… mấy cô con gái đứng dọn ăn, mỹ miều như mấy cành lai-dơn (glaieul) từ Đà Lạt di cư về đây. Phở Huỳnh có hương vị pha Tây, vì nước lèo là nước xúp, nửa pha Tàu vì để nhiều hương liệu thơm tho.”
Nhưng ấn tượng sâu đậm của tác giả từ thuở bé được ôn lại về những xe mì người Hoa của mấy tiệm Nam Tường, Quảng Huê Viên, Dìn Ký, … ở Phú Nhuận: “Hầu hết các xe mì đều có tranh kiếng. Khách đến ăn tự tay kéo cái ghế xếp và gọi tô mì, tô hoành thánh hay tô mì vịt tiềm. Trong lúc ông chủ tiệm nấu mì, khách ngắm tranh mê mải và nhận ra những tuồng tích từng xem trong truyện Tam Quốc”.
Phú Nhuận đã từng có nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng nổi tiếng trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) mở cửa suốt từ năm 1954 cho đến khi đóng cửa năm 1975. Tuy trải qua nhiều nhiều biến động của thời cuộc, nhà hàng vẫn mở và luôn đông khách. Thực đơn đơn giản chỉ với bảy món bò chế biến theo công thức riêng, nhà hàng Ánh Hồng là địa chỉ lui tới thường xuyên của các văn nghệ sĩ thời bấy giờ: Anh Bằng, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An, Thanh Thúy, Thanh Lan, các họa sĩ trong Hội Họa sĩ Trẻ… Nhà hàng này cùng với các hãng, tiệm, quán xá khác, tiệm ảnh Mỹ Lai, nhà thuốc Ông Tiên, tiệm giày Mạnh Cung, Hãng sơn mài Lam Sơn và rất nhiều địa điểm nữa … đã và tạo nên sự trù phú của Phú Nhuận cách đây hơn nửa thế kỷ. Đúng như tác giả viết, dù nhỏ và ở vùng ngoại ô, Phú Nhuận là nơi thu hút được nhiều nhân tài đến đó sống và có những địa chỉ mà người từ khắp nơi phải tìm đến.
Hồi ức Phú Nhuận còn giới thiệu với bạn đọc nhiều ảnh tư liệu độc, lạ do tác giả sưu tập được và những tranh đẹp về Phú Nhuận xưa qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm, người anh của tác giả.
***
Tôi sinh trưởng ở Sài Gòn, quận 3, mãi đến khi 18 tuổi, đầu thập niên 1980, đi học trường kỹ thuật tôi mới biết đến Phú Nhuận qua một người bạn học. Từ đường Nguyễn Trọng Tuyển chạy thẳng góc tới đường Phan Đình Phùng, sang bên kia đường có một con hẻm nối tiếp mang số 270 Phan Đình Phùng là con hẻm Hàng Gòn nơi có nhà anh bạn tôi.
Hẻm chạy ngoằn ngoèo, dẫn ra đường Cô Bắc, đường Cô Giang và ra phía chùa Từ Vân để ra đường Phan Xích Long. Con hẻm ghi dấu kỷ niệm một thời tuổi trẻ, với những buổi tối chúng tôi ôm đàn nghêu ngao hát bài Tóc mai sợi vắn sợi dài của Phạm Duy trong sân vườn nhà của cô bạn (có cô em gái rất dễ thương).
Thời êm đềm ấy kéo dài không lâu, do công việc, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Giờ đây không biết hai cô nàng Lan, Huệ ngày xưa đang ở đâu, có cuộc sống an vui hay “trong héo ngoài tươi” như những lời ca thốt ra từ những đôi môi hồng thiếu nữ một thời đó? Đọc Hồi ức Phú Nhuận của Phạm Công Luận, lướt qua trên trang giấy những đoạn mô tả dăm ba con phố quen, những quán xá ngày xưa, tôi như được nhìn lại quãng đời, cùng những kỷ niệm buồn vui suốt hơn 30 năm qua của mình.
Hoàng Phương Anh
Sài Gòn, tháng 7.2023.