Câu chuyện xin không bắt đầu từ bảo tàng đã nhắc đến ở trên, mà bắt đầu từ nhân vật, đó là họa sỹ Vũ Đức Hiếu. Vũ Đức Hiếu sinh năm 1977 ở Hà Nội, nhưng lớn lên và trưởng thành ở Hòa Bình. Rồi anh lại về Hà Nội theo học cùng một lúc hai trường mỹ thuật danh tiếng là đại học Mỹ thuật Việt Nam và đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Những năm tháng ở Hòa Bình, văn hóa Mường đã thấm sâu vào tiềm thức của anh, hình thành nên một niềm đam mê mà anh đã chuyển tải vào nhiều tác phẩm từ thời sinh viên - để lại nhiều ấn tượng cho thầy cô và bạn bè. Biệt danh Hiếu Mường đã có từ ngày đó.
Sau khi tốt nghiệp hai trường đại học, anh làm thư ký tòa soạn cho một cơ quan báo chí ở Hà Nội, từng mở phòng tranh, tham gia nhiều triển lãm hội họa trong và ngoài nước. Mọi sự có vẻ như là rất tốt đẹp và suôn sẻ đối với một họa sỹ được đánh giá là tài năng. Thế nhưng năm 2006, theo tiếng gọi của con tim, anh gác lại công việc, từ biệt nhà cửa, vợ con ở Hà Nội, bỏ phố lên rừng - lên xứ Mường Hòa Bình định cư. Đó là khoảnh khắc định mệnh như anh chia sẻ: “Bỗng một ngày trở về với Hòa Bình, tôi nảy ra ý định sẽ xây dựng một bảo tàng về người Mường”.
Ý tưởng và niềm đam mê, khát khao ấy đã thay đổi cuộc sống, cuộc đời của Vũ Đức Hiếu. Nhưng phải nói thêm rằng, ý tưởng đó đã có từ rất lâu trong tâm tưởng, và trước đó, anh đã có nhiều chuyến lang thang điền dã ở các xứ Mường Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động, tìm hiểu, thẩm thấu văn hóa Mường; sưu tầm hàng trăm hiện vật liên quan đến dân tộc Mường và văn hóa Mường. Ý tưởng ban đầu đã trở thành quyết tâm để anh hiện thực hóa giấc mơ, khi nhận thấy trong xã hội hiện đại, những nét văn hóa dân gian xứ Mường ngày càng mai một.
Nhưng giấc mơ để trở thành hiện thực thì không hề dễ dàng. Trước hết, để sở hữu một mặt bằng xây dựng bảo tàng, anh đã phải mất 4-5 năm trời qua lại, thuyết phục người chủ khu đất - vốn là một vườn đồi - bán lại. Để rồi khi có được quyền sở hữu đất, tự thân anh lao vào quần quật lao động cải tạo, quy hoạch theo ý tưởng của mình. Song song với việc cải tạo mặt bằng, anh vẫn tiếp tục việc đi sưu tầm các hiện vật của đời sống sinh hoạt của người Mường, mà nói thẳng ra, đó là mang tiền túi đi mua những hiện vật ấy. Và để có tiền đầu tư xây dựng, anh mở cả quán cà phê ở thành phố Hòa Bình, lấy lãi để làm chi phí thực hiện dự án.
Không thể đong đếm hết những khó khăn, vất vả mà họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã trải qua, để đặt nền móng xây dựng Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Chính anh cũng bất ngờ về sự thay đổi của khu vườn đồi với thành quả lao động của mình. Cho đến trước khi bảo tàng mở cửa, bảo tàng đã có hơn 1.000 hiện vật; và đến nay, có hơn 3.000 hiện vật, có nhiều giá trị lớn, phần nào tái hiện được đầy đủ các mặt trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người Mường.
Sau hơn 10 năm sưu tầm hiện vật và xây dựng, ngày 16.12.2007, Bảo tàng Không gian văn Hóa Mường được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) gõ tiếng cồng khai trương và chính thức đi vào hoạt động.
Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa nằm trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng một công trình văn hóa, nghệ thuật được chính chủ nhân của bảo tàng - họa sỹ Vũ Đức Hiếu thiết kế và xây dựng - bắt nguồn từ niềm đam mê của anh, với tâm huyết và khát vọng bảo tồn và tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường.
Với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã vinh dự nhận được giải thưởng vô cùng cao quý Phan Châu Trinh 2013 và Giải thưởng Quốc tế Jeonju International Awards 2020 - bởi những nỗ lực không ngừng của bản thân trong việc bảo tồn nền văn hóa Mường, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đến với thế giới và đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường là một quần thể nhiều hạng mục công trình kiến trúc tọa lạc trên khu đất rộng 5 hécta. Các công trình có bố cục phân tán nương theo những triền dốc và hòa lẫn với cây xanh. Vị trí của các công trình được bố trí khéo léo theo một tuyến tham quan, mà ở đó du khách có thể tiếp cận lần lượt theo trình tự khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ.
Linh hồn của bảo tàng là 4 ngôi nhà sàn Mường cổ, đều là những hiện vật thực được sưu tầm trong dân gian. Đó là: nhà Lang (tầng lớp thống trị cao nhất), nhà Ậu (tầng lớp giúp việc cho Lang), nhà Noóc (thường dân), nhà Noóc trọi (giai cấp bị xã hội không thừa nhận), phản ánh rõ nét về các tầng lớp giai cấp trong xã hội Mường thu nhỏ trước năm 1954.
Bên cạnh đó là các nhà trưng bày hiện vật của dân tộc Mường. Có thể thấy ở đây một bức tranh thu nhỏ xã hội Mường với những hiện vật liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người Mường như các loại đồ dùng sinh hoạt, nông cụ, ngư cụ, nhạc cụ, y phục, vũ khí… các nghi lễ cưới xin, tang ma, thờ cúng, tết… Ở phòng trưng bày, trước mỗi hiện vật, đều được ghi rõ tên, địa chỉ của người chủ của hiện vật đó để người đến xem có thể hiểu thêm về xuất xứ của chúng.
Cũng trong khuôn viên bảo tàng, còn có nhiều hạng mục, công trình khác như nhà tiếp đón, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật đương đại, vườn tượng điêu khắc, xưởng gốm, vườn thuốc nam… Họa sỹ Vũ Đức Hiếu chủ trương xây dựng nơi đây thành một bảo tàng sống, với nhiều hoạt động tương tác cùng khách du lịch và công chúng. Nơi đây cũng là trại sáng tác nghệ thuật, triển lãm thu hút nhiều nghệ sỹ từ trong nước và quốc tế. Chính vì vậy bảo tàng không buồn tẻ, đơn điệu mà luôn có sự sống động và đầy sức hút.
Bên cạnh tình yêu với di sản văn hóa Mường, thì dường như, đời sống tâm linh của ông chủ “Mường” - họa sỹ Vũ Đức Hiếu cũng là điều đáng nói. Chuyện kể rằng, ở tuổi 30, anh bị một chứng bệnh nan y - vốn ít bị ở người trẻ. Nhưng nhờ một thầy mo Mường cúng cho, anh đã khỏi bệnh hoàn toàn. Phải chăng đó là một lý do, mà ở trên nơi cao nhất, anh đã lập ngôi đền Bà Chúa Mường và ngôi chùa Phượng Sơn thờ Phật?!
Họa sỹ Vũ Đức Hiếu tự nhận mình là người con của xứ Mường. Anh có vẻ kiệm lời, nhưng chân tình khi trò chuyện. Có lẽ bởi những câu chuyện quanh anh và “Mường” đã quá nhiều. Trên bàn tiếp đón ở “Mường”, có cả một cuốn sách với nhan đề Hiếu Mường và những giai thoại tập hợp những bài báo viết về anh. Còn chị Trương Thị Hải Vân - vợ anh, cũng là người trợ lý đắc lực thì luôn cười tươi, cởi mở với khách. Chị vừa là quản lý, vừa là hướng dẫn viên bảo tàng. Hỏi chuyện, chị cho biết chị cùng các con lên đây năm 2012, vừa để đoàn tụ gia đình, vừa chung tay giúp anh Hiếu. Hỏi rằng anh Hiếu có phải thuyết phục chị không? Chị cười: không phải thuyết phục đâu, chị thấy anh ấy mê quá mà làm một mình vất vả quá nên tự lên thôi!
Thời gian đầu, để không là một bảo tàng chết, họa sỹ Vũ Đức Hiếu đã mời những gia đình người Mường xuống ăn ở, sinh hoạt trong những ngôi nhà Mường, để thể hiện đậm nét văn hóa. Nhưng việc ấy không thể kéo dài mãi. Đến năm 2017, Mường Retreat - dịch vụ lưu trú đi vào hoạt động đã làm cho cả quần thể luôn có sức sống và âm thanh của con người.
Bây giờ tới “Mường”, du khách dễ cảm nhận một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa cùng những nét kiến trúc và văn hóa bản địa; có nhiều điều để tìm hiểu và khám phá. Ở đó, “bà chủ” luôn thường trực nụ cười đón khách, và “ông chủ” thì tối ngày mê mải trong xưởng gốm. “Mường” là một bảo tàng, nhưng dường như ở đó, là cả những giấc mơ đẹp, mà ai đã tới, sẽ chẳng thể quên!
Hà Thành