Khi người ta áy náy

 10:26 | Thứ sáu, 23/05/2014  0

Câu nói của người bạn khuyết tật khiến anh giật mình. Những ngày sau, anh vẫn còn mắc cỡ, áy náy, lẫn không biết phải bỏ nắm pin đó đi đâu!

Trong pin vốn có nhiều hoá chất, kim loại nặng (chì, thuỷ ngân, cadmium…), rất độc hại với não, thận, hệ thống tiêu hoá và sinh sản của con người, nhất là với trẻ em, như khả năng nhiễm chì của trẻ gấp bốn lần so với người lớn. Một khi bị vứt vào thiên nhiên, đốt hay chôn cùng rác thải sinh hoạt, các độc tố kim loại trong pin sẽ bị lẫn vào không khí, đất đai, ngấm vào nước ngầm, hút lại vào rau củ quả. Chúng ta lại uống nước, ăn các sản phẩm nhiễm kim loại nặng! Tương tự, trong sinh hoạt hàng ngày, chất thải nguy hại như pin rất nhiều: sơn, thuốc trừ sâu, dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm và chất tẩy rửa, dung môi, axít/kiềm, bình ắc quy, bóng đèn cũ… Theo các chuyên gia, những sản phẩm này chứa nhiều hoá chất nguy hại như ammôniắc, axit sunfuríc, và axit phốtphoríc, kiềm, chlorine, formaldehide (phoọc-môn) và phenol. Bất cứ ai cũng có thể bị phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp, hít vào hoặc nuốt phải) với chất độc trong khi sử dụng. Khi chúng bị “đối xử tệ” như pin đã sử dụng, nguy hại là tương tự…

Chất thải nguy hại vốn là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc những đặc tính nguy hại khác. Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đã có quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến phát sinh chất thải nguy hại. Nhưng luật chưa có quy định về trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, thực tế, nguồn chất thải nguy hại hộ gia đình không được kiểm soát, đa số bị thải bỏ, thu gom và chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt thông thường.

Độc hại là vậy, nhưng trong cuộc sống, không phải ai khi thải bỏ một chất thải sinh hoạt nguy hại cũng thấy áy náy như anh bạn trên. Anh bảo, sau đó anh bỏ luôn thói quen mua pin về xài cạn rồi vứt, và sắm cho mình bộ pin sạc để dùng lâu dài. Vu vơ ngẫm chuyện anh bạn, chợt ao ước người ta thấy… áy náy nhiều hơn, nhất là trong những trường hợp còn chưa có chế tài.

Để giảm việc thải bỏ các chất thải nguy hại trong gia đình

Sử dụng các sản phẩm có chứa ít chất độc hại nhất đang có trên thị trường. Đọc kỹ nhãn sản phẩm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu mình cần. Đừng sử dụng nhiều hơn mức được hướng dẫn sử dụng. Đem các sản phẩm còn dư cho người khác. Tránh sử dụng hương liệu hoặc dung môi bay hơi. Đặc biệt, không bao giờ chôn những vật liệu nguy hại vì chúng có thể ngấm vào tầng nước ngầm mà bạn sử dụng để uống. Không bao giờ đổ chất thải nguy hại xuống đất, vào sông, suối hay đổ chúng vào cống thoát nước. Luôn luôn giữ chất nguy hại trong bao bì nguyên thuỷ của chúng và bảo đảm rằng chúng được dán nhãn đúng. Không đốt nhựa, cao su, bao bì có chất thơm bay hơi hoặc gỗ ép, bởi vì các sản phẩm này có thể sản xuất ra chất độc làm ô nhiễm môi trường. Và bạn nên phân loại chúng để riêng ra với rác thải sinh hoạt thông thường khi đổ rác; hoặc có thể “để dành” pin đã sử dụng, bóng đèn cũ, chai lọ đựng hoá chất nguy hại, đợi đến những đợt thu gom của thành phố để đảm bảo chúng được xử lý hoặc tái chế an toàn.




Lê Quỳnh

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.