LTS: Môi trường, mà trong đó Đất, Nước và Không khí là ba thành tố quan trọng nhất, vừa là nguồn tài nguyên vừa là môi sinh của vạn vật, trong đó có con người. Thế nhưng, những sự cố môi trường xảy ra liên tiếp gần đây đe dọa trực tiếp đến an toàn sức khỏe, thiệt hại sinh kế của người dân. Trong năm 2019 có thể kể ra các sự cố như cháy nhà máy Rạng Đông ở Hà Nội gây ô nhiễm chất độc thủy ngân; vụ xả trộm chất thải nguy hại trên sông Đà vào nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân Hà Nội; các chỉ số ô nhiễm không khí gần đây ở hai đô thị lớn luôn ở ngưỡng nguy hại, đến mức Hà Nội phải khuyến cáo người dân “không nên ra đường”. Trong khi, ở TP.HCM các chuyên gia khí tượng nhận định “ô nhiễm không khí đang “quá sức” vì một năm có hơn 150 ngày ô nhiễm”.
Từ khi ra đời, năm 1993, Luật Bảo vệ môi trường đã hai lần sửa đổi (2005, 2014), và Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang chuẩn bị dự thảo sửa đổi để bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường, đồng bộ các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm: Luật Quản lý tài nguyên nước, Luật Khoáng sản... Điều này cho thấy, pháp luật về môi trường luôn có nhiều bất cập trước sự phát triển kinh tế, xã hội. Tại cuộc Tọa đàm mùa Xuân thường niên lần thứ 5 - 2020 do Người Đô Thị tổ chức với chủ đề “Khí trời, nước sạch và quyền sống an toàn”, các chuyên gia, nhà hoạt động môi trường, doanh nhân, nghệ sĩ đã đưa ra những góc nhìn riêng về thực trạng môi trường. Tất cả đều chung một sự đồng cảm, nỗi âu lo về môi trường sống của chính mình...
***
Từ ký ức đến hiện tại
Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh dự Tọa đàm với tư cách một thị dân, sống ở Sài Gòn hơn bốn thập niên. Ý niệm về môi trường lưu giữ hồn nhiên trong ký ức. Là những buổi thỏa thích tắm mưa. Là chuỗi ngày ngồi sau lưng cha đến trường bằng xe đạp. Đường đi học ngang kênh Nhiêu Lộc nước đen bốc mùi thúi hoắc.
Bây giờ, dòng kênh đã hết hôi. Mặt nước đổi màu xanh. Ngoài đường xe đạp ít hơn xe máy. Thị giác dễ khiến ảo tưởng phồn vinh. Xúc giác trung thực hơn. Tắm nước mưa đen da. Mùa triều cường mới hãi. Chạy xe máy, thò chân xuống nước ngập, bị mẩn ngứa. Mười lần như một.
Sau cơn mưa lớn, nhiều máy bơm nước các hộ dân phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) lắp sẵn liên tục đưa nước ra bên ngoài. Ảnh tư liệu: Lê Quân/Zing
Cách nay chừng một thập niên, khu Thảo Điền (quận 2) được xem như một ngôi làng ven sông, nhiều kênh rạch đan xen. Vùng đất này thấp. Mùa triều cường, không mưa cũng ngập nhưng vẫn tạo sức hút đối với nhiều người nước ngoài đến sinh sống, trong đó có những viên chức cấp cao làm việc tại lãnh sự quán. Bất động sản tăng giá chóng mặt. Thảo Điền tạo ra lực hút thương mại. Chính quyền tiếp tay nhà đầu tư nhập cuộc đua xây cao ốc. Mật độ xây dựng dày đặc dẫn dắt bởi tư duy mét vuông khiến Thảo Điền quá tải. Nhiều kênh rạch bị lấp, thay bằng đường ống có kích cỡ nhỏ hơn, để có thêm đất làm dự án. Thảo Điền ngập triền miên. Bất động sản rớt giá. “Thảo Điền không còn là không gian đáng sống như đã từng”, Hồng Ánh than phiền.
Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh: "Hơn 40 năm ở Sài Gòn, tôi bắt đầu bị cay mắt khi chạy xe máy trên đường.". Ảnh: Quý Hoà |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khách mời đại diện cho khu vực doanh nghiệp đang kinh doanh tài nguyên đất, HoREA đã có sự thay đổi về chất so với những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Trong giai đoạn hoang dã của ngành kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư tìm mọi cách để tăng phần diện tích khai thác thương mại. “Trước kia, chúng tôi bán nhà. Bây giờ, chúng tôi bán không gian sống”, ông Châu hào hứng với việc chủ đầu tư mong muốn có được dự án diện tích đủ lớn để quy hoạch thêm nhiều tiện ích, hướng tới hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và khách hàng.
Chủ tịch HoREA phấn khởi với việc Hiệp hội phát triển thuận theo xu thế toàn cầu. Nhận thức thế giới bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng..., HoREA ưu tiên xanh hóa không gian sống, từ mật độ cây, mặt nước cho đến vật liệu, thiết bị xây dựng. Đã bắt đầu có những dự án trang bị thiết bị áp mái tận dụng năng lượng tái tạo gồm phong điện, quang điện.
Băn khoăn vấn đề đô thị xanh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Phạm Viết Thuận mở rộng phạm vi thảo luận. Ông cho rằng đô thị đáng sống hay không trước hết phải xem quy hoạch mật độ xây dựng. Xoay qua Hồng Ánh - một cư dân lâu năm ở Thảo Điền, nhà khoa học xác nhận mình là người đầu tiên công bố độ lún của khu vực này. Ồ ạt chồng chất cao ốc đẩy nhanh tốc độ lún tự nhiên do Thảo Điền nằm trên túi bùn, ông Thuận dự báo một tương lai kém an toàn cho cư dân khu vực này.
Nước dơ, lấy gì rửa?
Chuyển cho Ban tổ chức một clip ngắn, TS. Phạm Viết Thuận đề nghị trình chiếu. Hình ảnh ghi lại một đoạn đường ống bị vỡ, nước có màu vàng, đục... “Đường ống của nhà máy nước sạch”, ông Thuận thuyết minh đoạn phim được ghi lại tại địa phận huyện Củ Chi (TP.HCM) trước đó ít ngày. Hiệu ứng thị giác khá mạnh, khách mời xôn xao.
Sự cố nước sạch sông Đà khiến người dân Hà Nội lao đao. Ảnh: Tiền Phong
Chờ không khí lắng xuống, ông Thuận chia sẻ thêm, nghiên cứu chất lượng nước sạch tại TP.HCM và nhu cầu người dân sử dụng nước sạch còn thấp, đặc biệt người dân các huyện ngoại thành và các xã nông thôn mới huyện Củ Chi. Nguyên nhân ban đầu là nước thường có màu vàng đục và có mùi khó chịu... Người dân cho rằng nước sạch mà không sạch.
Nước ngọt cho cộng đồng vùng sâu vùng xa cũng là mối quan tâm của Hồng Ánh. Nghệ sĩ cho biết vừa hoàn tất chương trình đào giếng nước, tặng gần 300 hộ dân trên địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Nghĩa đồng bào huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Chính quyền địa phương ủng hộ. Nước sạch nông thôn là một nội dung quan trọng tại Quyết định 104/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2000, nêu rõ đến năm 2020 tất cả cư dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày.
TS. Phạm Viết Thuận (Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM): "Giá như trong Bộ Chính trị có một thành viên là chuyên gia môi trường.". Ảnh: Quý Hoà |
Mục tiêu đề ra cách nay hai thập niên đã không thực hiện được. Ý chí chính trị rõ ràng chưa đủ. Cần cơ chế khuyến khích mạnh hơn, thúc đẩy sự chung tay của khu vực dân sự - thành phần chưa được để ý -tại quyết định của Thủ tướng. Người nghèo tại nhiều địa phương đang thiếu nước ngọt trong khi một số chuyên gia cảnh báo tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan gây sụt lún, ô nhiễm... Tình thế lưỡng nan khiến nghệ sĩ hoang mang.
Chia sẻ mối ưu tư ấy, TS. Phạm Viết Thuận trấn an hoạt động khoan giếng lấy nước sinh hoạt có tác động đến nguy cơ sụt mạch nước ngầm nhưng mức độ đến đâu đòi hỏi số liệu minh chứng. Thực tế tác động không đáng kể. Ông Thuận cho rằng, bê tông hóa, giảm các vùng thảm sinh thái mới là nguyên nhân chính, phá vỡ quy luật tuần hoàn. Nước trời đổ xuống không đủ thời gian thẩm thấu, bù đắp lượng nước ngầm khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra con người chỉ có thể nhịn uống nước tối đa một tuần. Mất nước, chết liền. Thà chết từ từ, vẫn hơn...
Khoảng một phần ba thị dân Hà Nội cam chịu sử dụng nước bẩn nhiều ngày trước khi vỡ lở câu chuyện đổ dầu thải vào nguồn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngăn ngừa, luật pháp chưa dựng lên hàng rào pháp lý bảo vệ an ninh nguồn nước.
Khoảng trống pháp lý đó cũng dẫn đến sự mù mờ về trách nhiệm pháp luật trước các sự cố môi trường, trong khi trách nhiệm chính trị vẫn được xem như một đặc khu mà quyền lực cử tri khó vươn tới kịp thời. Liệu có ai dám đảm bảo kịch bản đầu độc nguồn nước như tình huống sông Đà sẽ không lặp lại? Nhìn nhận nước sạch ở tầm mức an ninh nghĩa là đặt trách nhiệm lên vai Nhà nước. TS. Phạm Viết Thuận ủng hộ quan điểm nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, trước hết là dùng quyền trưng mua toàn bộ mạng lưới cấp nước đã bị tư nhân hóa.
Ô nhiễm khu vực: Quýt làm cam chịu!
Ông Lê Hoàng Châu kể một câu chuyện cũ. Nhiều năm trước, ông được một lãnh đạo cấp cao gợi ý tạo điều kiện cho một nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư nhà máy sản xuất vỏ xe (lốp) tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Tại buổi tiếp, nhà đầu tư thăm dò người dân Củ Chi có thường xuyên khiếu kiện hay không. Là một trong những cái nôi cách mạng, người dân Củ Chi có tính độc lập và chủ động rất cao. Về công nghệ, nhà đầu tư cho biết chuyển nhà máy cũ từ Trung Quốc qua. TP.HCM quyết định khước từ. Nhà đầu tư dời nhà máy sang địa phương kế bên.
Khói bụi từ nhà máy đang đe doạ sự sống của con người và thiên nhiên. Ảnh: Trần Văn Tuý
Thực tế cho thấy không nhiều địa phương có quyền lựa chọn chất lượng FDI như TP.HCM. Tiêu chuẩn môi trường thấp là một trong những đích đến của dòng vốn đầu tư này. Càng ủng hộ chính quyền Long An cự tuyệt dự án nhiệt điện bằng công nghệ đốt than có vốn đầu tư hàng tỉ USD, dư luận càng phẫn nộ với phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Lù lù bài học ô nhiễm không khí tại nhiệt điện Vĩnh Tân. Xuất khẩu ô nhiễm núp bóng FDI không phải chuyện mới.
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM): "Trước đây, (những người làm) bất động sản bị xã hội nhìn như anh trọc phú. Theo thời gian, chúng tôi có thêm tố chất nghệ sĩ, sáng tạo và cải thiện tinh thần phục vụ.". Ảnh: Quý Hoà |
Thu hút FDI còn là một chỉ số để Trung ương đánh giá năng lực của chính quyền địa phương. Năm 2019, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, được đánh giá là bài bản nhất, vẫn thấy nhà máy chế biến thực phẩm kế bên xưởng sản xuất ắc quy. Đáng nói là khu công nghiệp này thuộc địa phương tự chủ ngân sách, huống chi những tỉnh vùng sâu vùng xa, tụt hậu kinh tế. Thế nên mới có chuyện Hậu Giang cấp phép cho nhà máy giấy sau khi Cần Thơ lắc đầu. Đầu tư tạo ra tăng trưởng, không chỉ gắn mề đay cho lãnh đạo địa phương, mà còn đóng góp vào tăng trưởng quốc gia, mang đến thành tích cho Chính phủ. Nhưng nếu xảy ra rủi ro thì nhiều địa phương cùng chịu. Nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM ô nhiễm nặng chủ yếu là do các nhà máy, xí nghiệp phát thải từ thượng nguồn. Ủy ban quản lý lưu vực sông đóng vai trò điều phối vùng không phát huy hiệu lực. Phân mảnh thể chế, biến địa giới hành chính thành địa giới kinh tế có sự thúc đẩy từ cơ chế khuyến khích của chính quyền trung ương.
Theo PGS-TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, rủi ro “quýt làm cam chịu” có thể giải quyết bằng công cụ quy hoạch. Trục trặc hiện nay là đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo dự án. ĐTM của từng dự án có thể đều đạt nhưng tác động cộng hưởng của nhiều dự án lại gây tác hại lên toàn vùng. Quy hoạch bảo vệ môi trường phân tầng từ cấp quốc gia, xuống vùng, rồi đến cấp tỉnh. Nhằm đảm bảo tính thống nhất, quy hoạch lớp dưới không được mâu thuẫn với quy hoạch lớp trên.
Còn tiếp...
Thượng Tùng lược thuật