Sự cố môi trường tại Hà Nội: Thước đo và phép thử chính quyền đô thị

 12:31 | Thứ năm, 31/10/2019  0
Mỗi sự cố hay khủng hoảng đều là cơ hội để đo thử sức mạnh và năng lực của một thực thể tổ chức. Trong trường hợp này, thực thể ấy có tính điển hình cao, bởi đó chính là thủ đô Hà Nội. Thành phố này cũng là nơi được ưu tiên và vinh dự có một luật riêng cho mình, Luật Thủ đô, được ban hành năm 2012. Có thể hỏi rằng đạo luật này có tác dụng và phát huy được gì không, ít nhất trong tình huống sự cố có tính thảm họa được gọi chung là khủng hoảng?

Đánh giá khách quan cho thấy hai sự cố môi trường xảy ra liên tiếp trong hai tháng qua tại Hà Nội, bao gồm rò rỉ, phát tán thủy ngân từ vụ cháy nhà máy của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông và nhiễm độc nguồn nước do Công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp, đều mới và có tính phức tạp cao.

Do đó, có quan điểm thông cảm với ứng xử lúng túng và chậm trễ của chính quyền thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, từ góc nhìn của người dân và chuyên gia thì sự việc thế nào? Hãy nhìn trực diện vào các tiêu chí, được xem là thước đo, và phép thử năng lực của chính quyền, với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn cho cư dân.

Tốc độ và thời gian 

Đối với vụ rò rỉ, phát tán thủy ngân, đám cháy xảy ra từ ngày 28.8 nhưng tám ngày sau, UBND thành phố Hà Nội mới có cuộc họp chính thức để xem xét sự việc, sau đó có cảnh báo nhiễm độc cho người dân.

Còn trong vụ nhiễm độc nguồn nước sông Đà, xảy ra ngày 8.10, dư luận đã công khai ngay nhưng hai ngày sau chính quyền mới có thông tin để kiểm tra, và tới bảy ngày sau, chủ tịch thành phố mới cảnh báo người dân. Tốc độ phản ứng và hành động này là nhanh hay chậm? Nhanh hay chậm không thể được đánh giá theo quy trình hành chính thông thường mà phải căn cứ mức độ hậu quả phát sinh tùy theo tốc độ ứng phó, xử lý vụ việc.

Khi chất độc từ thủy ngân phát tán qua không khí thì chỉ rất ngắn sau khi đám cháy bùng phát, hàng ngàn người có thể bị nhiễm độc rồi; còn nếu sử dụng nước từ sông Đà để ăn uống thì trong vòng bảy ngày, với khối lượng cung cấp 300.000m3/ngày cho hơn một triệu dân Hà Nội, sự nhiễm độc đối với con người có thể hình dung đã đến mức nào?

Nguồn lực và phương tiện 

Khi chính quyền thành phố cảnh báo người dân trong khu vực bị ảnh hưởng cần sơ tán và không ăn thịt và rau quả được nuôi trồng trong bán kính một cây số từ điểm cháy, tại sao không có bất cứ một giải pháp nào kèm theo để bảo đảm người dân được di chuyển và có nguồn cung thực phẩm thay thế? Một khi những hậu quả phát sinh không có cách khắc phục thì động tác “cảnh báo” của chính quyền cũng không hơn gì một biện pháp truyền thông.

Một khi có thảm họa tác động lên hàng ngàn, vạn người, đó không còn là vấn đề kỹ thuật, kinh tế hay xã hội mà trở thành sự kiện chính trị. Ảnh: cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông chiều tối 28.8. Ảnh: CTV

Đối với vụ nhiễm độc nguồn nước sông Đà, chính quyền đã huy động xe bồn chở nước đến cho người dân. Tuy nhiên, rất nhiều xe không thể mang được nước sạch tới do nó vốn là phương tiện chuyên dùng để tưới cây và rửa đường. Nói cách khác, dù chính quyền có muốn trợ giúp người dân cũng không làm được vì thiếu nguồn lực và phương tiện. Tuy nhiên, nếu không đủ phương tiện xe cộ thì thành phố có nguồn tài chính đặc biệt nào để cứu trợ cho tình huống này không? Chẳng hạn, chính quyền có thể cấp tiền để người dân tự thu xếp hay huy động các tổ chức, đơn vị khác cùng tham gia khắc phục hậu quả?

Khả năng phối hợp hành động 

Từ kinh nghiệm của các nước trong xử lý thảm họa, chính quyền có thể có nguồn lực tài chính, nhưng lại không có đủ nhân lực, công nghệ và phương tiện thích hợp cho các nhu cầu cứu trợ cụ thể. Do đó, việc huy động hỗ trợ và phối hợp của các bên thứ ba, bao gồm các đơn vị chức năng ngoài chính quyền, các tổ chức xã hội và chính những người dân làm tình nguyện viên là cần thiết.

Vừa qua khi thành phố Vinh, Nghệ An bị ngập do mưa lớn khiến nhiều học sinh kẹt lại ở trường, lãnh đạo Phòng Giáo dục đã ngay lập tức liên lạc với đơn vị quân đội tại địa phương để có phương tiện đưa học sinh về nhà. Đó là một biểu hiện của năng lực tổ chức và phối hợp hành động.

Nếu chính quyền Hà Nội làm tốt việc này, những việc đơn giản như xét nghiệm sinh hóa để kết luận mức độ ô nhiễm đã không thể kéo dài tới nhiều ngày.

Trách nhiệm của các cấp lãnh đạo

Thước đo và phép thử sau cùng nhưng quan trọng nhất, đó là bản lĩnh chính trị, dám thừa nhận và đối mặt với trách nhiệm của các cấp lãnh đạo.

Một khi sự cố có tính thảm họa xảy ra tác động lên hàng ngàn, vạn người, đó không còn là vấn đề kỹ thuật, kinh tế hay xã hội mà trở thành sự kiện chính trị, bởi hơn lúc nào hết quan hệ giữa nhân dân và chính quyền bị đặt vào thử thách. Câu hỏi đặt ra là trong tình huống nan nguy thì người dân có thể dựa vào hay tin tưởng ở chính quyền không?

Trên thực tế, ý thức tự thu xếp, tự xoay xở hay tự cứu của người dân Việt Nam luôn luôn tiềm tàng hơn là trông đợi vào chính quyền. Cái người dân cần, là thái độ của người có trọng trách, để họ thấy một sự cảm thông, chia sẻ, một niềm tin và hy vọng. Hành động cần làm chỉ là một tuyên bố rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm và sự cam kết giải quyết vấn đề, ít nhất ở tầm chính trị. Cho mục đích này, việc cơ quan điều tra tập trung tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm lại không phải là câu trả lời chính yếu mà người dân mong đợi.

Trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông gây rò rỉ thủy ngân, khi một lãnh đạo phường chủ động cảnh báo cho người dân, dù kịp thời nhưng không đúng quy trình thì ngay lập tức đã bị chính quyền cấp quận thu hồi và khiển trách. Vậy, các “quy trình và thủ tục” kia có ý nghĩa gì khi nó có sức ngăn cản không cho hệ thống chính quyền làm điều đúng đắn?

Quy chiếu theo những thước đo và phép thử nói trên, dù mới chỉ trong hai tình huống ô nhiễm về môi trường vừa qua, dư luận cho thấy chính quyền thành phố Hà Nội đã không vượt qua thách thức ở mức độ thoả mãn đối với người dân. Vậy, xét từ góc độ quản trị đô thị, tư duy để tìm các giải pháp căn cơ có thể bắt đầu từ những vấn đề nào?

Thứ nhất, liệu rằng trong quy hoạch phát triển của một thành phố lớn và quan trọng như vậy, đã có sẵn các yếu tố phòng, chống rủi ro và thảm hoạ hay chưa?

Người dân thấy rằng sau gần 30 năm đổi mới, thành phố Hà Nội đã phát triển mở rộng như thế mà ngay tại khu trung tâm đông người, một nhà máy công nghiệp là nguồn nguy hiểm cao độ vẫn ngang nhiên tồn tại. Hay khi quyết định giải pháp mới là sử dụng nước mặt từ sông hồ để làm nguồn cung cấp nước sạch, Hà Nội đã không có bất cứ biện pháp nào để bảo vệ an ninh, an toàn về môi trường cho toàn bộ các khu vực có liên quan.

Trong khi đó thành phố New York, vì coi trọng an toàn nước sạch cho người dân khi cũng lấy từ sông, hồ, chính quyền đã huy động 200 cảnh sát tuần tra 24/7, nhằm bảo đảm không ai xả thải và sử dụng phương tiện thủy phù hợp ở khu vực có nguồn nước.

Thứ hai, liệu rằng trong tư duy quản lý thường trực trong các cấp chính quyền, đã có hay chưa sự phân loại rõ ràng và khả năng nhận diện các rủi ro, để bảo đảm rằng mọi rủi ro đối với sức khỏe và tính mạng người dân luôn được quan tâm cao nhất?
Quan sát ứng xử của chính quyền đối với các sự cố môi trường vừa qua, người dân có thể thấy dường như các quy trình và thủ tục hành chính luôn luôn được cố gắng đảm bảo, không phụ thuộc vào tính nguy cấp của tình huống thực tế đến mức độ nào.

Chẳng hạn, trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông gây rò rỉ thủy ngân, khi một lãnh đạo phường chủ động cảnh báo cho người dân, dù kịp thời nhưng không đúng quy trình thì ngay lập tức đã bị chính quyền cấp quận thu hồi và khiển trách. Hành vi của lãnh đạo phường đó được dư luận hoan nghênh bởi nó xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của một con người bình thường hơn là của một công chức bị trói buộc bởi các quy trình và thủ tục.

Vậy, các “quy trình và thủ tục” kia có ý nghĩa gì khi nó có sức ngăn cản không cho hệ thống chính quyền làm điều đúng đắn?

Thứ ba, ngay cả khi Hà Nội đã có Luật Thủ đô thì liệu thành phố đã có khung pháp lý cho kịch bản ứng phó với sự cố và khủng hoảng hay không?

Đọc Luật Thủ đô, người ta chỉ thấy các quy định chung chung mang tính định hướng chính sách mà không có bất cứ quy phạm nào về cả thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình để chính quyền thành phố ứng phó và xử lý các tình huống khủng hoảng. Ai cũng biết một thành phố đông dân cư, hạ tầng quá tải, quy hoạch thiếu nguyên tắc và đồng bộ, ứng xử của con người còn thiếu nền nếp như Hà Nội thì các rủi ro về sự cố có tính thảm họa luôn luôn rình rập. Vậy, linh hồn của Luật Thủ đô là gì nếu không phải là khuôn khổ pháp lý phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, hơn là chỉ xoay quanh những cơ chế xin từ trung ương để tăng quyền cho chính quyền thành phố? 

Để kết thúc bài viết, xin nêu một nhận xét của giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno trong một hội thảo khoa học về quản trị tại Việt Nam nhiều năm trước, đại ý rằng các yếu kém của Việt Nam không phải gì khác mà chính là năng lực quản trị xã hội. Hy vọng những sự cố môi trường vừa qua sẽ là cơ hội cho sự thức tỉnh để khắc phục của các bên liên quan trước khi quá muộn. 

Luật sư Nguyễn Tiến Lập  - Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.