Vũ điệu của trái tim
Hôm nay là buổi tổng duyệt các tiết mục sẽ biểu diễn trong hội thảo toàn quốc “Chia sẻ các mô hình hỗ trợ người khuyết tật” diễn ra ở TP.HCM. Lần đầu tiên họ công diễn trên sân khấu, nên ai nấy đều mang khuôn mặt căng thẳng. Trong một tiếng rưỡi, các học viên lần lượt duyệt các điệu nhảy từ nhẹ nhàng đến sôi động. Khi nhạc nền A time for us cất lên, vũ sư và một học viên trong lớp đã dẫn dắt những người còn lại vào những dòng xúc cảm khác, đầy nghẹn ngào…
Học viên ở đây, mỗi người mang một nghịch cảnh riêng. Nhưng tất cả phần nào nguôi ngoai với niềm cảm xúc vút lên khi tới lớp. Bởi vậy nhiều học viên ở rất xa nhưng không trễ buổi học nào. Nhiều học viên của lớp chung chia sẻ: đây là lần đầu tiên trong đời họ cảm nhận được niềm vui theo từng điệu nhạc bằng những động tác vốn xa lạ với họ.
Vũ sư Đinh Thanh Hiếu đang hướng dẫn các động tác khiêu vũ giúp người khuyết tật rèn luyện sức khoẻ phù hợp
“Tôi luôn mơ ước mình có thể “phiêu” được trên đôi chân và bây giờ thì mơ ước đó đã thành sự thật. Tập những động tác này còn có tác dụng trị liệu. Tôi được tập những bài tập về đốt sống cổ, cổ tay, khớp vai. Người khuyết tật ít vận động. Tập như vậy thì các cơ và đốt sống được dẻo dai, linh hoạt hơn”, chị Khuất Như Quỳnh (34 tuổi, nhân viên văn phòng) chia sẻ. Làm việc ở quận Gò Vấp, hết giờ làm là chị vội vã tới lớp. Một học viên khác, chị Thảo Phương (32 tuổi, làm gia công tại nhà) thổ lộ: “Khi mới tập, mình cảm thấy khó và rất mệt, tập xong thì chân tay đau nhức. Tuy nhiên, sau một thời gian thì thấy cơ thể mình nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái hơn. Đặc biệt, mình ngủ ngon hơn. Bây giờ, những ngày không tập mình rất nhớ”.
Nhiều học viên ở rất xa nhưng không trễ buổi học nào. Ảnh: Q.H
Nhìn mồ hôi lăn dài trên những khuôn mặt đang hướng sự chăm chú tới vũ sư đứng lớp, chúng tôi liên tưởng tới bộc bạch của chị Đồng Lê Quỳnh Hương, quản lý hội quán DRD (trung tâm Khuyết tật và phát triển - Disability & Capacity Development), nơi tổ chức lớp học khiêu vũ đặc biệt này: “Tận mắt chứng kiến những hình ảnh như vậy của các bạn khuyết tật, nỗ lực của họ làm mình thấy phải cố gắng nhiều hơn. Họ rất tự tin và không hề mặc cảm. Thật sự thì nếu một người bình thường chỉ cố gắng một, người khuyết tật phải cố gắng đến mười”.
Điều đáng sợ nhất là khi ai đó vốn đã có vài khiếm khuyết, lại tự bi kịch hoá nghịch cảnh, cuộn tròn trong thế giới riêng của mình. Hãy vận động, hoà nhập để thấy không điều gì là không làm được” - Vũ sư Đinh Thanh Hiếu
Lớp khiêu vũ còn là nơi người khuyết tật tìm đến với nhau, thấu hiểu và sẻ chia. Là em út của lớp, Phạm Hồng Nhung (23 tuổi), bị yếu nửa người, tay teo và không nói được, luôn nhận được sự nâng đỡ từ các chị. Được khiêu vũ và sống trong bầu không khí thân tình này, Nhung cảm thấy sức khoẻ tốt hơn và lạc quan hơn. Còn bạn Lê Anh Thư (Phú Nhuận) bày tỏ: “Em nghĩ rằng mình không bao giờ có thể khiêu vũ, nhưng bây giờ đang tập các động tác đầu tiên của môn khiêu vũ thể thao từ xe lăn”. Sự tập trung, chăm chỉ ấy đã mang tới cho Thư một vinh dự: được chọn múa cùng vũ sư bài A time for us tại hội thảo...
Hơn cả một môn thể thao
Bộ môn thể thao khiêu vũ trên xe lăn có mặt ở Thuỵ Điển từ 1985 và sau đó phổ biến sang nhiều nước. Ở Việt Nam, người khuyết tật trải nghiệm môn thể thao này tại trung tâm DRD. Vũ sư Đinh Thanh Hiếu, giáo viên của sở Văn hoá - thể thao và du lịch TP.HCM là người đề xuất ý tưởng này với trung tâm và dạy hoàn toàn miễn phí. Anh có 15 năm kinh nghiệm huấn luyện các môn dance sport, yoga, zumba...
Một tiết mục khiêu vũ với xe lăn
Vị vũ sư trẻ chia sẻ, anh biết đến bộ môn khiêu vũ trên xe lăn cách đây ba năm tại Úc. Trong thời gian đó, anh đã tham gia một số chương trình đào tạo khiêu vũ trị liệu cho người khuyết tật, người lớn tuổi phải ngồi xe lăn và những người bị chấn thương gối, cột sống. Thấy rằng ở Úc, người khuyết tật rất được mọi người ưu ái, vì thể họ sống vui vẻ và hoà nhập, anh ấp ủ đem chương trình này về Việt Nam với mong muốn giúp người khuyết tật ở Việt Nam có thêm niềm vui trong cuộc sống. Hơn nữa, anh hy vọng rằng lớp học sẽ mang đến cho học viên một phương pháp rèn luyện sức khoẻ phù hợp, nâng cao đời sống thể chất và tinh thần. Vậy là anh chủ động liên hệ với DRD để xin được mở lớp học miễn phí.
Học viên lớp học là những người bị khuyết tật vận động. Ảnh: Q.H.
Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện, anh mới thấy mọi thứ còn ngổn ngang. Anh phải thiết kế lại toàn bộ bài học để phù hợp với điều kiện trang thiết bị và thể chất cũng như văn hoá của người khuyết tật Việt Nam. Vũ sư Hiếu cho biết: “Cái khó không phải là mang mô hình mới mẻ này về Việt Nam, mà là làm sao biến tấu cho phù hợp với học viên người Việt”. Anh đã dành rất nhiều thời gian ngồi tập trên xe lăn để tìm ra cách dạy tốt nhất.
|
Lớp học diễn ra liên tục vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần, hoàn toàn miễn phí. Mục tiêu của vũ sư Hiếu là sẽ tiếp tục mở rộng lớp học ra nhiều địa bàn trên cả nước. Anh còn thực hiện một số music video đưa lên mạng để các bạn khuyết tật khắp nơi có thể học theo: “Có thể có vài khiếm khuyết so với người không khuyết tật, nhưng không có nghĩa người khuyết tật không làm được những việc của một người lành lặn. Điều đáng sợ nhất là khi ai đó vốn đã có vài khiếm khuyết, lại tự bi kịch hoá nghịch cảnh, cuộn tròn trong thế giới riêng của mình. Hãy vận động, hoà nhập để thấy không điều gì là không làm được”, chàng vũ công trẻ thẳng thắn.
Bài: Tuyết Hường Ảnh: Nguyên Trang