Khoảng mờ tiền tố tụng

 04:56 | Thứ hai, 07/04/2014  0

Vụ năm công an đánh chết ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên đang làm dư luận căm phẫn không phải là chuyện hiếm hoi. Trước đó, những cái chết bí hiểm ở Thanh Hoá, Đắc Lắc, Đắc Nông sau khi công dân đến cơ quan công an, cơ quan điều tra, hay ra khỏi đồn công an phải đi bệnh viện cấp cứu như ở Bình Chánh (TP.HCM)… chỉ là những ví dụ mới nhất.

Mổ xẻ vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, rõ ràng, cơ quan điều tra đang nghi ngờ ông Kiều là đối tượng trộm cắp trong chuyên án do Công an thành phố Tuy Hoà lập ra. Tất nhiên các điều tra viên có quyền nghi ông Kiều hoặc ai đó. Đúng ra theo bộ luật Tố tụng hình sự, nếu đủ giỏi, cơ quan công an tìm cách bắt quả tang ông Kiều, hoặc sau khi điều tra ban đầu để thu thập đủ chứng cứ, họ phải làm các bước theo trình tự tố tụng (khởi tố vụ án, khởi tố bị can – ông Kiều, cần thiết áp dụng lệnh bắt tạm giữ, tạm giam…).

Nhưng ở đây, cơ quan điều tra đã không hề làm bất cứ một động thái hợp pháp nào, dù các điều tra viên đều thuộc nằm lòng quy trình trên. Họ chọn một cách hành xử nhanh gọn, đơn giản: “mời” ông Kiều về trụ sở bằng còng, tạm giữ (dù không có lệnh), lấy cung, tra tấn đến mức “nghi can của cơ quan điều tra” chết. Quy trình nhanh gọn, đơn giản này - tạm đặt tên là “quy trình phi tố tụng” – được nhiều người gọi là giai đoạn tiền tố tụng (trước khi khởi tố vụ án). Và, một công dân bình thường như ông Kiều có thể hoàn toàn không biết là trong bộ luật Tố tụng hình sự không hề quy định quy trình hành xử như trên đây. Điều này đồng nghĩa là quy trình đó trái pháp luật.

Vì sao người thi hành công vụ lại chọn cách hành xử tùy tiện như đã nêu thay vì tuân thủ tố tụng? Có nhiều lý do: coi thường công dân, luật pháp, yếu kém trong nghiệp vụ… Có một lý do nữa, đó là khi chọn cách hành xử “phi tố tụng”, những người thi hành công vụ sẽ thoát được “tai mắt” của cơ quan chức năng khác, đặc biệt là viện Kiểm sát, hoặc các tổ chức xã hội nghề nghiệp (đoàn luật sư, hội luật gia, cơ quan báo chí…). Kiểu hành xử độc quyền “một mình một chợ” và nhập nhằng sáng tối “hình sự không ra hình sự, hành chính không ra hành chính” của cơ quan công an đã gần như bịt mắt tất cả, không một cơ quan nào biết để kiểm tra, giám sát.

Bắt giữ, bức cung, tra tấn tuỳ tiện, bừa bãi… có hiệu quả trong việc phòng chống tội phạm hay không, còn phải cân đong, nhưng sở dĩ được cơ quan công an chọn có lẽ vì nó có những giới hạn an toàn (chỉ nội bộ biết với nhau). Tuy nhiên, quy trình “phi tố tụng” luôn là con dao hai lưỡi, tiềm ẩn rủi ro nếu vượt khỏi giới hạn an toàn nội bộ (tra tấn, nhục hình gây thương tích, chết người, hàm oan).

Trở lại vụ ông Kiều, nếu cơ quan điều tra chọn cách hành xử theo luật, trước hết, họ phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt… ông Kiều. Vì lúc này, bắt đầu một giai đoạn tố tụng (tư pháp), nên tất cả những động thái trên của cơ quan điều tra phải được sự đồng ý, phê chuẩn của viện Kiểm sát cùng cấp.

Với chức năng công tố và kiểm sát tư pháp, viện có thẩm quyền để đồng ý hoặc bác các quyết định trên. Rõ ràng, để đưa một công dân trở thành “nghi can”, đòi hỏi cơ quan điều tra phải trải qua một quy trình phức tạp, chi tiết nhiều bước (người có thẩm quyền ra quyết định phải là thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra), mất thời gian làm thủ tục, và đòi hỏi các bước nghiệp vụ chặt chẽ (nếu không thì không được phê chuẩn). Trong trường hợp ông Kiều, những gì cơ quan điều tra thành phố Tuy Hoà có được trong tay không đủ vững chắc để quy tội cho ông. Bởi, nếu có đủ cơ sở chứng cứ để “chắc chắn” ông Kiều là thủ phạm, cơ quan điều tra đã làm đúng trình tự tố tụng chứ chẳng dại gì chọn “quy trình phi tố tụng”. Vượt giới hạn an toàn, người chơi dao đã bị đứt tay.

Đến bây giờ, tiền tố tụng hay phi tố tụng trong hình sự vẫn là một khoảng mờ bởi chưa có những quy định của pháp luật mang tính hệ thống mà nằm lẻ mẻ, nhập nhằng trong các quy phạm hành chính, hình sự. Khoảng mờ này không những đã đẩy người dân vào thế không được bảo vệ trước cơ quan công an nói riêng và công quyền nói chung, mà còn góp phần làm công cụ phi pháp cho một số người nhân danh công vụ trong cơ quan công an. Đồng thời, điều này cũng tạo tâm lý khích lệ cái ác và nếu có hậu quả xảy ra với công dân, như ở Tuy Hoà, cũng dễ rơi vào tình trạng “huề cả làng”. 

Dấu hiệu sai tội danh

Việc “mời” ông Ngô Thanh Kiều lên cơ quan điều tra, sau đó tra tấn ông đến chết không nằm trong quy trình tố tụng hình sự. Do vậy, việc viện Kiểm sát truy tố, hội đồng xét xử tuyên năm cán bộ công an với “tội dùng nhục hình” theo điều 298 bộ luật Hình sự có dấu hiệu sai tội danh, bởi vụ án và ông Kiều chưa được khởi tố, nên năm cán bộ công an không phải là người “dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Ở đây có dấu hiệu của tội giết người.

Vĩnh Hòa

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.