Nhìn những công trình đã gây nên “hậu quả nhãn tiền” trên vịnh và bãi biển Nha Trang; xem các quy hoạch, dự án đang tiếp tục “chia phần” khai thác cả trên không, trên mặt đất, trên mặt nước biển và tầng ngầm trong lòng danh thắng quốc gia này; nghe những biện minh từ quyền lực cho những hành động, tư duy đào xới bãi biển Nha Trang đó, không ít người đã xót xa, lắc đầu; có người thì lẩy Kiều là “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”…
Hậu quả nhãn tiền
Nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, nay là thành viên của liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà, đã từng lên tiếng rất thẳng thắn, quyết liệt phản đối việc UBND tỉnh Khánh Hoà chủ trương cho thực hiện hàng loạt dự án ngầm dọc bãi biển Nha Trang, khi dự án ngầm đầu tiên bắt đầu công khai rào chắn, đào xới để xây trung tâm thương mại, vũ trường ngầm và nhà hàng nổi E-land Four Seasons vào đầu năm 2013. Thế nhưng những ý kiến mang đầy tâm huyết, chất xám của những nhà khoa học ở Khánh Hoà cùng nhiều người dân nặng lòng với biển Nha Trang đã trở thành “yếu thế” khi dự án này vẫn ồ ạt đào xới, triển khai; nhà hàng nổi E-land Four Seasons đã “nổi” lên như một tường thành tại khu vực cà phê Bốn Mùa cũ che chắn một góc nhìn ra vịnh Nha Trang.
Trước nhiều băn khoăn, lên tiếng của công luận, trong tháng 1.2013 trên tờ báo của địa phương, nhà đầu tư cùng nhiều lãnh đạo của tỉnh đã tung ra khá nhiều hứa hẹn, giải thích, bảo vệ cho việc xây dựng các công trình ngầm lẫn nổi của dự án nhà hàng E-land Four Seasons và các dự án ngầm sẽ triển khai. Trên báo Khánh Hoà (theo PV Bích Khuê), ông Trần Hữu Liệu, phó tổng giám đốc công ty TNHH Bốn Mùa Nha Trang, chủ đầu tư dự án có công trình nhà hàng ngầm, nổi E-land Four Seasons đã khẳng định: “Dự án nằm trong định hướng quy hoạch lại công viên bờ biển nhằm làm cho bãi biển đẹp hơn. Do vậy, khu vực này đã được thiết kế trở thành một công viên công cộng hiện đại, thoáng đãng, phù hợp với chức năng của một công viên ven biển”. Đồng thời công trình này có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn nước biển xâm thực vào đường Trần Phú… Thế nhưng, theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - nguyên giám đốc sở Xây dựng và nguyên chủ tịch hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hoà đã gọi công trình ngầm và nhà hàng nổi của E-land Four Seasons là “công trình chối tỷ bên biển Nha Trang”.
Nghe hài, lẫn bi…!
Cũng trên tờ báo địa phương đã nêu, ông Lê Đức Vinh - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà giải thích với “tầm nhìn” xa hơn: “Các công trình ngầm đang được triển khai xây dựng trên công viên biển, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ phục vụ du khách, các công trình này có tác dụng như một kè chắn sóng hữu hiệu...” để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu… Một lãnh đạo khác thì “tiết lộ” cái nhà hàng, vũ trường ngầm lẫn nổi E-land Four Seasons cùng các dự án ngầm nữa bên biển Nha Trang còn có “công năng quan trọng” khác, đó là công trình phòng thủ, bảo vệ khi có chiến tranh… (?!!). Thế nhưng các nhà khoa học thuộc liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hoà thì đã đề nghị phá bỏ công trình xây dựng kiên cố café bar E-land Four Seasons, để khắc phục một “hậu quả nhãn tiền” bên bãi biển Nha Trang.
Phối cảnh khu công viên công cộng ven biển phía đông đường Trần Phú, thành phố Nha Trang. (Nguồn ảnh: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia)
Trong một cuộc họp báo của UBND tỉnh Khánh Hoà vào tháng 1.2013, trước nhiều phóng viên báo chí, bà Phan Thanh Trúc, phó giám đốc sở Văn hoá, thể thao và du lịch Khánh Hoà còn giải thích: Trong bản đồ xác định ranh giới của danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang thì phần mép nước bờ biển đường Trần Phú trở ra được tính là vịnh Nha Trang, còn toàn bộ bờ biển Nha Trang không nằm trong diện tích của danh lam thắng cảnh mà là khu vực tiếp giáp. Như vậy, khi có dự án đầu tư có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích thì sẽ thực hiện thẩm định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Vì vậy khu vực tiếp giáp này không phải bắt buộc có thẩm định của bộ Văn hoá, thể thao và du lịch… Có người cho rằng, ranh giới của một địa điểm, một thẻo đất còn phải xác định bằng các mốc giới, toạ độ rõ ràng. Nếu giải thích như vừa nêu của bà PGĐ sở Văn hoá, thể thao và du lịch Khánh Hoà - Phan Thanh Trúc thì hoá ra ranh giới danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang là “vô định” theo thuỷ triều, theo con nước ư? Bởi nếu tính theo mép nước sẽ thay đổi theo từng con sóng, nước duềnh, sóng liếm tới đâu thì sẽ đẩy mép nước theo tới đó, vậy thì xác định ranh giới vịnh Nha Trang theo kiểu gì?…
“Tôi có cảm giác rất lạ, là hình như chúng ta đang thiết kế “bản án” bức tử bờ biển, bãi tắm Nha Trang; đang đặt dấu chấm hết cho sự trổi dậy của nền kinh tế biển, kinh tế du lịch đầy triển vọng ở Nha Trang !” – TSKH. Nguyễn Tác An - phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam nhận xét về bản qui hoạch bờ biển Nha Trang
Nhiều người nghe các kiểu hứa hẹn, giải thích biện minh, “che chắn” cho các dự án ngầm bên bãi biển Nha Trang đã lắc đầu, ngao ngán. Bởi “nghe sao nó quá đỗi hài lẫn bi…” cho bãi biển Nha Trang và cho cả những “tư duy đào xới bãi biển Nha Trang” - một danh thắng nổi tiếng của quốc gia đã từng quyến rũ du khách bởi cảnh quan thơ mộng và không gian thoáng đãng của bờ biển...
“Tư duy cày xới” bãi biển Nha Trang
“Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía đông đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà” đã được UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho sở Xây dựng làm chủ đầu tư, thuê viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia lập. Theo các nhà khoa học thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Khánh Hoà thì quy hoạch mới chỉ là tập hợp các dự án, ý tưởng của các nhà đầu tư đã và đang thực hiện ở các bước khác nhau để trình phê duyệt hợp thức hóa nhằm thuận lợi cho các dự án đầu tư sau này, chứ chưa thể hiện được sự sáng tạo độc lập của nhà quy hoạch, chưa thể hiện được lợi ích của cộng đồng…
Những dự án mà các nhà khoa học đã “vạch” ra là nó được “tích hợp”, biến hoá thành “quy hoạch” như đã nêu, đó là hai dự án Công viên du thuyền quốc tế Peacock Maria complex tại phường Vĩnh Hoà và Công viên vui chơi giải trí Nha Trang Sao ở phía bắc cầu Trần Phú; đặc biệt là hầu hết “ý tưởng, quy hoạch tạm 1/2.000 dự án Bãi biển Phonex” ở toàn bộ phía đông đường Trần Phú ven biển Nha Trang của tập đoàn Dewan (Ấn Độ).
Theo “quy hoạch tích hợp” các dự án vừa nêu thì hầu hết đất đai, mặt nước biển, dưới mặt đất, lòng vịnh Nha Trang thuộc nhiều địa điểm, trải dài khoảng 14km dọc phía đông các đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang, đều sẽ bị phân chia, khai thác, xới tung hàng chục khu vực để xây các công trình nổi, công trình ngầm, các khách sạn, bến du thuyền, căn hộ trên mặt biển v.v. Các nhà khoa học đã thống nhất kiến nghị gần như bác toàn bộ các đề xuất “cày xới, khai thác” bãi biển, danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang như đã nêu để trả lại môi trường, không gian công cộng thoáng đãng dọc bãi biển, ven vịnh Nha Trang cho cộng đồng…
Trúc Nam Sơn