TP.HCM bắt đầu thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè từ ngày 1.1.2024

 18:03 | Thứ ba, 19/09/2023  0
Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là từ 50.000 đến 350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 đến 100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Xe hơi đỗ trên đường Lê Lai, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN


Chiều 19.9, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, với mức phí từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng, áp dụng từ ngày 1.1.2024.

Mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000-350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

Về cách tính thời gian thuê, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng tính nửa tháng; từ 15 ngày trở lên trong một tháng sẽ tính 1 tháng.

Mức phí được áp dụng theo giá đất bình quân tại 5 khu vực (mỗi khu vực sẽ có tuyến đường trung tâm và các tuyến còn lại). Khu vực 1 gồm quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, Phú Nhuận, Khu A-Khu Đô thị mới Nam Thành phố, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực 2 gồm quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), quận 6, quận 7 (trừ Khu A-Khu Đô thị mới Nam Thành phố), quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.

Khu vực 3 gồm quận 8, quận 9 (nay thuộc thành phố Thủ Đức), quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc thành phố Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp. Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm, giữ xe máy, xe môtô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng Giao thông Đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết sau khi Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết, UBND TP.HCM sẽ sớm ban hành kế hoạch thực hiện.

Hiện Sở Giao thông Vận tải và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Khi khảo sát các tuyến, ưu tiên lớn nhất vẫn là vỉa hè phải đảm bảo còn đủ 1,5m cho người đi bộ.

Theo ông Ngô Hải Đường, khi muốn ban hành danh mục các tuyến đường, cơ quan quản lý phải tổ chức tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư khu vực đó rồi mới triển khai. Từng tuyến đường sẽ có phương án cho sử dụng lòng đường, hè phố cụ thể, chứ không làm đại trà, vội vã.

Đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ, địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn quản lý thật chi tiết tuyến đường.

Tháng 7 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, trong đó ưu tiên cho mục đích giao thông.

Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm các nguyên tắc không gây mất trật tự an toàn giao thông; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m; phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ôtô cho một chiều lưu thông.

Tiến Lực

Nguồn TTXVN/Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.