Lạc giữa Nam Mỹ mùa dịch bệnh

 11:56 | Thứ ba, 10/11/2020  0
Anh cảnh sát trẻ đứng nhìn tôi rất lâu trong sa mạc trơ trụi. Nơi khô nhất Trái Đất ở Atacama, phần đuôi Nam Mỹ mở ra thành đường thẳng vô tận và chập lại ở đại dương phía trước.

Giữa vòng xoáy dịch bệnh và hỗn loạn, tôi đi tiếp trong hành trình dài, nhìn thấy con người nguyên sơ nhất tạo thành bản thể giống loài kỳ lạ. Tôi kẹt lại ở Nam Mỹ trong đỉnh cao dịch bệnh, khi bệnh viện ở các thành phố lớn tại Chile bắt đầu quá tải và số người bệnh tăng chóng mặt. Cả quốc gia lặng lẽ trong sự kỳ thị ngạt thở.

Người Chile không bước ra thế giới bên ngoài nhiều. Thậm chí, nhiều người Chile tôi từng gặp chưa bao giờ đi hết quê hương có địa thế kéo dài đến tận Nam Cực. Họ sợ người nước ngoài. Sợ bất kỳ ai từ châu Á đến. Sợ cảm giác dịch bệnh có thể bước vào khung cửa nhà giữa mùa đông lạnh giá. 

Hàng trăm chiếc lều vô gia cư mới mọc lên bên bờ biển ở Antofagasta, vì những người di cư từ Bolivia, Peru không thể về được nhà và không tìm được việc vì dịch bệnh COVID-19. 

Buổi chiều hôm ấy, giữa sa mạc, tôi cảm nhận sự kỳ thị đó lạnh sống lưng như dao. Người nhân viên trạm kiểm soát lạnh lùng nói: “Cô không có việc gì để đến đây cả. Hãy quay về nơi cô bắt đầu hành trình”. Nơi khởi đầu cách chỗ người đàn bà đề cập 3.500km. Tôi hỏi cô: “Làm sao tôi có thể quay về được khi nơi này không có xe bus quay lại?” - Bà nhún vai, vứt lại cái nhìn rũ bỏ can dự, và quay qua người khác. 

Tôi ngồi giữa sa mạc trong sự đơn độc chưa từng thấy. Đó là cảm giác bị đồng loại rũ bỏ không thương tiếc. Cảm giác bị ném ra bên lề vì mình không phải “họ”, không  thuộc về bất cứ nơi nào và không mang danh tính làm hài lòng nhóm người nắm giữ trạm kiểm soát. 

Bác tài xế xe bus cố gắng giải thích cho người phụ nữ ở trạm kiểm soát trường hợp của tôi. Bà không buồn đáp và vứt thẳng tập hồ sơ vào rổ. Bác tài hiểu đó là kết thúc thảo luận. Ông giúp tôi gỡ hành lý xuống, và dặn dò đủ điều, dường như để lấp đầy cảm giác tội lỗi trong ông, khi bỏ lại một nữ hành khách giữa sa mạc.

Bất cứ người Chile nào cũng biết sa mạc ở quãng Mejillones là nơi qua lại của tội phạm ngoại biên thành phố Antofagasta. Bất cứ ai cũng biết một phụ nữ không nên ngồi giữa sa mạc với đống hành lý không đợi chuyến xe nào. Tôi đã không hề khóc khi ông vẫy tay chào. Tôi đang cố nhai hết và nuốt vào ngực trạng thái của loài đi lạc, thứ linh hồn không ai buồn cho neo đậu và dung thứ, giống loài mà mọi đồng loại xung quanh không cam tâm nhận ra và sẵn sàng vứt bỏ. 

Tác giả (từ trái, thứ hai) trong thời gian ở miền Trung Chile, được những người thợ mộc ở một trang trại vùng Maule kết bạn và giúp đỡ trong suốt ba tháng cách ly. Ảnh CTV
 

Bên cạnh tôi, một người phụ nữ lớn tuổi Peru òa khóc khi xe chuyển bánh. Bà là người thứ hai bị buộc xuống xe và “quay trở về nơi bắt đầu”. Mái tóc bạc phất phơ chạm vào mắt. Hai chiếc vali chất đống nằm bên vệ đường. Bà vừa nghe điện thoại vừa khóc. Khóc xong bà đứng dậy co ro. Nhiệt độ bắt đầu xuống thấp. Ở Atacama đêm xuống có thể làm nhiệt độ giảm hơn 15 độ so với ban ngày. Tôi bối rối không biết làm gì, không biết an ủi bà, và không biết liệu có thể làm gì cho tình cảnh của bà và chính mình.

Tôi lại gần, xếp lại hai chiếc vali đang nằm chơ vơ giữa đường vào sát con lươn quốc lộ, bên cạnh mình. Chúng tôi mang ý nghĩ khác nhau đi vào im lặng. Ngôn ngữ trở nên vô nghĩa trong rối bời của cảm xúc và kiệt quệ. Đêm hôm ấy, trăng sa mạc tròn như một món quà nguyên vẹn. 

Một người cảnh sát cuốc bộ từ phía trạm đóng ngoài sát bờ biển đến chỗ tôi. Anh nói tiếng Anh và hỏi giấy tờ. Anh hỏi: “Cô sẽ làm gì?” - “Tôi không biết. Người của các anh tống cổ tôi khỏi chuyến đi đến nơi tôi cần đến. Tại sao anh lại hỏi tôi sẽ làm gì?” - Anh tránh ánh mắt của tôi, quay lại con đường sỏi đá dẫn ra trạm. Tôi nhìn bà người Peru. Thình lình tôi ước gì mình cứng cỏi để bà không sợ, ước gì mình khẳng khái gọn gàng để những người công quyền hành động vô lý kia phải hành động khi gây ra hoàn cảnh không hay cho đồng loại. 

Mười phút sau anh cảnh sát quay lại. Anh nói: “Hai mươi phút nữa sẽ có một chiếc xe bus qua đây. Tôi đã liên lạc. Họ đồng ý chở cô và bà đây đến nơi nào hai người cần tới. Cô muốn đi đâu?”.

“Tôi không biết. Nơi tôi muốn đi không phải là quay lại. Tôi không biết gì về quãng đường sau lưng cả. Bà ấy cũng thế. Các anh nghĩ bỏ một phụ nữ lớn tuổi giữa sa mạc là điều đúng hả?”.

“Vậy nghe đây, cô hãy bảo xe bus chở cô đến Antofagasta. Đó là thành phố lớn nhất vùng này. Khi đến bến xe, cô và bà hãy ở trong bến xe. Tuyệt đối không bước ra ngoài. Không đi đâu hết. Khi trời sáng hãy đi tìm nơi ở hay xe quay về đâu mà cô cần. Nơi này cực kỳ nguy hiểm ban đêm”. 

Thiên nhiên ở vùng Maule, Chile.

Rồi chúng tôi chìm trong im lặng. Ba người đứng giữa quốc lộ nhìn mặt trăng khổng lồ dâng cao như đấng phán xét đang chờ đợi và ngắm nhìn sinh vật bé mọn tồn vong giữa chúng. “Tôi biết COVID-19 đã gây ra cảnh này. Tôi thật lòng xin lỗi. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên”, anh mở lời. 

“Tôi biết. Cũng vì COVID-19 mà tôi ở đây. Tôi cũng chỉ đi đến nơi mình cần phải đến để sinh tồn” - Tôi mỉm cười, kỳ vọng nụ cười có thể xóa tan cảm giác tội lỗi mà người cảnh sát trở mình không cách gì gỡ được. Anh nhìn tôi, rồi đi lại cạnh người phụ nữ Peru. Anh giải thích mọi thứ cho bà. Vừa khi ấy xe bus trờ tới. Anh cảnh sát giơ thẻ cho nhân viên nhà xe và giúp chúng tôi xếp hành lý lên khoang. Anh dặn dò nhân viên nhà xe. 

“Nhớ không được bước chân ra khỏi bến xe bus khi đến nơi,” anh nhắc lại. 

Anh đỡ người phụ nữ Peru lên xe và vẫy tay chào. 

“Cảm ơn anh”. 

“Không có gì, vì chúng tôi mà cô gặp nạn”. 

Trên chuyến xe bus ban đêm đó, tôi và bà má Rosa nói chuyện cùng nhau bằng... Google Translate.  Bà vừa khóc vừa kể rằng nhà của cháu bà chỉ cách chỗ chúng tôi bị yêu cầu xuống xe khoảng 200km. Bà chỉ muốn về đó ở vì dịch bệnh không ai thuê bà làm việc nữa, lấy đâu ra tiền để ở thành phố mãi. Bà muốn ở nhà người cháu, chờ biên giới mở cửa để về quê nhà Peru gần đó. 

Những người Peru như bà, hành hương quãng đường dài đằng đẵng để tới Santiago de Chile tìm kế mưu sinh. Họ làm giúp việc, chăm sóc em bé, dọn dẹp vệ sinh, bán hàng... làm bất cứ gì mà người Chile không muốn làm, nhưng với mức lương đủ tốt để họ nuôi con cái ở quê nhà ăn học.

Trên chuyến đi của mình, tôi đã gặp dòng hành hương ngược lại khi dịch bệnh xảy ra. Công sở ở Chile đóng cửa. Mọi người phải ở nhà. Ai cũng muốn cắt giảm chi tiêu. Các gia đình bỏ không thuê giúp việc nữa mà tự dọn dẹp, tự chăm sóc con cái tại nhà.

Người Peru làm lao động cơ bản lũ lượt trở về quê hương tránh dịch bệnh. Cũng như bà Rosa, họ kẹt lại ở giữa lằn ranh hai quốc gia không muốn dây dưa nhau trong cơn bệnh tật. Chile nói Peru không kiểm soát được dịch bệnh. Peru không muốn mở cửa để người Chile sang vì số lượng bệnh nhân tăng chóng mặt. Cuộc giằng co hai bên đã đẩy người lao động hành hương vào vòng xoáy mất hướng. Bà Rosa và tôi bị đẩy về phía nhau giữa hoàn cảnh lạ kỳ đó. 

Tác giả (bìa phải) ở sân bay Panama, cửa ngõ của hàng không trung và nam mỹ đã mở cửa lại từ giữa tháng 10, nối lại các khu vực bị cô lập vì dịch bệnh COVID-19. 

Hai giờ sáng, khi xe bus dừng, chúng tôi bước vào trong bến xe. Từ tầm nhìn cửa kính, một ngọn lửa khổng lồ ở con đường kế bên bùng lên làm sáng một góc bến xe. Vài nhóm người chạy khỏi ngã tư. Nhân viên nhà ga lại gần hỏi giấy tờ tôi. Bà Rosa nói gì đó và ông bỏ đi không hỏi nữa. Đêm đó, chúng tôi ngủ cạnh nhau trên sàn nhà ga, cạnh đống hành lý của bà Rosa và chiếc ba lô của tôi. Bà Rosa bảo bà nói với nhân viên nhà ga tôi là cháu gái bà. 

Sáng hôm sau, chúng tôi tìm nơi ở và chia tay nhau. Bà gọi điện mặc cả từng khách sạn và đòi xem tận phòng cho đến khi ưng ý với căn phòng cho tôi, và một nơi ở cho bà. Khi từ biệt, bà ôm tôi thật chặt và vỗ vai tôi vài cái chắc nịch. Đã hơn ba tháng không một người nước ngoài nào lại gần tôi, huống hồ chạm vào và cho tôi một cái ôm như vậy. 

Con người phủ đầy thế giới bằng vô số phức cảm dằn vặt, hành hạ và thương xót lẫn nhau. Dịch bệnh đẩy phức cảm đó đến cực đoan. Sự kỳ thị hóa thành ngang nhiên không khoan nhượng. Sự nhẫn tâm đẩy lên thành ánh nhìn hờ hững không can dự. Số phận hàng ngàn con người giữa các đường biên giới bị giằng xé không đường trở về. Người thân chia biệt nhau không rõ ngày gặp lại. Và rồi giữa hỗn loạn đó, bàn tay chìa ra. Sự tử tế mang hình hài của những việc bé nhỏ làm nên đổi thay trên con đường thiên lý vất vả. 

Nếu người miền Tây để những lu nước bên vệ đường cho kẻ bộ hành lỡ khát, thì nhiều tháng ròng rong ruổi giữa Nam Mỹ, khi vùng đất phân mảnh và kiệt quệ về bệnh dịch, tôi tìm thấy những “lu nước” của lòng thiện ẩn mình đâu đó trong những con người xa lạ không nói cùng ngôn ngữ.  Họ xuất hiện, hành động và từ biệt. 

Như khi bà Rosa nói thầm vào tai: “Giữ gìn sức khỏe”.

Tôi biết Nam Mỹ đang ở cạnh mình. Giữ gìn cho tôi đi tiếp. 

Khải Đơn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.