Làm việc nhóm: sao cứ phải tự ti?

 20:33 | Thứ năm, 01/01/2015  0

“Lép vế” cũng phải

Nhận định trên có thể đúng với số đông du học sinh Việt Nam năm, mười năm trở về trước vì phương pháp học tập theo nhóm chưa được áp dụng phổ biến trong nhà trường nước ta, dẫn đến học sinh Việt không có nhiều cơ hội rèn luyện trước. Do đó, khi sang nước ngoài học, ở hầu hết các môn, khi giảng viên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm hoặc giao nhiệm vụ về nhà làm theo nhóm, sinh viên Việt thường lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu, cộng thêm rào cản ngôn ngữ, bản tính e dè, ít có thói quen trình bày suy nghĩ nên sự hợp tác và hiệu quả làm việc của họ ít được các bạn quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp học tập theo nhóm được sử dụng rộng rãi từ tiểu học nên kỹ năng này của các bạn cải thiện đáng kể. Dù vậy, việc học theo nhóm vẫn là thách thức với các bạn vì nhiều tình huống khác.

Tình huống điển hình nhất là làm việc nhóm với các bạn Trung Quốc. Khi du học ở Anh, Úc, Mỹ, xác suất làm việc nhóm với các du học sinh Trung Quốc là rất cao vì học sinh, sinh viên đến từ Trung Quốc thường chiếm 30-40% tổng số. Không ít bạn bị sốc khi được phân công làm việc chung thì các bạn Trung Quốc tha hồ trao đổi, thảo luận bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến nhiều bạn Việt Nam cảm giác đơn độc khi làm việc trong nhóm.

Tình huống thứ hai là chung nhóm với các bạn bản địa. Với lợi thế ngôn ngữ cùng môi trường học đường luôn khuyến khích chia sẻ ý kiến từ lúc nhỏ, các bạn ấy rất chủ động, tự tin trong hoạt động học tập. Chỉ riêng điều này đã khiến du học sinh Việt bị “khớp” khi phải làm việc chung. Kết quả là trong các dự án nhóm, tiếng nói của du học sinh chúng ta thường yếu ớt, các ý kiến có khi rất hay vẫn bị phớt lờ do khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm cá nhân, trình độ ngoại ngữ lẫn mức độ mạnh dạn của sinh viên Việt Nam thường “lép vế” so với sinh viên bản địa.

Du học sinh Việt cần lưu ý điều gì?

Trước hết, các bạn phải tự tin rằng nền tảng kiến thức học thuật, khả năng tư duy của học sinh, sinh viên Việt Nam không thua kém bạn bè quốc tế. Vì thế, đứng trước các chủ đề, nhiệm vụ học tập được đặt ra, các bạn cứ mạnh dạn suy nghĩ, thay vì tự ti và chỉ biết lắng nghe, làm theo ý kiến của các thành viên khác trong nhóm. Chúng ta có thể thua kém về ngoại ngữ vì đó không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta, dẫn đến gặp khó khăn khi diễn đạt ý tưởng trong trao đổi, thảo luận. Điều này có thể khắc phục bằng cách chuẩn bị bài trước, ghi chú các ý kiến định trao đổi lên giấy, trong trường hợp mình nói không rõ ràng, có thể đưa văn bản ra cho các thành viên khác tiện theo dõi.

Khi bắt đầu làm việc với một nhóm, các bạn nên đề nghị các thành viên thông qua các nguyên tắc làm việc của nhóm như: sử dụng ngôn ngữ của chương trình đang học (tiếng Anh, Pháp, Đức...) để trao đổi, họp nhóm đúng giờ, các thành viên phải hoàn thành phần việc đúng hạn, có nhật ký làm việc nhóm để theo dõi, đánh giá tình hình làm việc của các thành viên... Các nguyên tắc được thông qua phải ghi chép thành văn bản, gửi email cho cả nhóm. Du học sinh Việt nên cố gắng tuân theo các nguyên tắc này để thể hiện sự chuyên nghiệp, thái độ nghiêm túc của mình, đồng thời có thể góp ý các thành viên khác nếu họ vi phạm. Khi các thành viên khác cố tình vi phạm, bất cứ thành viên nào cũng có quyền đem nguyên tắc làm việc nhóm ra để nhắc nhở. Ban đầu có thể là những góp ý nhẹ nhàng, nếu tình trạng tiếp diễn thì các bạn nên có thái độ cương quyết, thậm chí có thể báo cáo giáo viên để họ có biện pháp can thiệp khi một thành viên nào đó hoàn toàn bất hợp tác với nhóm.

Để đạt được mục tiêu mà nhóm đề ra, kế hoạch hoạt động của nhóm là rất quan trọng. Vì thế, một bản kế hoạch chi tiết được bàn bạc kỹ lưỡng trong buổi họp nhóm đầu tiên sẽ giúp ích cho tiến trình làm việc nhóm sau này. Trong bản kế hoạch này, ngoài danh mục công việc, thời gian hoàn thành, còn là bảng phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Đảm bảo tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong nhóm, sau khi làm xong phần việc cá nhân, các thành viên có thể nhờ nhóm xem lại, góp ý, bổ sung để mình chỉnh sửa. Tuy nhiên, để tránh đè gánh nặng lên vai thành viên khác trong nhóm, các bạn nên hoàn chỉnh phần việc của mình với nỗ lực cao nhất. Còn với các thành viên ỷ lại, cần cương quyết yêu cầu họ sửa lại theo góp ý chung của nhóm. Một lưu ý quan trọng là để hạn chế tình trạng hạn chót (deadline) của nhiệm vụ nhóm đã tới khiến các thành viên phải làm thay cho những người ỷ lại, nhóm nên đặt thời hạn nộp bài cá nhân sớm, nhóm trưởng có thể nhắc thời hạn thường xuyên để các thành viên lưu ý thực hiện.

Làm việc trong nhóm với các thành viên đến từ nhiều quốc gia là điều không thể né tránh khi học tập ở nước ngoài, các mâu thuẫn xung đột cũng hoàn toàn có thể xảy ra (ngay cả làm việc nhóm với các bạn trong nước, điều này cũng vẫn có), các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam nên thể hiện cách làm việc chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, thái độ hợp tác đầy thiện chí, sự tích cực, chủ động để sinh viên quốc tế có cái nhìn khác về chúng ta.

Nguyễn Thị Thu Huyền, du học sinh chương trình tiến sĩ đại học East Anglia - Anh

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.