Lãnh đạo đương nhiệm đại học Hoa Sen phản bác vụ “đại hội bất thường”

 21:28 | Thứ hai, 05/09/2016  0

Cuộc gặp gỡ do Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát đương nhiệm trường đại học Hoa Sen tổ chức. Chủ toạ đoàn, gồm: ông Trần Văn Tạo, chủ tịch HĐQT (chủ trì), bà Bùi Trân Phượng, phó chủ tịch HĐQT – hiệu trưởng, ông Đỗ Sỹ Cường, thành viên HĐQT. Mục đích cuộc gặp gỡ nhằm cung cấp những thông tin chính thức, chính thống của HĐQT, Ban kiểm soát và Ban giám hiệu đương nhiệm về diễn biến đang diễn ra tại trường đại học này, đặc biệt là “nói lại cho rõ” về những điều bất hợp pháp của đại hội đồng cổ đông do nhóm cổ đông chiếm 30% cổ phần tổ chức ngày 2.8. 

Mở đầu cuộc tiếp xúc phóng viên các báo đài, ông Tạo nêu quan điểm: “Chúng tôi không thanh minh nhưng muốn sự minh bạch, trách nhiệm của ai và khi xem xét trách nhiệm rồi thì muốn xử lý thế nào cũng được. Chúng tôi không thể chấp hành kết quả đại hội bất thường vừa rồi, bởi chúng tôi cho rằng đại hội đó bất hợp pháp. Con số đã rõ ràng, trình tự tổ chức cũng không hợp pháp, không đúng luật định nên mọi giá trị biểu quyết đó không có giá trị.

Chúng tôi chỉ mong muốn những gì quy kết tại đại hội đó phải được làm rõ. 119 tỉ đồng nếu thực sự có dấu hiệu tiêu cực kiểu biển thủ thì phải đưa công an làm rõ. Nếu đó là thiệt hại của Hoa Sen thì phải đưa cơ quan có thẩm quyền làm, trách nhiệm tới đâu, xử lý rõ ràng”.

Chủ tọa đoàn đang lắng nghe các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Trọng Văn

Thanh Niên: Ông Tạo có khẳng định đại hội đồng cổ đông (diễn ra ngày 2.8) là không minh bạch, vậy HĐQT và Ban giám hiệu đã phản ánh thông tin không minh bạch ấy tới cơ quan quản lý như thế nào? Sinh viên và phụ huynh hoang mang tới diễn biến xảy ra vừa rồi, để giúp cho sinh viên yên tâm học tập phía ban giám hiệu nhà trường đã có biện pháp gì trấn an?

Bà Bùi Trân Phượng: Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày thứ bảy, tuy nhiên vì tính chất quan trọng của sự kiện, tác động đến giảng viên, sinh viên và công luận quan tâm nên dù hôm qua là chủ nhật nhưng ban lãnh đạo nhà trường cũng đã làm việc. Sáng nay chúng tôi đã gửi một báo cáo lên cấp trên, là UBND TP.HCM, bộ Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Chúng tôi cũng có bản sao gửi tới các cơ quan khác như Ban khoa giáo Trung ương, Ban khoa giáo thành ủy TP.HCM… Trong báo cáo, chúng tôi cũng nêu quan điểm của HĐQT và Ban giám hiệu đương nhiệm về tính chất không đúng pháp luật của đại hội cổ đông bất thường vừa qua, cũng như những “bất thường” của đại hội bất thường đó. Chẳng hạn, những vấn đề được nêu ra bằng văn bản trước đây họ gửi cho HĐQT đương nhiệm, làm lý do phải triệu tập đại hội bất thường. Qua báo chí và theo dõi một vài thành viên nhà trường có đi dự đại hội, cho thấy thời gian họ dành cho thảo luận các vấn đề đó rất ít, chủ yếu đại hội chỉ biểu quyết. Tất cả những gì chúng tôi cảm nhận là không hợp lệ, không bình thường, đã phân tích và báo cáo đến cấp trên, từ đó có kiến nghị rõ ràng: UBND không công nhận HĐQT cũng như ban kiểm soát mà đại hội đó đã bầu ra.

Sinh viên hoang mang lo lắng là sự thật. Chúng tôi đã nhận những thông tin từ sinh viên qua nhiều kênh khác nhau. Chúng tôi coi việc lắng nghe, tiếp nhận và trả lời sinh viên là một điều rất quan trọng nên nhà trường đã dành cho việc đó nhiều thời gian, nguồn lực của mình. Chúng tôi hiểu các em lo lắng cho nhà trường, trực tiếp là tương lai học hành của các em nên có quyền tự hỏi kết quả của đại hội đồng cổ đông bất thường đó được phê duyệt thì chuyện gì sẽ xảy ra. Tất cả những câu hỏi của sinh viên đều được nhà trường lắng nghe. Về phía Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi có ra thông điệp của hiệu trưởng trước đại hội cổ đông bất thường, và theo sự theo dõi thì thông điệp đó có tác động tích cực trong việc trấn an và giúp sinh viên an tâm, hiểu rằng nhà trường vẫn đang chăm lo cho việc học của các em, tạo sự ổn định cho việc học. Sau đại hội, sinh viên cũng tiếp tục bày tỏ, nhưng theo ghi nhận bên cạnh những băn khoăn đã có nhiều khẳng định của sinh viên, tin tưởng về chất lượng đào tạo của nhà trường, sự hài lòng của họ về môi trường đào tạo mà các em được có như từ trước tới nay. Ngay cả những em cựu sinh viên, hiện đang du học, làm việc trong hay ngoài nước cũng gửi thông điệp về…

Trong quá trình giải quyết nỗi hoang mang, lo lắng của sinh viên, thú thật có một đối tượng sinh viên mà chúng tôi chưa biết giải thích với các em như thế nào (so với những em đã học qua rồi, học giữa chừng đã hiểu chất lượng của nhà trường) là những em vừa thi tuyển sinh đợt rồi. Băn khoăn của các em lớn hơn: việc đăng ký học thì chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai? Đó là câu hỏi chưa thể giải đáp nhanh và đơn giản được.

Ông Đỗ Sỹ Cường: Đảng ủy nhà trường cũng đã có báo cáo tới thường trực Thành ủy TP.HCM.

Sinh viên Việt Nam: Nhóm cổ đông chiếm 30% có cho biết đề nghị kiểm toán dự án Vatel và công ty Vĩnh An nhưng không được sự hồi đáp, vậy cho biết tại sao không hồi đáp? Việc tổ chức đại hội đồng cổ đông có thể sẽ dẫn tới sự việc kéo dài, tình huống là hai ban quản trị, hai ban kiểm soát, có hai văn phòng khoa, thời khóa biểu khác nhau mà nếu không kiểm soát được sẽ dẫn tới trường hợp như đại học Hùng Vương. Khi đó sinh viên sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất, vậy xin hỏi HĐQT và Ban giám hiệu có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Bà Bùi Trân Phượng: Yêu cầu kiểm toán công ty Vĩnh An là một trong rất nhiều yêu cầu mà cổ đông đã đưa ra. Chúng tôi không hề từ chối và sự thật Vĩnh An đang được kiểm toán bởi một công ty uy tín. Trong bối cảnh nhà trường đang có những nghi ngờ như thế nên chúng tôi muốn hết sức minh bạch. Về phần mình, với tư cách là những người quản lý nhà trường và công ty Vĩnh An, chúng tôi có thể khẳng định sự tin tưởng rằng không có vấn đề gì gọi là thiếu minh bạch ở Vĩnh An.

Về câu hỏi thứ hai, tôi nghĩ rằng chúng tôi không phải là không có lo lắng như vậy. Lo lắng là sẽ mất ổn định môi trường đào tạo sinh viên. Lo lắng của nhà trường không phải từ đại hội cổ đông bất thường mà từ thời gian gần đây, khi có sự mâu thuẫn về vấn đề lớn, quan điểm của lãnh đạo cấp cao nhà trường. Trong HĐQT có bảy người thì có hai thành viên có quan điểm khác; trong Ban giám hiệu có ba người thì một thành viên có quan điểm khác. Đó đúng là điều khó khăn. Tuy nhiên đến giờ phút này, tôi nghĩ HĐQT, ban kiểm soát và Ban giám hiệu đương nhiệm vẫn đang hoàn toàn giữ ổn định tình hình nhà trường. Khi chúng tôi cam kết với sinh viên đang học, là đảm bảo môi trường học yên ổn cho các bạn, thì chúng tôi đang có đủ sức thực hiện cam kết đó. Còn tương lai, tất nhiên là vấn đề cần được giải quyết rõ ràng, dứt khoát để bộ máy quản lý, môi trường đào tạo nhà trường được ổn định. Chúng tôi mong mỏi sự xem xét công minh, can thiệp kịp thời của các cấp quản lý để giúp nhà trường ổn định tình hình.

Người Đô Thị: Đại diện HĐQT có thể cho biết, cơ cấu thành phần cổ đông trường đại học Hoa Sen hiện nay như thế nào? Số lượng cổ đông đang làm việc tại trường, tức cán bộ viên chức chiếm bao nhiêu % số lượng cổ phiếu?

Bà Bùi Trân Phượng: Khi thành lập hội đồng cổ đông của Hoa Sen, chúng tôi được phép của UBND TP.HCM có 61% dành cho công nhân viên nhà trường và giảng viên – tức đội ngũ làm giáo dục. Còn lại được chia cho năm nhà đầu tư chiến lược, mới đến cá nhân. Cơ cấu đó đã bị phá vỡ hoàn toàn sau quá trình Hoa Sen phát triển, cũng giống các trường khác. Bởi, cổ phần sẽ được tự do chuyển nhượng sau ba năm. Đến nay, cá nhân tổ chức chiếm 50%, trong đó công nhân viên chỉ chiếm 16,8%. Công nhân viên cũng được tính trên tên đứng sổ, bởi chúng tôi phát hiện có những người, thậm chí là cán bộ cao cấp của trường, tiền vốn mang tên họ nhưng không phải của họ mà là của người ngoài.

Bà Bùi Trân Phượng: "Chúng tôi mong mỏi sự xem xét công minh, can thiệp kịp thời của các cấp quản lý để giúp nhà trường ổn định tình hình". Ảnh: H.Vi

Phóng viên: Vấn đề của đại học Hoa Sen ở đây là tài chính. Trong định hướng và chiến lược phát triển của đại học Hoa Sen theo hướng phi lợi nhuận, vậy có cam kết chia cổ tức bao nhiêu % hay không để dẫn tới vấn đề đại hội cổ đông chọn mức 30%? Doanh thu 119 tỉ đồng, tại sao để xảy ra? Trách nhiệm HĐQT, ban kiểm soát… như thế nào? Đây là trách nhiệm của tập thể nhưng cũng phải có buổi làm việc kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân. Đảng ủy đã kiểm điểm những người này như thế nào?

Bà Bùi Trân Phượng: Tôi đồng ý vấn đề ở đây là tài chính. Đứng về chiến lược, trường đại học Hoa Sen phát triển theo hướng phi lợi nhuận, có cam kết gì trong việc chia cổ tức cho cổ đông hay không mà họ đòi lên tới 30% ở đại hội thường niên vừa rồi? Tôi xin nói rõ, trong tài liệu gửi đến báo chí hôm nay, đã có quy chế tổ chức hoạt động của đại học Hoa Sen, biên bản của đại hội đồng cổ đông năm 2014 (diễn ra tháng 1.2014). Từ đó, có thể thấy mâu thuẫn về quan điểm đã bộc lộ rõ ràng, lần đầu tiên trước công chúng cổ đông. Xin nói rõ lại, định hướng phi lợi nhuận có ở trường Hoa Sen từ ngày đầu thành lập trường năm 1991. Chỉ từ khi trường cao đẳng bán công Hoa Sen được nâng cấp thành trường đại học thì mới chịu sự chi phối của các quy định pháp luật về đại học tư, ứng vào thời điểm Hoa Sen làm hồ sơ nâng cấp từ trường cao đẳng bán công Hoa Sen lên đại học bán công Hoa Sen, chúng tôi còn giữ đề án đó. Lúc này rơi vào thời điểm chủ trương của chính phủ không tiếp tục giữ mô hình bán công ở bậc cao đẳng – đại học nữa. Ở Việt Nam lúc đó có sáu trường cao đẳng – đại học bán công, trong đó TP.HCM có năm trường. Cùng thời điểm này, có đề án của Bộ đưa cho chúng tôi, dự thảo đề án chuyển đổi mô hình từ cao đẳng – đại học bán công sang tư thục (và đang chờ chữ ký của phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm để ban hành). Trong quá trình trình đề án, về chủ trương Bộ nói rõ là ủng hộ Hoa Sen, nhưng về cơ chế, chủ trương là của chính phủ, là không duy trì mô hình bán công. Do vậy, cao đẳng bán công Hoa Sen nộp đề án nâng thành đại học bán công Hoa Sen không được chấp nhận, mà yêu cầu viết lại thành đại học tư thục Hoa Sen mới được chấp nhận. Bộ có cung cấp cho chúng tôi dự thảo đề án chuyển đổi mô hình, chúng tôi tham khảo và xây dựng đề án. Trong dự thảo đề án, có ý về “trần cổ tức” – định mức cổ tức lãi cao nhất là bao nhiêu.

Có một cuộc họp giữa phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và cán bộ nhà trường, ông Khiêm có nói “những người như chị Hoàng Xuân Sính hay như chị làm tư thục thì chúng tôi rất yên tâm, chúng tôi tin các chị là những nhà giáo dục, sẽ làm theo định hướng phi lợi nhuận…” Lúc đó tôi có đề đạt mong mỏi có mức trần cổ tức để nhà trường biết giá của đồng vốn, từ đó cân đối thu chi cho hợp lý và hiệu quả.

Khi Hoa Sen đại hội thành lập ngày 3.2.2007, dự thảo đó vẫn chưa được ký và sau đó là vĩnh viễn không được ký. Tuy nhiên, trong quy chế tổ chức hoạt động, ngay từ biên bản đầu tiên năm 2007 đã biểu quyết đại học Hoa sen là trường đại học tư thục, hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận, theo nghị quyết của chính phủ số 05/2005 (ngày 8.4.2005) về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao… Vì như vậy, hằng năm khi phân phối chênh lệch thu chi, chúng tôi rất quan tâm đến việc khống chế cổ tức bằng tiền mặt ở mức thấp (chúng tôi vẫn đeo đuổi ý mà ông Phạm Gia Khiêm nói ra trong dự thảo), lúc nào chúng tôi cũng lo, không phải với lãi suất trái phiếu mà là lãi suất tiết kiệm cùng thời kỳ, để định vào mức thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Vì dự thảo không được ký, chưa có điều khoản cụ thể nào để chúng tôi cụ thể hóa chuyện phi lợi nhuận của mình.

Đến năm 2012, khi luật giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, tiếp theo đó là Nghị định 141 (có hiệu lực tháng 12.2013) thì diễn ra đại hội thường niên 2013, chúng tôi chưa nghiên cứu kỹ nghị định 141 nhưng luật Giáo dục đại học thì đã nghiên cứu. Trong đó có hai ý quan trọng thay đổi điều kiện hoạt động của các trường phi lợi nhuận một cách rõ ràng. Thực ra chúng tôi không thay đổi mà pháp luật thay đổi. Trong Nghị định 05, nhà nước dùng cụm từ “phi lợi nhuận” chúng tôi phải dùng theo, mặc dù trong tài liệu nội bộ bấy giờ chúng tôi dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” hay “không vì mục tiêu lợi nhuận”. Do văn bản pháp luật nên chúng tôi phải dùng cùm từ “phi lợi nhuận” trong quy chế tổ chức hoạt động của mình. Theo quan điểm của chúng tôi, đó chỉ là sự thay đổi về thuật ngữ, còn khái niệm thì đó cũng chỉ là một loại hình đào tạo mà thôi.

Nếu chúng tôi có cam kết và thỏa thuận với nhau, thì sẽ cam kết mức chia cổ tức thấp chứ không phải cao. Vì, khi đã ghi trong quy chế hoạt động là phi lợi nhuận thì biểu hiện lúc bấy giờ là sự thể hiện cổ tức bằng tiền mặt thấp. Do vậy, cổ tức bằng tiền mặt mọi năm đều thấp. Riêng trong dịp đại hội năm 2013, mức cổ tức cao hơn bởi mọi người đều biết rằng đó là lần cuối được tranh luận, thương lượng và quyết định về cổ tức mà không bị mức trần nào giới hạn. Nói rằng có phải vì chúng tôi thay đổi nên gây ra biến động hay không thì tôi xin nói không phải do chúng tôi thay đổi mà là do quy chế tổ chức hoạt động của chúng tôi đã và đang áp dụng.

Ông Đỗ Sỹ Cường: Đảng ủy đã có những buổi tiếp xúc với những cá nhân có liên quan, theo dõi sát mọi việc để nếu có kết luận chính thức những sai phạm về trách nhiệm cá nhân thì ủy ban kiểm tra Đảng ủy sẽ có những hình thức xử lý theo đúng quy định. Quan điểm của Đảng ủy nhà trường là xử lý nghiêm nếu cá nhân có những sai phạm về mặt chính quyền theo quy định của điều lệ Đảng. Đứng về quan điểm xây dựng nhà trường theo tôn chỉ không vì lợi nhuận, qua nhiều cuộc thảo luận, cuối tháng 5 đầu tháng 6 Đảng ủy nhà trường đã ra nghị quyết tăng cường, vận động giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà trường thực hiện đường lối, nguyên tắc hoạt động của trường là không vì lợi nhuận. Đa số lãnh đạo nhà trường, thành viên HĐQT, Ban giám hiệu đương nhiệm, ban kiểm soát, tập thể Đảng ủy khẳng định việc tốt nhất cho hoạt động giáo dục đại học là trên cơ sở không vì lợi nhuận.

Cuộc gặp gỡ nhằm cung cấp những thông tin chính thức, chính thống của đại học Hoa Sen cho báo giới. Ảnh: Trọng Văn

Một Thế Giới: Buổi họp báo hôm nay đã được cấp phép chưa, nếu đã được cấp phép thì đoàn chủ tọa có thể cung cấp cho chúng tôi giấy phép được không?

Ông Hoàng Đức Bình, trưởng phòng Truyền thông, đại học Hoa Sen: Chúng tôi xác nhận đây không phải là một cuộc họp báo, mà là một cuộc gặp gỡ do có nhiều anh chị phóng viên quan tâm tới những vấn đề liên quan tới trường đại học Hoa Sen. Thay vì phải trả lời từng người một, hôm nay chúng tôi tổ chức để cung cấp cho các anh chị phóng viên những thông tin, chúng tôi cũng có cơ hội trả lời các câu hỏi một cách hệ thống.

Khám Phá: Theo tôi biết HĐQT đương nhiệm có bảy thành viên, ban kiểm soát có năm thành viên nhưng trong thông cáo báo chí chỉ có năm chữ ký của HĐQT, bốn chữ ký của ban kiểm soát, vậy ba người còn lại có được mời tới buổi hôm nay? Liên quan vấn đề tài chính, khi chuyển đổi mô hình họ có biết trường sẽ hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận không?

Bà Bùi Trân Phượng: Như tôi đã nói, hai thành viên của HĐQT đã chọn một hướng đi khác, họ là những người thuộc nhóm 30% tổ chức đại hội cổ đông bất thường thì không tán thành cuộc họp hôm nay. Còn lại thành viên ban kiểm soát có bốn người và đã ký.  

Còn về việc thay đổi, không phải là HĐQT và ban kiểm soát đương nhiệm, mà người muốn thay đổi đường lối nhà trường là nhóm cổ đông vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Vì vậy họ mới muốn thay đổi toàn bộ HĐQT và ban kiểm soát. Định hướng phi lợi nhuận là định hướng của trường Hoa Sen ngay từ đầu thành lập trường bởi công ty Scitec, sau đó trở thành trường cao đẳng bán công. Khi trở thành đại học tư thục, từ “phi lợi nhuận” được ghi trong đề án xin thành lập trường, quy chế hoạt động trường và được đại hội cổ đông thành lập trường năm 2007 biểu quyết với số phiếu tuyệt đối. Cho đến ngày hôm nay nó vẫn nằm trong quy chế tổ chức hoạt động trường và chúng tôi chỉ thực hiện đúng với điều đó. Có sự tranh cãi về từ ngữ bởi chúng tôi quan niệm “phi lợi nhuận” là từ được nhà nước dùng trong Nghị quyết 05 của chính phủ năm 2005 và từ “không vì lợi nhuận” được ghi trong Luật giáo dục. Theo chúng tôi, đó là sự thay đổi về thuật ngữ, không phải thay đổi về khái niệm. Điều đó được chứng minh trong các tài liệu nghiên cứu về phi lợi nhuận – không vì lợi nhuận.

Trong Nghị quyết 05 chưa nói rõ một số điều, càng ngày càng rõ ràng hơn diễn tiến qua Quyết định 63 quy định về 25% phải để lại cho giáo dục, cho dù là phi lợi nhuận hay lợi nhuận. Chỉ có quy định pháp luật ngày càng rõ hơn chứ chúng tôi không thay đổi quy chế hoạt động của nhà trường. Khi quy định pháp luật ngày càng rõ hơn, đã có ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Điều đó do ảnh hưởng từ việc thay đổi của pháp luật. Vì vậy, như lúc nãy chúng tôi đã đề cập, đại hội 2013 là lần cuối được tranh luận và quyết định về mức cổ tức tự do không có trần (theo biểu quyết của đại hội cổ đông). Sau đó phải áp dụng luật Giáo dục. Luật Giáo dục, đặc biệt là Nghị định 141 quy định rõ: nếu trường xác định không vì lợi nhuận, thì mức cổ tức cao nhất có thể trả chỉ có thể là bằng trái phiếu nhà nước.

Trước đây có sự “hài hòa lợi ích”, chênh lệch thu chi được phân bổ (theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông thường niên), HĐQT chuẩn bị và trình ra hội đồng cổ đông, từ đó biểu quyết trên đa số, để phân phối chênh lệch thu chi sau thuế. Chênh lệch đó mọi năm gồm cổ tức bằng tiền, quỹ khen thưởng, quỹ dự phòng tài chính. Còn lại là để tái phát triển giáo dục (trên dưới 50% của chênh lệch thu - chi). Cổ phiếu thưởng không được mang về nhà, nhưng được tính tăng lên. Vì vậy tính ra, từ một cổ phần ban đầu chỉ sau 6 năm đã nâng lên gấp sáu lần. Lợi nhuận nhà đầu tư cực lớn, mặc dù đồng tiền họ cầm về nhà có thể không nhiều. Kể từ bây giờ, Nghị định 141 quy định, cổ tức không được trả cao hơn trái phiếu nhà nước; thứ hai là tài sản chung không phân chia – tức chênh lệch thu chi, tài sản phát sinh trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, những văn bản này có nhiều điều cần được cụ thể hóa hơn nữa. Điều mà HĐQT và ban kiểm soát mong muốn là duy trì định hướng phi lợi nhuận như từ trước đến nay, càng ngày càng làm hoàn thiện hơn tương ứng với sự thay đổi của quy định pháp luật.  

Thời báo kinh tế sài Gòn: Là trường hoạt động theo hướng phi lợi nhuận, nhưng có thông tin cho biết mức lương bà hiệu trưởng là 2 tỷ đồng/năm. Điều đó đúng hay không? Có thống kê nói rằng trường Hoa Sen trước đây có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất tốt nhưng những năm gần đây lại tụt, chất lượng đào tạo cũng giảm?

Bà Bùi Trân Phượng: Thu nhập hai tỷ đồng, theo tôi, không có căn cứ gì để chứng minh. Bình thường chúng tôi không công bố, và không việc gì phải công bố mức lương nhưng vì ai đó đã công bố con số sai thì tôi xin công bố luôn. Học phí của một sinh viên bình thường hệ chính quy của trường là 50 triệu đồng/năm, của chương trình Vatel là khoảng 70 triệu đồng/năm, vậy lương hiệu trưởng là 80 triệu đồng, chỉ nhỉnh hơn học phí một năm của một sinh viên/tổng số 10.000 sinh viên của trường thì không có gì quá đáng, không chênh lệch gì vô nghĩa so với lương của các cán bộ cấp trung như trưởng khoa, giáo sư.

Ông Đỗ Sỹ Cường: Tỉ lệ việc làm sinh viên ra trường đi xuống bắt đầu từ việc trường chuyển qua đào tạo tín chỉ từ năm 2010, khóa đầu tiên. Một năm trường làm hai lễ trao bằng tốt nghiệp, đợt một là đầu tháng 6, đợt hai là đầu tháng 12. Các năm tỉ lệ tốt nghiệp luôn trên dưới 90%, cũng là tỉ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chỉ có mới đây đợt một trao bằng tốt nghiệp giảm còn 76% nhưng đó là tỉ lệ cao hơn tỉ lệ có việc làm chung của cả nước và thành phố. Các đợt sau có tăng lên, 83% đến 86% nhưng vẫn chưa lấy lại được phong độ như những năm trước là trên dưới 90%. Đó là thống kê ba tháng sau tốt nghiệp, còn thống kê 6 tháng đến một năm, hầu như sinh viên đều có việc làm. Chỉ số sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nói lên chất lượng đào tạo của trường, vì đó là sự chấp nhận của xã hội. 

Các cổ đông biểu quyết tại đại hội.

Cuộc gặp gỡ cũng nhằm “nói lại cho rõ” những điều bất hợp pháp của đại hội đồng cổ đông do nhóm cổ đông chiếm 30% cổ phần tổ chức ngày 2.8. Ảnh:Trung Dũng

Một Thế Giới: Có hay không HĐQT đương nhiệm được thưởng nhiều tỷ đồng/năm?

Bà Bùi Trân Phượng: Tiền thưởng của HĐQT do cổ đông biểu quyết hàng năm chứ không ai tự đề ra. HĐQT là những người không hưởng lương. Những thành viên HĐQT không phải là công nhân viên nhà trường, như ông Trần Văn Tạo hằng tháng hưởng mức thu nhập rất tượng trưng so với lương bình thường của ông ở chỗ khác. Cuối năm họ được thưởng mỗi người vài chục triệu đồng, tính ra chia bình quân cho 12 tháng cũng không có gì ghê gớm.

Dân TríNhiều thông tin về sai phạm, nói bà Bùi Trân Phượng cực đoan, tham quyền cố vị… Trong đại hội cổ đông bất thường vừa rồi, thành viên HĐQT và là phó hiệu trưởng vì tự trọng đã xin rút khỏi HĐQT. Bà có làm điều tương tự?

Bà Bùi Trân Phượng: Lòng tự trọng buộc người ta phải làm đúng trách nhiệm được giao của mình, thể hiện trách nhiệm của mình đúng với công việc mà mình đang thực hiện, chứ không phải lòng tự trọng là người ta phải từ chức cứ ai đó nói mình như thế này, thế kia mà bản thân không có thấy. Các cấp có thẩm quyền là HĐQT và ban kiểm soát đại học Hoa Sen cũng đã xác nhận rõ ràng rồi. Còn nói về cái tâm với giáo dục, tôi không bao giờ nói rằng ai đó phải làm cái gì đó suốt đời, ai cũng sống một đời sống thôi và phải nghỉ ngơi khi tuổi tác đến mức nào đó. Và họ cũng có quyền được hưởng thụ, làm những điều mình thích sau khi làm nhiệm vụ rồi. Làm giáo dục không có nghĩa là phải giữ một chức vụ nào đó, thời gian nào đó. Làm hiệu trưởng 20 năm, theo tôi là con số không căn cứ, cũng như nhiều con số mà người ta đã đưa ra.

Phóng viên: Nói về tính bất hợp pháp của đại hội đồng cổ đông bất thường chiếm 30% cổ phiếu tổ chức, nhưng đã huy động được 59% cổ đông tham gia, vậy cần lý giải sự bất hợp pháp ở đâu? Lý do tại sao HĐQT không ngồi lại với nhau?

Ông Trần Văn Tạo: Tỉ lệ sở hữu 30% cổ phần thì họ có quyền yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Và yêu cầu đầu tiên là HĐQT tổ chức đại hội cổ đông bất thường. HĐQT có họp và thấy những yêu cầu nêu ra chưa hội đủ điều kiện, chưa mang tính chất nghiêm trọng để tổ chức đại hội bất thường. Chúng tôi đã trả lời bằng văn bản trong thời gian quy định đối với nhóm cổ đông 30% bởi nhiều lý do, trong đó có cả lý do tuyển sinh. Nếu như HĐQT trả lời chưa thể hoặc không thể tổ chức được thì nhóm cổ đông có quyền yêu cầu Ban kiểm soát. Chính nhóm cổ đông đã yêu cầu Ban kiểm soát đứng ra thay họ tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Ban kiểm soát cũng đã trả lời, Ban kiển soát chuẩn bị để nắm lại thông tin, tình hình rồi tổ chức. Trong vòng 10 ngày, họ đồng thời yêu cầu ông Đức là thành viên HĐQT đứng ra tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Nếu không quy định chặt chẽ về đại hội cổ đông bất thường, thì người ta có thể tổ chức đại hội bất thường bất kỳ lúc nào. Chính vì vậy mới quy định trình tự, từ HĐQT, Ban kiểm soát, tự tổ chức hay nhờ một thành viên tổ chức. Ở đây sai pháp luật ở chỗ, họ vừa nhờ Ban kiểm soát, Ban kiểm soát đang lập hồ sơ và tiến hành các công tác chuẩn bị thì họ lại nhờ một thành viên HĐQT đứng ra tổ chức. Như vậy là làm không đúng trình tự, đã tước quyền của Ban kiểm soát.

Còn về tỉ lệ %, nếu xem xét thì biểu quyết tại đại hội có giá trị phải 65%. Trong khi đó, đại hội bất thường ngày 2.8 chỉ có 59%, như vậy không đủ điều kiện tổ chức đại hội hợp pháp. Chính vì thế, đại hội cổ đông bất thường vừa rồi không hợp pháp. 

Đề nghị không công nhận HĐQT và Ban kiểm soát mới bầu

Thông cáo báo chí phát ra tại “Cuộc gặp gỡ về việc đại hội cổ đông bất thường” diễn ra ngày 4.8 cho biết, vì tính chất bất hợp pháp của đại hội đồng cổ đông bất thường, các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát đương nhiệm của trường đại học Hoa Sen đã có đề nghị lên UBND TP.HCM và các cấp lãnh đạo không công nhận HĐQT và Ban kiểm soát được bầu từ đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 2.8, do nhóm cổ đông chiếm 30% triệu tập và tổ chức.

Thông cáo đã thống kê những sự bất hợp pháp và “bất thường” của đại hội này, như: thủ tục triệu tập bất hợp pháp, không đúng trình tự và tước đi quyền của Ban kiểm soát đương nhiệm; đại hội cũng chưa đủ điều kiện túc số để tiến hành bởi có những cổ phần thuộc diện “tranh chấp”; nội dung đại hội ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của trường, giảng viên, nhân viên và sinh viên…

Trung Dũng (lược thuật) 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.