Lên án sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông

 09:54 | Thứ sáu, 18/07/2014  0

Thượng viện Hoa Kỳ họp tại Washington DC, hội thảo quốc tế hai ngày ở Mỹ, đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hàng năm tại Bắc Kinh diễn ra cùng trong tháng bảy đều đề cập tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông do việc Trung Quốc đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Ngay báo mạng của Trung Quốc (Hexun.com) cũng có bài cảnh báo chính phủ Bắc Kinh đã mắc sai lầm chiến lược.

Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết

Mỹ hôm 10.7 đã thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng các hành vi khiêu khích và gây hấn, gây mất ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong nghị quyết có đoạn yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vị trí hiện tại, đảm bảo nguyên trạng trước thời điểm tháng 5.2014. Sự kiện này rõ ràng là một thuận lợi ngoại giao đối với Việt Nam và bất lợi về dư luận quốc tế đối với Trung Quốc. Nghị quyết cũng kêu gọi Trung Quốc dừng việc thực thi vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Nghị quyết tái khẳng định “sự ủng hộ của chính phủ Hoa Kỳ cho tự do hàng hải và việc khai thác sử dụng biển và không phận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TBD) cũng như việc sử dụng các giải pháp ngoại giao để xử lý tranh chấp lãnh thổ và hải phận”.

Nghị quyết có số hiệu S.Res.412 này được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Robert Menendez từ bang New Jersey. Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Hải Bình được TTXVN dẫn lời nói “Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với quy tắc quốc tế về Phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. S.Res.412 cũng nhắc lại chính sách của Mỹ trong đó bao gồm việc ủng hộ đồng minh và đối tác ở khu vực, phản đối tuyên bố chủ quyền ảnh hưởng đến quyền sử dụng hợp pháp và tự do hàng hải và đảm bảo sự tiếp tục hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, việc thông qua nghị quyết này có vai trò thiết yếu, vì Quốc hội Hoa Kỳ là nơi làm chính sách, được thông qua ở Thượng viện là sự thể hiện chính sách của Hoa Kỳ đối với giàn khoan Hải Dương 981. Thông qua nghị quyết này, có thể thấy quốc tế đang tạo áp lực với Trung Quốc và phản đối việc Bắc Kinh đưa giàn khoan trái luật vào vùng biển của Việt Nam. Việc Quốc hội Hoa Kỳ lên tiếng một cách chính thức như vậy là điều có ý nghĩa và hết sức quan trọng.

Tờ Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 10.7 có bài viết tuyên truyền, cho rằng chính sách về vấn đề biển Đông của Mỹ đã trải qua ba giai đoạn, đó là “giữ lập trường trung lập”, “mức độ quan tâm sâu sắc hơn” và “lựa chọn đứng về một bên trên thực tế”. Theo đó, tờ báo này nhận định “chính sách của họ (Mỹ) có xu hướng từng bước từ “quan sát” điều chỉnh thành “can dự”, có xu hướng cứng rắn và nguyên nhân căn bản là “Mỹ lo ngại lợi ích của họ ở biển Đông bị đe doạ”.

Mỹ và quốc tế lên án Trung Quốc

Cùng ngày 10.7, một hội thảo quốc tế bàn về căng thẳng biển Đông diễn ra tại thủ đô Washington DC, quy tụ các chuyên gia cao cấp từ chính phủ và giới học giả quốc tế đang nghiên cứu về biển Đông. Cuộc hội thảo hai ngày do trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức với chủ đề “Các xu hướng hiện nay ở biển Đông và chính sách của Mỹ”. Các đại biểu đến từ Úc, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật, Malaysia, Philippines, Anh và Việt Nam. Phát biểu tại ngày đầu cuộc hội thảo, TS. Trần Trường Thuỷ, giám đốc trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc học viện Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi sự phối hợp giữa ASEAN với Hoa Kỳ để Trung Quốc phải trả giá nhiều hơn nữa cho các hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác ở biển Đông.

Hội thảo nói trên diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa kết thúc Đối thoại kinh tế chiến lược thường niên trong các ngày 9 và 10.7 ở Bắc Kinh. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt liên quan đến các tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển giàu tài nguyên, có tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng John Kerry cũng cảnh báo Trung Quốc không được phép hành động đơn phương để hiện thực hoá tham vọng chủ quyền. Ông Kerry khẳng định những nỗ lực “tạo hiện trạng mới” trên biển, ảnh hưởng đến an ninh khu vực là “không thể chấp nhận được”. Ngoài ra, ông Kerry cũng kêu gọi Trung Quốc thành lập bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN để ngăn chặn các hành vi đơn phương.

Ngày 9.7, tờ Hexun (Trung Quốc) cũng có bài viết nhắc nhở giới lãnh đạo Bắc Kinh không được phép đánh giá thấp khả năng huy động sức mạnh tổng lực của Việt Nam, và khẳng định rằng việc gây sự trên biển Đông của Trung Quốc là nước cờ sai lầm chiến lược. Bài báo nêu ra nhiều luận điểm chứng minh rằng hành động gây sự trên biển Đông mang lại thiệt hại to lớn cho chính Trung Quốc và nhấn mạnh: các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rằng Việt Nam không bao giờ thoả hiệp về chủ quyền; Việt Nam cũng thông qua quyết định hợp tác với nhiều nước để thăm dò và khai thác dầu khí và thông qua việc hợp tác khai thác dầu khí với các nước, Việt Nam đã chủ động tạo nên một luật chơi trên biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng đang có những nỗ lực tái cân bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những nỗ lực mà giới quan sát sẽ sớm nhận biết.

Hàn Diệu My 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.