Ảnh: internet
Một bạn cho rằng, địa danh Nghệ An xưa có thời được gọi là Nghệ An Xô viết (để ghi nhớ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930), bây giờ gọi theo tên cũ là Nghệ An (như đã có theo quy định về hành chính).
Có bạn thì nói đây là cách nói vui cho có vần vè, chứ xét ra chẳng có nghĩa lý gì. Nghệ An lại là Nghệ An, vô lý quá! Lập luận như vậy nghe chừng chưa... thủng. Bởi khi nghe bài hát này, chúng ta ai cũng hiểu theo một hàm nghĩa khác, hay hơn, sâu xa hơn. Nhưng lý giải sao cho rõ ngọn nguồn, quả là không đơn giản.
Đây là một dạng lặp theo cấu trúc "A (vẫn, lại, cũng) là A" khá thông dụng trong lối nói tu từ của tiếng Việt. Ví dụ: Em là em chứ không như cô bạn cũ của anh đâu; Thôi các vị đừng có vòng vo Tam Quốc thế nữa, một là một, hai là hai; Nói làm gì cho mệt, sếp lúc nào chả là sếp; hay Bốn ngàn năm ta lại là ta (Tố Hữu); v.v.
Khác hẳn với các phép toán logic, A là A = A ۸ A (A hợp A) sẽ bằng chính A, trong ngôn ngữ, A là A lại không bằng chính A, mà lại bằng A’. Đó quả là một nghịch lí.
Nhưng điều thú vị là cả cấu trúc "A là A" sẽ dẫn đến một hàm ý khác. Mặc dù lặp lại chính khái niệm đã cho, nhưng hai khái niệm đó lại không tương đương nhau về ngữ nghĩa.
Chẳng hạn khi ta nói: Đừng làm to chuyện thế. Trẻ con là trẻ con [Trẻ con là những người nhỏ tuổi, sẽ có những đặc điểm tất yếu của thế hệ chưa trưởng thành: ham chơi, bồng bột, sống vô tư trong sáng, vì vậy cần có cách ứng xử thích hợp]; Mõ vẫn là mõ (thôi con ơi) [Mõ là người hay đánh mõ rao khi có việc làng thời trước, cuối cùng vẫn phải chấp nhận thân phận là người cùng đinh, tư cách thấp hèn, bị coi rẻ trong xã hội, khó có cơ mở mày mở mặt]; và câu thơ trên Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An (đầy đủ phải là “Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An Xô viết”) [Nghệ An là một địa danh ở miền Trung Việt Nam, vốn là mảnh đất nghèo nhưng con người nơi đây có chí ham học và giàu lòng yêu nước, đã nổi lên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh chống thực dân Pháp vào năm 1930-1931. Dù qua bao gian nan thử thách vẫn thể hiện chí anh dũng kiên cường của một mảnh đất có truyền thống về những phẩm chất quý từ những năm xưa]...
Như vậy, ở cấu trúc "A (vẫn) là A" thì A trước là khái niệm định danh còn A sau là khái niệm định bản chất (của đối tượng đã tồn tại trên hiện thực).
Bản chất đó đã định hình, được cả người nói và người nghe chấp nhận. Từ lẽ đó, ta có thể sáng tạo ra hàng loạt các cấu trúc tương tự: Việt Nam là Việt Nam (Việt Nam là một quốc gia độc lập, kiên cường, có khí phách trong nhiều cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, có bản sắc riêng của mình trong mọi lĩnh vực); Thể thao là thể thao (Thể thao tuân thủ theo các luật chơi rõ ràng, sòng phẳng, trung thực); làm là làm mà chơi là chơi (Làm và chơi là hai việc khác nhau, việc nào ra việc ấy, không nên lẫn lộn); việc công (vẫn) là việc công(Việc công phải tuân thủ những quy định theo luật pháp, đừng nhập nhằng ranh giới công tư); Bến Tre bao đời vẫn là Bến Tre quật khởi; Thằng giặc muôn đời vẫn là thằng giặc (Tô Nhuận Vĩ); v.v.
Ồ, lặp từ như vậy quả là đơn giản quá. Đúng, đơn giản thật và ai cũng có thể nói được. Nhưng cái khó (và cái tài) là biết dùng đúng nơi, đúng lúc. Biết vận dụng một cách hợp lí cấu trúc này, nhiều khi người nói người nói đã đem lại một thông điệp ngữ nghĩa hết sức hàm súc. Lời ăn tiếng nói có quy luật riêng của lời ăn tiếng nói. Ngôn ngữ, xét cho cùng, vẫn là... ngôn ngữ mà.
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)