Một đêm hầu đồng thời… Đổi mới

 15:21 | Thứ bảy, 03/12/2016  0

Nội buổi chiều và buổi tối hôm ấy chúng tôi được dự liên tiếp bốn “chầu” hầu bóng tại Phủ Chính và Đền Công Đồng, hai trong quần thể 13 phủ đền ở hai thôn Tiên Hương và Vân Cát đã được công nhận cụm di tích văn hóa lịch văn hóa lịch sử quốc gia ( huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Hầu đồng ở Phủ giầy. Ảnh minh họa

Hầu bóng (lên đồng) có 36 giá, nhưng thông thường người ta chỉ đủ “sức” hầu 4 đến 10 giá. Giá Mẫu cực kì thiêng, người sẽ  “giáng” vào những dịp có “quốc gia đại sự”, cho nên tiếng là đi lễ Mẫu nhưng thiên hạ chỉ  dám hầu “bóng” các vị dưới quyền người như các cô Đôi (Hai), cô Ba (Bơ), các ông Chín, ông Mười, các cậu Bé, cô Bé... Những người tin rằng mình có “căn” của một trong các vị đó lâu lâu phải “hầu bóng” (tức là “đóng vai”) Ngài. Thế là có múa, có hát, có  diễn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “lên đồng” là hình thức diễn xướng – hứng diễn xưa nhất, đặc sắc nhất của người Việt.

Trong những chầu hầu bóng ở Phủ Chính chiều hôm đó có một ông “đồng đền” cựu trào của một đền ở Hà Nội, tiếp ngay đó là một “đồng tân” – một cô nông dân bên Ý Yên huyện bạn, sau khi lúa đã lên đồng, thì khăn chầu áo ngự một hòm thiếc lớn  cưỡi Honda sang phủ. Hai chầu hấp dẫn, mỗi người một vẻ, người thì thành thục tự tin với những nét diễn cảm trên mặt và tiếng hát hùng dũng của bóng ông Hoàng Mười. Người thì mặt hoa da phấn đôi tay khua chèo khoan thai, đôi chân xinh xinh di chuyển trong vuông chiếu hẹp chẳng khác một diễn viên chiếu chèo sân đình. Đám trẻ già trai gái đứng chen chúc hai bên không phân rõ đâu là tín đồ đạo Mẫu đâu là kẻ mê xem nghe múa hát, nhưng tất cả đều im lặng theo dõi một cách thích thú, và sau mỗi giá lại nhao nhao chìa tay xin lộc. Bạn tôi, trẻ trung, cao lớn lại đứng gần, lần nào cũng được phát lộc đầu tiên, khi một xấp tiền (giấy hai trăm), khi nguyên đĩa hoa quả, còn tôi đứng vòng ngoài lẫn mấy bà già nhà quê, cuối cùng chỉ được... hai quả ớt đỏ và hai quả mận xanh!

Đêm, trăng mười bốn đổ ánh bạc lên những con đường ruộng bãi, tiếng hát văn càng về khuya càng rõ. Chúng tôi rẽ vào đền Công Đồng (thờ các quan đủ cấp bậc của Tứ Phủ: Thiên – Địa – Nhạc – Thoải). Một không khí hoàn toàn khác với buổi chiều bên Phủ Chính luôn trang nghiêm, thành kính với 50 con nhang từ Quế Võ, Thuận Thành ( Bắc Ninh) đang làm lễ “trình đồng”. Sau bài tụng thánh thót của cụ thầy cúng trưởng đoàn mà chúng tôi không thể phân biệt với một bài kinh Phật, cụ đứng bên dạy rằng: “Thôi, bây giờ các người tập làm lấy, tôi chỉ chứng kiến và uốn nắn cho, cứ bốn người một lượt”. Từ đám 50 con nhang toàn nữ, cả sồn sồn lẫn con gái, đang quỳ trên bốn chiếc chiếu trải liền, bốn người chen lên hàng đầu. Người phụ đồng trùm khăn đỏ lên đầu họ, đặt mâm lễ lên trên, rồi họ bắt đầu lắc lư trong tiếng hát văn, đàn nguyệt. Khi ấy, một cô đồng “tân” áo dài trắng núp “bóng” một “cô Huế” cầm nhang múa may quanh từng người,  nói, cười, hú lên nho nhỏ, bắt chước giọng Huế cho ra vẻ “nhập”.

Một thanh niên ngồi cạnh chúng tôi nhận xét từng động tác của cô một cách rất thành thạo. Nhờ đó chúng tôi làm quen được với anh, một “đồng” mới nổi tiếng của tỉnh Nam. “Thầy đồng” Ng. quê Ý Yên, cách đây dăm năm vẫn là một cán bộ kỹ thuật cơ khí. “Thầy” kể  sau một lần đột ngột bị đau cột sống, tình cờ đến Phủ Giầy được Mẫu “ ban ”, anh khỏi bệnh và tự nhiên thuộc hết các điệu hầu bóng, lại nằm mơ thấy Mẫu cho “chữ” để chữa bệnh cứu nhân độ thế. Theo anh, chỉ có 5% tổng số đồng là  “nhập” thật, còn lại giả vờ. Trông bề ngoài, “đồng” Ng. vẫn ý nguyên một cán bộ kỹ thuật cấp huyện, nhưng giọng nói và nhất là con mắt của anh đã có cái vẻ dị thường của những đồng nam mà tôi gặp đây đó.

Cái ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín trong “đạo Mẫu” thật mỏng manh.

Ảnh minh họa

Ông thủ nhang Trần Xuân Đức của Phủ Chính Tiên Hương, trước kia là công an xã cho biết, người tiền nhiệm của ông do trót lạm vào tiền công đức mà hóa ra kẻ dở điên dở dại, gia đình lụn bại. Những câu chuyện lan man ông kể với chúng tôi tựu chung lại là khách thập phương đến Phủ Giầy đều cầu mong tài lộc, sức khỏe, sự bình an, đó là những mong ước lương thiện trường tồn của con người. Ông dẫn chứng một số hiện tượng do thành tâm mà vượt qua được tai nạn, bệnh tật, do tu trí, tu đức đã trở nên khá giả... Bởi thế mà có những người khát bóng vọng cầu ngồi giá đồng, nhỏ nhất 7 tuổi, cao nhất trên 70. Trong mùa lễ này, 3 cung của phủ thường diễn ra từ 2 đến 6 lễ giá đồng cùng lúc. Ông bảo mình rất “quán triệt” chủ trương chống mê tín dị đoan, cấm những kẻ đứng trên chiếu đồng xưng vương xưng bá, lợi dụng “miệng trần bóng thánh” để phán truyền, bói toán lăng nhăng hoặc nhảy múa như cào cào châu chấu, khua cả đao kiếm vào mặt vào bụng người xem...

 Hầu hết những  thủ nhang, các thầy đồng đều tin là họ có những sứ mạng nhỏ bé như thầy đồng Ng. Lại có người như thủ nhang Phủ Tổ (phủ thờ song thân chúa Liễu) khoe với chúng tôi rằng anh mộng thấy thánh dạy phải làm việc đức, đồng thời cho một bọc vàng to. Hóa ra tín ngưỡng với hoạt động kinh tài  đi đôi như hình với bóng.

* * *

Ông thủ nhang Phủ Chính cho hay năm ngoái  đã nộp cho xã hơn 29 triệu tiền thu của khách thập phương cúng cho phủ, chưa kể tiền ủng hộ hội Chữ thập đỏ, hội người mù câm điếc, quà tết cho các cụ cao niên và quà Trung thu cho trẻ. Và, riêng chi cho việc làm 500m đường vào phủ 72 triệu, sau các khoản tu bổ đền phủ từ 60 đến 100 triệu hàng năm. Năm nay (tính từ đầu Xuân) ông cũng đã giao cho xã được 16 triệu. Đứng sau Phủ Chính, phủ Vân Cát năm ngoái cũng theo mức “giao sản” nộp xã 9 triệu. Quần thể Phủ Giầy gồm 13 đền phủ, nên hoạt động của xã rất tích cực. 7 trong 13 cửa muốn vào phải mua vé, năm nay là 1000 đồng, năm ngoái là 2000 đồng. Một người thu vé vui miệng kể: chỉ tính ở cửa phủ Tiên Hương, ngày cao nhất được hơn 15 triệu. Qua 7 cửa, người đi lễ đã mất 7000 đồng. Chưa tính tiền trả cho bến bãi đỗ xe (cũng theo anh ta, ngày đông khách có đến 500 lượt xe ô tô và gần 1000 xe máy vào bãi đỗ). Còn tiền ăn, tiền trọ, tiền lễ, tiền công đức? Cho nên nhiều cụ bà nghèo từ phương xa đến đành soạn lễ đứng ngoài cổng phủ “vọng Thánh”...

 Chẳng hội nào mà không có chợ, lộc thánh cũng cần mưa khắp, người của đền, phủ và giới chức sắc làng, xã đã có thu ổn định, không lẽ dân làng con cháu ngài lại chịu bó tay. Thế là hàng quán giăng có đến cây số, hàng to bán khăn chầu áo ngự, đồ đan, đồ chạm, đồ đồng, hàng sơn mài... hàng bé bán đồ ăn uống, hương hoa... Chính quyền, thủ nhang đành bó tay trước cảnh hàng mấy chục lều quán phơi bày sự lộn xộn, bệ rạc trong sân phủ, cái ao bán nguyệt chứa nước thải, rác nilon, lá bánh lều phều nổi... Từ mái phủ, những người bán hàng buộc dây giăng đủ loại bạt rách che mưa nắng; loa đài của hàng quán, tiếng đàn hát của cung văn thực sự tạo nên sự náo nhiệt vô cùng các âm thanh kim cổ... Khỏi phải bình luận thêm về những nỗ lực làm kinh tế của nông dân chúng ta. Đấy là chưa nói sự xuất hiện của đội ngũ “ chị em bán hoa” mà nhân sự có cả tỉnh lẫn quê đi liền với sự hình thành bãi xe tạm.

Ảnh minh họa

Phải thừa nhận rằng đã hình thành một thế hệ thầy đồng, cung văn, thủ nhang trẻ, am hiểu việc cúng lễ, tích thánh, múa đẹp, đàn hát hay... Hơn thế, biết “đầu tư chiều sâu” như thủ nhang T.X.L mới 37 tuổi vốn đại úy quân đội, sau khi đi lao động ở Đức về đã bỏ ra hơn 100 triệu cùng rất nhiều quyết tâm để khôi phục phủ Đá (Phủ Tổ) bị bom Pháp đánh sập.

Gần đây, ông thủ nhang trẻ này vẫn trải chiếu ngủ trước cửa phủ (vì cửa phủ chưa có cánh cửa), trên tường kề chỗ anh nằm là những hình ảnh ghi lại những sự kiện tiêu biểu trong thời gian khởi công và thi công phủ Đá (anh cho biết có quay cả video)... Dẫu sao phải ghi nhận nếu những hoạt động thương nghiệp ngoài đền, phủ theo cơ chế thị trường, thì bên trong nhà của Thánh, uy của Mẫu vẫn làm cho mọi đóng góp được tùy tâm. Một canh hầu (gồm nhiều giá đồng) cần chi cho các khoản chính: cúng đền, thưởng cung văn, phát lộc, tổng cộng trung bình từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng, cá biệt có trường hợp chi đến 15 triệu đồng như một bà buôn, người xứ Lạng (chắc hẳn là dân “biên mậu”) và cũng cá biệt nhà đền phải thổi cơm đãi khách xa, nghèo. Đoàn của cụ đồng Thuận Thành có 50 người, mỗi suất đóng 15.000 đồng hành hương từ quê nhà qua chùa Hương đi Phủ Giầy, bữa cơm tập đoàn chỉ rau tương, nhờ củi lửa dân làng mà lòng mọi người đều phấn chấn.

* * *

Được biết tỉnh Nam Hà mấy năm nay có quyết định “mở cửa phủ” chứ chưa cho “mở hội Phủ Giầy”. Thế mà từ Tết đến hết tháng Ba Âm lịch, nơi đây diễn ra một kiểu lễ hội kéo dài với hai ngày đỉnh điểm là 8/1 Âm lịch trùng với phiên chợ Viềng truyền thống và 8/3 Âm lịch ngày lễ Mẫu. Các hoạt động tôn giáo (lẫn mê tín) – văn hóa – kinh tế xen kẽ tự phát và lộn xộn. Nhưng trong câu chuyện của các vị chức sắc của làng, vẫn còn nguyên hoài niệm về một Hội Phủ Giầy tiền chiến nô nức với trò chơi kéo chữ - một kiểu rước tôn giáo có dáng dấp thể thao với chợ cây cảnh và hội thi mâm nan sơn (đựng đồ lễ), với hội Xẩm hàng trăm gánh xẩm các nơi về đua tài, đến nỗi đã có câu ca:

“Đầu làng Phủ Giầy có cây duối

Cuối làng Phủ Giầy có cây đa

Bao nhiêu con gái đi xem xẩm mà không biết ca

Thà rằng cởi yếm vật vú vào gốc đa mà về”

Chúng tôi nghĩ đến một Festival văn hóa dân gian – có thể kiêm hội chợ thủ công mỹ nghệ - dưới chân núi Gôi xinh đẹp trong một Hội Phủ Giầy tương lai. Có người nhận xét những hoạt động văn hóa giàu bản sắc và màu sắc nhất bao giờ cũng gắn với tôn giáo.

Thuận Thiên – Hân Hương

» UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa nhân loại

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.