Mùi Đa Phước - từ xóm nghèo lan đến khu Phú Mỹ Hưng

 15:26 | Thứ ba, 31/05/2016  0

Bốn căn nhà cấp bốn nằm liền kề trên một rẻo đất, trước mặt là nước sông Rạch Chiếc và bãi rác Đa Phước khổng lồ, cao như núi, sau lưng là đìa tôm cá, cũng mênh mông nước. Muốn vào đến đây, không cách gì hơn là đi bộ vòng vèo theo các bờ đắp của các ao tôm, cá. Trời nắng như đổ lửa, những lùm dừa nước, cây đước không đủ mát. Chỉ mong một cơn gió, nhưng nghiệt thay, gió lại mang theo cả mùi hôi thối từ bãi rác phía trước, xộc thẳng vào mũi. Dường như nhận thấy sự choáng váng khó giấu của chúng tôi, bà Ba chặc lưỡi: “vầy còn nhẹ đó cô, giấc chiều tối đến khuya qua sáng thì không ai chịu nổi, thúi nhức đầu!”

Nơi chứa nước rỉ rác của bãi rác Đa Phước (Ảnh chụp tháng 6.2010)

Hôi thối từ xóm nghèo 

Bà Ba bảo, xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) này phải chịu cảnh hôi thối từ khi bãi rác Đa Phước về (từ tháng 11.2007 – PV). Xóm như một ốc đảo bị lãng quên của xã, muốn vào phải qua một cây cầu, ngay con lộ chạy trong xóm do dân tự đắp cũng chỉ là một lối mòn vừa đủ một bánh xe máy chạy. Xóm chỉ toàn dân nghèo rải rác sống với nhau, quanh năm suốt tháng kiếm ăn bằng nghề đánh bắt tôm cá tự nhiên. Nhưng từ ngày có bãi rác, nghề này cũng gần như bị triệt, chẳng ai còn buồn đặt vung. Tôm cá tự nhiên ở rạch biến mất tăm. Dân xóm chuyển qua đắp bờ nuôi cá, tôm, nhưng cũng chẳng được mấy. Anh thanh niên tên An cười buồn nói: “hai năm nay cá chết nhiều quá!” Còn chị Lê Thị Mỹ Ly kể, năm nay nhà chị bỏ 10 triệu tôm giống, nhưng vớt lên chỉ còn chục kí, còn lại chết hết. Tôm nuôi lớn bằng ngón tay rồi nhưng vớt lên đen thui, mềm oặt!... 

Chưa thể tính ra thiệt hại của người dân nuôi tôm cá trong xóm, nhưng cứ nhìn cả 10 móng chân của nhiều phụ nữ ở đây bị ăn mòn và chuyển sang màu đen thủi, vì quanh năm lội nước trồng bồn bồn, lòng đã nặng trĩu. Chị Lê Thị Thu Thảo bảo, trước nước sông sạch còn tắm được, giờ không ai dám tắm vì “ngứa thí mồ”. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, mấy năm trước đây ông điện báo chí xuống hoài, quay chụp lại cảnh bãi rác lén xả nước đen ra rạch, rồi dân đâm đơn thưa kiện lên chính quyền, nhưng mãi chẳng giải quyết được gì. “Đến giờ tụi tui làm ăn dưới rạch vẫn thấy họ xả lén nước dơ ra sông vào những ngày nước kiệt”, ông Sơn bực mình nói. 

Rồi muỗi! Trước, ruồi đen đặc đến mức ăn cơm cũng phải ngồi trong mùng, giờ thì muỗi kéo đến từ giấc chiều tối, cắn rất ngứa và nhiều đến nỗi “lấy tay sờ chân là thấy nhám sàm, đen thui tay”. 

Sống trong cảnh “ngặt” vậy cũng “đành chịu”, nhưng mùi thối thì chẳng ai chịu đựng nổi. Ngày nào người dân cũng mong hoặc chính quyền không quy hoạch treo xóm để mình chuyển đi nơi khác ở, hoặc bãi rác phải dời đi. Vì mỗi hơi thở, họ đều phải chịu đựng mùi hôi thối, vào phổi, theo từng miếng ăn, giấc ngủ; ngay cả lúc bãi rác đang được đậy bạt mà mưa một cái, vừa tạnh là thối ngặt! Vợ ông Lê Văn Lùng nói chồng bà ngả bệnh từ hồi bãi rác về, ông nằm bẹp trong nhà đóng cửa cả ngày, nhức đầu, đau vai gáy,... “Ổng vô nhà thương là hết bệnh, về lại bệnh, giờ không còn tiền mua giấy bảo hiểm đi nhà thương nữa nên ở nhà luôn”, bà cười buồn. Nói rồi, bà lại ngẩn người: “cháu ngoại tui nói dzìa ngoại thúi quá, không dzìa nữa...” 

Không chỉ dân xóm Gò, nhiều nhà người dân xã Phong Phú vẫn thường phải ăn ngủ theo mùi hôi thối, tùy hướng gió. Riêng quốc lộ 50, vào ngày chúng tôi xuống, lúc nào cũng thum thủm mùi nước rỉ rác, dù có xe bồn phun nước rửa đường. Anh Nguyễn Văn Minh, bán nước mía dọc quốc lộ 50 cho biết: trước đây xe chở rác chỉ chạy từ 5 giờ chiều đến sáng, nhưng từ cuối năm ngoái đến nay xe chạy cả vào ban ngày, nên mùi hôi nhiều hơn... 

Bãi rác Đa Phước chụp tháng 6.2010 (ảnh trên) và chụp năm 2015 từ bên ngoài nhìn vào cao như một quả núi; được xây dựng trên một vùng đầm lầy, chịu ảnh hưởng của thuỷ triều bao quanh và tiếp giáp với nhiều kênh rạch, nên nguy cơ xảy ra lún trượt rất dễ xảy ra nếu thực hiện không tốt việc chôn lấp và đảm bảo về cơ sở hạ tầng tại đây.

...đến khu đô thị mới 

Thực ra câu chuyện khu đô thị mới quận 7 bị ô nhiễm đã râm ran trong người dân nhiều năm nay. Chỉ là chưa có một khảo sát cụ thể nào từ cơ quan chức năng. Đặc biệt từ khoảng cuối năm 2014 đến nay, khi rác đổ về Đa Phước nhiều lên gần gấp rưỡi, theo nhiều người dân ở đây, mùi hôi thối xuất hiện nhiều hơn, tuỳ hướng gió. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thành phố đã làm một việc rất “lạ kì”: ô nhiễm không được giải quyết phù hợp, mà lại bị chuyển sang nơi khác - đã có “tiền án” gây ô nhiễm! Cụ thể, từ đầu tháng 4.2015, lấy lí do gây ô nhiễm, toàn bộ 2.000 tấn rác ở bãi chôn lấp số 3, Phước Hiệp (Củ Chi), đã bị chuyển đến Đa Phước chôn lấp - dù trước đó, theo người dân và chính quyền Củ Chi, ô nhiễm đã được giảm rất nhiều... 

Xóm Gò
 

Ở chung cư Kỷ Nguyên The Era Town, P. Phú Mỹ, quận 7, khoảng hơn 1 tháng nay, nhiều người dân cho biết, họ lại rơi vào tình cảnh ám ảnh vì bị nghe mùi hôi thối, đặc biệt là lúc nửa đêm. Chị Minh Anh (*), khu B, mệt mỏi cho biết: sinh hoạt gia đình chị hoàn toàn bị đảo lộn, phải đóng cửa cả ngày, không biết mùi thối độc hại thế nào đến sức khỏe, nhưng tinh thần bị ảnh hưởng kinh khủng. “Cứ như phải ngửi mùi phân sống bên cạnh mình, khó chịu lắm, nó khiến mình nôn nao, muốn ói !”. Điều đáng nói, năm ngoái nhà chị đã bị một đợt mùi hôi thối, bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến khoảng tháng 11 thì ngưng; ban đầu mùi hôi chỉ xuất hiện vào lúc nửa đêm, 1 giờ sáng, sau một thời gian thì bắt đầu xuất hiện từ khoảng 8g tối, rồi ban ngày cũng có mùi, ăn cơm không nổi, cứ cuối tuần là cả nhà chị lại kéo nhau ra ngoài, cũng không dám mời bạn bè đến nhà chơi bao giờ. 

Thời gian đầu xuất hiện mùi, thậm chí đã có người nửa đêm không chịu nổi, phải xách xe đi tìm mùi hôi xuất phát từ đâu! Ban đầu ai cũng nghĩ chắc do bên chung cư xả thải ẩu, nhưng sau khi đi khảo sát, nhiều dân cư ở đây bảo nhau: nghi phạm số 1 là bãi rác Đa Phước! Chị Trần Thị Bình Tâm kể, dù không có ai mở cửa vứt rác, không phải lúc lao công thu gom rác nhưng mùi vẫn rất thối, còn mở cửa thang bộ ra thì thối muốn ngất. Còn với hàng xóm của chị, “sống ức chế quá, chỉ muốn bán nhà”!

Trồng bồn bồn là một nguồn thu nhập của người dân xóm Gò khi tôm cá tự nhiên gần như không còn, nuôi ao thì bị chết nhiều.

Không chỉ vậy, theo nhiều người dân, mùi hôi thối còn lan rộng ở cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cứ đi làm về tới Nguyễn Lương Bằng, anh Vũ Hùng lại nghe mùi hôi kinh khủng, năm ngoái vào tầm này cũng thế. Rồi dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Đức Cảnh, thậm chí ra Nguyễn Văn Linh vẫn nghe mùi. Cá nhân chị Minh Anh không biết mùi xuất phát từ đâu, nhưng chị bảo, chắc chắn nó phải xuất phát từ một nguồn thải rất lớn. Còn ông Trần Minh Tâm, đại diện ban quản lý chung cư Kỷ Nguyên The Era Town thì cho rằng, sau khi đi khảo sát, khả năng lớn mùi hôi thối này xuất phát từ bãi rác Đa Phước. “Chúng tôi đã báo tình trạng này với sở Tài nguyên môi trường, chứ cũng không biết giải quyết gì thêm”, ông Tâm nói.   

Một chuyên viên trong ngành môi trường nói với chúng tôi rằng, mùa này có gió Tây Nam nên những nhà, đặc biệt là các chung cư cao tầng mặt nhìn hướng Tây Nam bãi rác Đa Phước có thể sẽ bị ảnh hưởng mùi, chung cư Kỷ Nguyên The Era Town là một ví dụ. Đó là chưa kể đến tháng 8, gió mùa mạnh nhất nên có thể khuyếch tán mùi xa và mạnh hơn. Tuy nhiên, ở trong đô thị thường sẽ khó phân biệt mùi hơn, phòng ốc kín trong máy lạnh cũng hạn chế bị ảnh hưởng.... Nghe rồi thì lại bần thần: không biết người dân nghèo ở Bình Chánh, chẳng có lấy một điều kiện để tránh mùi, liệu còn phải chịu đựng sống trong mùi xú uế đến bao giờ? Hay họ “quen rồi”? Nhưng cái câu họ bảo: “riết rồi ghét chính quyền, đến cả đứa con nít 4 tuổi cũng ghét” thì rất thật!...     

So với thực trạng bị dân phản ánh nhiều như hiện nay, Đa Phước đã không thực hiện được những cam kết ban đầu của mình trong xử lý rác: không gây ô nhiễm nguồn nước, sông rạch; trồng cây làm vùng đệm với xung quanh; áp dụng các biện pháp kiểm soát mùi hôi, khí thoát ra đã được lọc sạch sinh học bằng phản ứng compositing hiếu khí xảy ra trong bap và chỉ chứa C02, Nitơ và hơi nước, không phát sinh khí độc;... Những cam kết này đã góp phần giúp Đa Phước giành được giá xử lý rác cao (16,4 USD/tấn) so với cùng công nghệ chôn lấp của Phước Hiệp 1, Gò Cát (13,92 USD/tấn) và công nghệ tái chế nhựa, chế biến compose của Vietstar (5 USD/tấn) vào cùng thời điểm.

Bài và ảnh: Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.