Muốn giao thông thông minh, con người phải thông minh hơn

 00:03 | Thứ năm, 12/05/2016  0
LTS. Việc quản trị đô thị trước xu thế kết nối internet lên mọi thiết bị (internet kết nối vạn vật-IoT) đặt ra bài toán ứng dụng công nghệ làm sao tạo được một nền tảng hội tụ giao thông thông minh (lntelligent Transport System-ITS) để điều phối hiệu quả hệ thống giao thông, bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài sản xã hội.

Là người chủ trì thiết kế và triển khai các hệ thống ITS đầu tiên tại Việt Nam như hầm Đèo Cả, đèo Cổ Mã… TS. Nguyễn Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty công nghệ Sao Bắc Đẩu, cho rằng xu thế IoT và dữ liệu lớn (big data) làm thay đổi cách sống và làm việc, mở ra các dịch vụ và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng kết nối - chia sẻ các thiết bị và hạ tầng.

Ông nhận định ITS sẽ là động lực chính thay đổi cơ bản về hạ tầng giao thông Việt Nam trong 5-10 năm tới. Sự phát triển đó chịu sự tác động sâu sắc từ ứng dụng công nghệ tự động hóa - IT và viễn thông, làm biến đổi mạnh mẽ cấu trúc hạ tầng quốc gia.

Hạ tầng lạc hậu, kết nối lỏng lẻo

TS. Thắng phân tích, Việt Nam hiện có 154 đô thị, số thị dân chiếm 35% dân số cả nước và đóng góp đến 60% GDP. Cùng với đó là một hạ tầng giao thông rộng lớn với 280.000km đường bộ nhưng chỉ có 524km cao tốc (16.800km quốc lộ, 25.000km tỉnh lộ, 52.000km huyện lộ và 17.000km nội đô) với 43 triệu xe máy và 2,5 triệu ô tô đang lưu hành. Việt Nam cũng thuộc top 10 nước có mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc nhất thế giới với tổng chiều có thể khai thác đến 17.000km, đảm nhiệm 30% tổng lượng hàng hóa lưu chuyển trong nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, thiếu liên kết giữa các ngành; hệ thống cảng, bến thiếu quy hoạch tổng thể và công nghệ bốc xếp thô sơ.

Theo dõi giao thông qua camera giám sát ở hà Nội. Ảnh NĐT

Thực trạng giao thông nội đô tại Việt Nam theo TS. Thắng còn nan giải do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp và lạc hậu, trong khi giao thông công cộng chưa phát triển, chịu sự lấn át của các phương tiện cá nhân, đặc biệt xe máy. Điều đó là hiển nhiên tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, số tai nạn tăng lên. Vấn nạn dài hạn là sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và chất lượng sống ở đô thị.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm IT Bộ Giao thông Vận tải, một số tiêu chuẩn ITS ở Việt Nam đã được ban hành cho việc kiểm soát và điều khiển giao thông đường cao tốc; thu phí điện tử; quản lý giao thông; biển báo điện tử; tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống giám sát; xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an). Tuy nhiên vẫn đang thí điểm cho 3 trạm thu phí sử dụng công nghệ RFID trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, dự kiến năm tới áp dụng trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 trước khi nhân rộng trên hệ thống đường cao tốc và thu phí nội đô. Nhiều dự án cần thiết khác cũng mới ở giai đoạn đề xuất triển khai.

Theo số liệu của Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS), TP.HCM hiện có hệ thống 383 camera giám sát giao thông ở các trục đường chính và khoảng 877 chốt đèn tín hiệu nhưng chỉ khoảng 4% kết nối được về trung tâm điều khiển. Hệ thống camera quan sát chưa phủ đến các chốt giao thông và tuyến đường trọng điểm mà hầu hết hoạt động độc lập, phục vụ riêng lẻ cho từng đơn vị quản lý, khi cần thiết giải quyết sự cố, việc trích xuất hình ảnh rất mất thời gian. Các trạm thu phí vận hành độc lập, không đồng nhất nên chỉ giải quyết bài toán thu phí đơn thuần, không sẵn sàng kết nối với các thiết bị khác để giải quyết bài toán giao thông đặc thù của thành phố. 

Theo kế hoạch phát triển, giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đầu tư 45 tỉ USD cho việc xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông vận tải, trong đó phần lớn dành cho đường sắt, phần còn lại là đầu tư cho đường bộ. 

Các chuyên gia tính toán, mỗi năm lượng xe tại TP.HCM tăng 10% trong khi đường giao thông chỉ tăng 2%, hạ tầng giao thông chậm thay đổi, mỗi nơi cải tạo đơn lẻ càng dẫn đến tăng chi phí xã hội mà không mang lại hiệu quả thiết thực. Trong khi ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng nhức nhối thì việc vận hành các hệ thống vận tải công cộng còn lạc hậu, hạn chế việc cung cấp thông tin hành trình trực tuyến đến người dân và bộ máy điều hành, giải quyết các sự cố. Thu phí giao thông thủ công cũng là bài toán hóc búa cho nhà quản lý khi các trạm chưa sẵn sàng kết nối đến hệ thống để giải quyết các vấn đề giao thông đặc thù ở TP.HCM.

Theo ông Hà Hoàng Huy, Phó giám đốc CNS, TP.HCM chưa có trung tâm điều khiển giao thông tập trung, các thiết bị thiếu kết nối đã không tạo được khả năng điều khiển tập trung và phát huy hết công năng của hạ tầng giao thông đã được đầu tư. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn nặng tính thủ công, chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa như dữ liệu đường bộ, nút giao thông, biển báo… Các ứng dụng IT còn rời rạc, thiếu đồng bộ, mỗi hệ thống phục vụ nhu cầu riêng của từng ngành dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp vận hành và khai thác.

Kết nối thì phải thông minh

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, vấn đề đô thị hóa và quản lý hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống giao thông, là thách thức lớn với các thành phố Việt Nam. Giải pháp triển khai cho mô hình giao thông - đô thị thông minh làm sao kết nối thông suốt các hệ thống đang rời rạc. Từ trước đến nay, việc đầu tư cục bộ từ các ban ngành, các thành phố chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, manh mún, hạn chế khả năng phân bổ chi phí cho cơ sở hạ tầng và chia sẻ các tài nguyên công nghệ. Ông Hưng khuyến cáo: “Vấn đề an toàn và bảo mật thông tin hiện cũng chưa được chú trọng là một nỗi lo lớn trong môi trường kết nối IoT, làm sao đảm bảo các ứng dụng hoạt động ổn định, hiệu quả mà còn phải bền vững trong mọi môi trường khác nhau”.

Theo số liệu của Cisco Vietnam, tốc độ đô thị hóa toàn quốc sẽ lên đến 45% trong những năm tới, trong đó TP.HCM lên đến 83%, Bình Dương trên 70% sẽ tạo ra sức ép cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Theo ông Hồ Hữu Thắng, Giám đốc kỹ thuật Cisco Việt Nam, các thành phố gặp khó khăn khi tốc độ thị hóa nhanh chóng tạo ra các rào cản về kinh tế và yêu cầu đảm bảo về môi trường. Để hấp dẫn và giữ chân được các doanh nghiệp và lực lượng lao động chất lượng cao, họ buộc phải tạo ra một đô thị đáng sống, cải thiện khả năng làm việc di dộng và cung cấp các điều kiện tốt về môi trường... “Để thực hiện được điều đó, buộc phải quản trị cơ sở hạ tầng đô thị hiệu quả nhất”, theo ông Thắng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, quy hoạch giao thông của TP.HCM đến 2030 tập trung phát triển các hệ thống giao thông đô thị tích hợp. Để đáp ứng nhu cầu phát triển này, TP.HCM cần huy động hàng chục tỉ đô-la Mỹ trong khi ngân sách chỉ có thể đảm nhận được 1/3. Ảnh: BCP


Các thành phố đang chiếm đến 60-80% mức tiêu thụ năng lượng và độ bức xạ khí nhà kính, sử dụng 60% tổng lượng nước và làm thất thoát 20% lượng nước do rò rỉ. Về lý thuyết, các nhà kinh doanh tính toán lợi ích của giải pháp ITS giúp cắt giảm 20-30% thời gian giải quyết sự cố giao thông, giảm 35% các vụ va chạm thứ cấp, giảm 90% chi phí nhiên liệu hoạt động tuần tra. Bài toán kết nối giúp hạ thấp chi phí nhiên liệu 160 USD trên mỗi phương tiện giao thông hàng năm, là điều kiện quan trọng giảm áp lực lên môi trường. Chỉ riêng việc kết nối các bãi đỗ xe có thể giảm ùn tắc giao thông 20-40% ở nội đô.

Về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng thông minh được kết nối sẽ giúp các thành phố quản lý cơ sở hạ tầng tốt hơn trong khi giảm thiểu được chi phí đầu tư, vận hành và khai thác nhờ giải quyết các vấn đề cụ thể như bãi đỗ xe, hệ thống chiếu sáng, giao thông đô thị, an ninh xã hội... và có thể triển khai các dịch vụ quan trọng cách nhanh nhất. Việc kết nối nhiều khu vực khác nhau sẽ tăng cường khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu đồng thời tránh các khoản đầu tư chồng chéo và gây khó khăn cho việc mở rộng hệ thống trong tương lai. “Các hoạt động tích hợp của trung tâm điều hành không chỉ giúp quản lý hợp nhất cơ sở hạ tầng thành phố mà còn đưa các dịch vụ của Chính phủ đến gần với người dân, nâng cao năng suất và đổi mới môi trường làm việc, loại bỏ việc đầu tư manh mún và kém hiệu quả kinh tế”, theo ông Hồ Hữu Thắng.

 Tuyết Ân 

Ông Thorsten Punke, công ty AMP Netconnect:

Cần tầm nhìn dài hạn về quản trị đô thị 

Mô hình giao thông thông minh và kết nối đã được nhiều nước triển khai nhưng không phải nơi nào cũng thành công, sai lầm chủ yếu ngay từ bước lập kế hoạch, phải xem đó là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị thông minh.

Hầu hết các quốc gia đều gặp phải tình trạng này do đưa ra kế hoạch ngắn hạn (4-5 năm) trong khi quy hoạch đô thị cần có định hướng đầu tư đường dài, từ hàng chục năm. Về công nghệ, có rất nhiều giải pháp quản trị giao thông thông minh, nhưng nhà đầu tư phải xác định hệ thống của mình cần phục vụ gì trong tương lai.

Chính vì vậy các nhà chức trách tại Việt Nam cần một cái nhìn tổng thể để định hướng lâu dài cho việc triển khai mới có thể gia tăng hiệu quả khai thác, vận hành, bảo đảm đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị bằng các giải pháp công nghệ hiện đại.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM:

Người dân cần được kết nối 

Ứng dụng công nghệ là lời giải cho bài toán giao thông thông minh của các thành phố lớn. Về hạ tầng và công nghệ hiện đã sẵn sàng nhưng Nhà nước chắc chắn không đủ vốn và các nguồn lực để đầu tư toàn bộ.

Có thể nói, giao thông thông minh là vấn đề hợp tác của toàn xã hội, do đó Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để thu hút sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp. Hơn hết, một hệ thống giao thông thông minh sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông và giao thông thông minh chính là nền tảng cho sự hình thành của thành phố thông minh nếu xét ở cả hai khía cạnh công nghệ và quản lý.

Tình trạng đó chỉ giảm thiểu nếu chúng ta có được một hệ thống tổng hợp thông tin xuyên suốt và tự động hóa. Các hệ thống camera giao thông đang được trang bị trên rất nhiều tuyến đường, giao lộ trên địa bàn có thể tạo ra nguồn cơ sở dữ liệu để cung cấp cho người dân qua thiết bị di động dưới dạng thông tin tư vấn về lộ trình, thời gian, tình trạng.

Ông Sanjay Krishen, Quản lý hệ thống IT Intel khu vực Nam Á và ASEAN:

Phải đi từ nhu cầu hàng ngày của thị dân 

Một phương thức tiếp cận tích hợp tạo được sự khác biệt cho thành phố khi hệ thống đô thị thông minh đó xuất phát từ các nhu cầu đời sống hàng ngày của thị dân về chăm sóc y tế thông minh, giao thông vận tải, tòa nhà thông minh, quản lý năng lượng thông minh… Đó là tiền đề cho những công dân thông minh với hệ thống giáo dục thông minh và quản trị thông minh mới có thể duy trì hiệu quả bền vững. Hiện tại các mô hình vẫn đang được vận hành theo những mảnh ghép rời rạc, đòi hỏi khả năng vận hành tương tác của toàn hệ thống là không dễ thành hiện thực mà còn phải đi qua những chặng đường quanh co khúc khuỷu và cần thời gian hoàn thiện. 
Chúng ta nói nhiều về IoT, các chuẩn khung tương ứng, hiện tại các chuẩn công nghệ IoT trên toàn cầu đang cạnh tranh lẫn nhau, vì vậy cần tìm xem theo chuẩn nào phù hợp cho mô hình nào, nhu cầu nào. Tính an ninh của hệ thống là quan trọng cho việc vận hành, đảm bảo an ninh xuyên suốt từ đầu vào đến đầu cuối. Ở Việt Nam, có hơn 14.000 công ty công nghệ hoạt động, làm sao đưa họ thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái đó, là điều kiện để họ trải nghiệm, nâng cấp năng lực và hỗ trợ triển khai vận hành hệ thống trong lâu dài. Như vậy vai trò của Chính phủ là lắp ghép được các mảng rời rạc lại với nhau để việc đầu tư không chỉ là cơ hội bắt kịp thị trường mà còn vượt qua nó.

Ông Emmanuel Ly-Batallan, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM:

Cơ hội cho doanh nghiệp Pháp 

Giao thông đô thị đóng vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại và là một thách thức không nhỏ mà các thành phố lớn phải đối mặt. Đối với Việt Nam, với mức gia tăng dân số hàng năm khoảng 800.000 người, cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng (mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu thị dân) thì những thách thức đó càng lớn, dự báo đến năm 2050 sẽ có trên 60% dân số Việt Nam sống ở thành thị so với 33% năm 2013. Đầu tư vào hệ thống giao thông Việt Nam là lớn và quan trọng để đáp ứng việc phát triển kinh tế, có mức tăng hàng năm 7,3% so với tăng trưởng GDP trung bình là 6,5%.

Quy hoạch giao thông của TP.HCM đang tập trung phát triển hệ thống giao thông đô thị tích hợp, đến năm 2030 có 8 tuyến đường sắt đô thị, một tuyến tramway, hai tuyến tàu điện một ray (monorail) và sáu tuyến xe buýt nhanh (BRT). Khi hoàn thành, riêng mạng lưới đường sắt đô thị lớn hơn hệ thống tương tự của Singapore (160km, 2013) và sẽ là một trong những hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất khu vực, cùng với Thượng Hải (538km, 2013) và Bắc Kinh (465km, 2013). Chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ đối tác thể chế và công nghiệp trong lĩnh vực giao thông đô thị Việt Nam với sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp có vị trí hàng đầu thế giới về kỹ thuật thiết kế, đầu máy - toa xe, thông tin tín hiệu, thiết bị, khai thác và bảo trì... sau khi đã tham gia dự án tiêu biểu là đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội.

Thực trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ trong giao thông tại TP.HCM

877 chốt đèn, trong đó có 822 chốt có tủ điều khiển tín hiệu giao thông, chỉ 4% có kết nối về trung tâm điều khiển. 
383 camera giám sát giao thông gắn dọc các trục đường chính, hoạt động độc lập và chưa được tích hợp các chức năng thông minh, chủ yếu phục vụ cho các đơn vị quản lý như VOV giao thông, Trung tâm quản lý đường hầm SSG và các khu quản lý giao thông đô thị).
41 bảng thông tin giao thông điện tử được kết nối về trung tâm điều khiển đường hầm SSG. 
- 1 trung tâm điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn để theo dõi và điều khiển đèn giao thông; giám sát hệ thống camera; biên tập nội dung cho 41 bảng thông tin giao thông điện tử; đo kiểm tốc độ và lưu lượng xe di chuyển trong đường hầm. 
3.000 xe buýt với hơn 150 tuyến thuộc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đã xây dựng được hệ thống giám sát trực tuyến hỗ trợ theo dõi các vi phạm về sai lộ trình, dừng đỗ không đúng nơi quy định, quá tốc độ.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.