Ngổn ngang mua bán hàng qua mạng

 13:23 | Thứ sáu, 06/06/2014  0

Mua hàng qua mạng đang như trào lưu, nhất là trong giới văn phòng, từ khi nở rộ hình thức bán hàng khuyến mãi trực tuyến (theo nhóm), mặc cho những hỉ nộ ái ố từ đó. Người bán cũng mọc lên như nấm, đến mức, ở công ty kia, hai đồng nghiệp ngồi cạnh nhau cũng bán hàng cho nhau qua… facebook của mình.

Nếu “thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác” thì bán hàng trên facebook cũng là hoạt động thương mại điện tử. Có điều, pháp luật chỉ điều chỉnh các… website thương mại điện tử. Mà có muốn điều chỉnh cũng không dễ vì nó thiên hình vạn trạng. Cho nên mới có chuyện chủ một số facebook doanh thu lớn tự nhiên sợ khi được hỏi về việc hoá đơn, thuế khoá vì đụng đến quản lý nhà nước. Thực ra, không phải ai bán hàng qua mạng nói chung chứ không riêng gì qua facebook, cũng có đăng ký kinh doanh.

Vì không bị quản lý bởi ai và có bị thì cũng không nơi nào quản lý nổi nên các giao dịch hiện nay dựa trên chữ tín là chính. Người mua thường chuyển tiền trước rồi chờ người bán chuyển hàng. Tin từ nguồn gốc, chất lượng. Tin đến sự tiền trao cháo múc sau. Nhưng chữ tín trong môi trường ảo nhiều khi cũng ảo. Có không biết bao nhiêu vụ người mua dở khóc dở cười vì tin vào chữ tín này song họ thường ngậm bồ hòn rút kinh nghiệm rồi thôi. Cùng lắm, cũng chỉ lên các diễn đàn nổi tiếng tố cáo. Cho nên, mới có chuyện một sinh viên dùng tên giả để giao dịch, tên thật để mở tài khoản, lừa lấy tiền của hàng trăm người tới mấy trăm triệu đồng từ năm 2007 mà đến 2009 mới có nạn nhân chịu làm cho ra lẽ. Kẻ lừa đảo bị bắt.

Người bán tưởng nắm đằng chuôi cũng không thoát với chiêu giả cú pháp tin nhắn đã chuyển tiền của ngân hàng để dụ chuyển hàng. Người bán với người bán trong cảnh vạn người bán một người mua cũng xài chiêu giựt đơn hàng của nhau. Nhiều chủ facebook bán hàng đã yêu cầu khách cung cấp thông tin đặt hàng, giao hàng vào inbox để phòng kẻ khác theo đơn hàng đó mà đi giao hàng trước.

Nghị định 52/2013/NĐ-CP được cho là một bước tiến về mặt pháp lý đối với việc mua bán hàng qua mạng của các website thương mại điện tử. Cho dù vậy, sự phát triển của việc mua bán qua mạng vẫn còn nhiều ngổn ngang. Khảo sát của hãng Nghiên cứu thị trường Cimigo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam gần đây cho thấy, chỉ 13% khách hàng cảm thấy mua sản phẩm trên mạng là an toàn. Một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn trong khâu thanh toán là sử dụng dịch vụ thanh toán tạm giữ (người bán chưa được nhận tiền ngay mà phải chờ một khỏang thời gian để người mua nhận được hàng). Nhưng theo kinh nghiệm các nước, vì phạm vi cần an toàn rộng hơn khâu thanh toán, tốt nhất là phát triển các dịch vụ chứng thực, đảm bảo của các tổ chức độc lập đánh giá website thương mại điện tử. Việt Nam đang có những bước khởi đầu với dịch vụ của TrustVn, Safeweb.

Lê Vy

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.