Một
Những ngày đầu tháng 11 của năm 2016, tôi thức khoảng 6 giờ sáng cùng với cô Nga chủ nhà dù mới chợp mắt hai, ba tiếng trước đó. Trong cuốn Tâm Thành và Lộc Đời tôi có nhắc đến Nga “Bánh” và Diễm Tú là hai trong ba khán giả đặc biệt với chúng tôi. Nga có biệt danh đó vì gần như bất cứ diễn viên nào của Sân khấu 5B đến sinh nhật đều nhận được bánh mừng từ Nga. Rời Việt Nam từ 1994, Nga được nhận vào làm ngay ở Lily Bakery, quán cà phê được các anh, các chú sang đây theo diện HO ưa chuộng. Mười bốn năm trước, ông xã mất để lại hai con, bốn tuổi và hai tuổi, Nga vẫn một mình bươn chải nuôi con, mẹ, và vài người thân nữa bằng khả năng nấu nướng của mình.
Hai
Công việc chính của đợt sang Quận Cam lần này của tôi là đạo diễn một chương trình ca nhạc kịch mang tính từ thiện cho nhóm Ngọc Trong Tim. Chúng tôi đã lãnh sáu nghệ sĩ khuyết tật từ Việt Nam sang là Phương Dung, Thanh Hằng,Thanh Hà, Hà Văn Đông, Minh Thái và Dương Quyết Thắng. Bài hát chủ đề Hear My Voice (Lắng nghe tôi) là của nhóm trưởng - nhạc sĩ Nguyễn Đức Đạt sáng tác. Khiếm thị từ bé, và cũng từ bé, Đạt mưu sinh trên vỉa hè Sài Gòn cùng cô em gái cho tới ngày sang Mỹ theo diện con lai. Đạt tốt nghiệp khoa Âm nhạc tại California State University, Fullertion và vào được dòng chính của Mỹ. Những kỳ trước, Ngọc Trong Tim đã lãnh Thủy Tiên, Thế Vinh, Phước Bến Tre, Hà Chương sang đây biểu diễn. Nếu không có những mạnh thường quân góp một tay, chắc chắn chúng tôi không thực hiện nổi việc làm giấy tờ và lo mọi chi phí cho các bạn ấy sang. Có mặt từ đầu với chúng tôi là anh chị Huê Văn Liên ở Minnesota. Câu chuyện “yêu nhau khi còn thơ” của hai người rất thú vị, cũng như những ngày chị chuẩn bị sanh con so trên đảo, cùng thời gian đầu gian khổ khi mới tới Mỹ, cố làm nhiều việc để kiếm tiền gởi về Việt Nam. Hiện cùng với các con, họ vẫn theo dõi các chương trình từ thiện trong nước lẫn nhiều nơi trên thế giới để góp tay vào. Các con tinh thần của họ ở Việt Nam đã lên đến gần 40 em, trong đó có 27 em đang là sinh viên.
Nhà văn Nguyễn Thị Huế Xưa ngày ra mắt hai tập truyện ngắn. Ảnh: TLTG
Ba
Nhân tôi đang có mặt nơi đó, một đạo diễn phim truyền hình đề nghị tôi ghé chơi và vào vai một bà mẹ. Anh phân vân giữa tên phim là Người Việt tha hương hay Đời Việt, sống Mỹ. Tôi chọn tên thứ hai vì nghe tích cực hơn. Nhớ những ngày đầu Tam Anh sang đây, dù anh đã tốt nghiệp lớp đạo diễn chuyên tu cùng với Lê Thanh Sơn (Bẫy rồng), nhưng vẫn phải đi học khóa làm tóc, làm nail. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu ở VIFF (Liên hoan phim Việt Nam Quốc tế) 2007, sau đó ngồi bàn kịch bản, trên xe của Anh còn đầy những cái đầu bằng nhựa cùng tóc giả. Gõ cửa hầu hết những đài TV bên đây để tìm cơ hội làm nghề, chúng tôi nghe nhiều tâm sự đắng vì dù rất mong được phản ảnh đúng đời sống của cộng đồng Việt ở đây, nhưng chẳng ai muốn bỏ tiền làm phim khi có thể mua lại các phim bên Việt Nam với giá bèo. Năm tháng trôi qua, Tam Anh đã vào làm được một năm cho một đài, tổ chức được một chương trình tuyển lựa ca sĩ, lấy quảng cáo nhiều để tạo quan hệ, tích lũy vốn. Hiện anh đã lập được công ty mang quảng cáo whole-sale (sỉ) về cho trên mười đài TV, radio và nhật báo lớn ở Nam Cali, sắm được máy móc, quy tụ được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đủ để có thể tự sản xuất được phim rồi mới mang thành phẩm đi chào bán.
Tư
Vì trùng ngày nên tôi không thể ở lại Austin, Texas để làm MC và dự buổi ra mắt hai tập truyện ngắn Đưa em đi hết miền Texas và Nhịp thở mỗi ngày của Nguyễn Thị Huế Xưa. Huế Xưa đã hoàn tất cao học và hiện là giám đốc điều dưỡng tại một nhà thương lớn trong thành phố. Có năm cô được nhà nước tặng giải thưởng “Y tá của năm”, riêng năm 2004, cô cùng với bốn y tá khác được chọn là y tá giỏi trong số 10.000 đồng nghiệp tại Texas. Về viết, Huế Xưa đoạt giải danh dự cuộc thi “Viết về nước Mỹ” do Việt Báo tổ chức năm 2006. Truyện của Huế Xưa được nhiều độc giả thích có lẽ vì cô làm việc trong một môi trường nhiều tình thương nên khá thuận tiện khi tái tạo các hoàn cảnh, nỗi đau và thân phận con người, nhất là người Việt lìa quê. Hằng năm, cô cùng một nhóm chuyện gia y tế gốc Việt nơi đây tổ chức ngày Y tế cộng đồng, khám sức khỏe và truyền thụ kiến thức sơ cứu cơ bản cho những người không mua bảo hiểm vì thu nhập thấp. Trong nhiều năm, nhóm bạn của cô cũng tổ chức chương trình văn nghệ để gây quỹ xây trường dạy tiếng Việt cho trẻ con. Nhờ là người có uy tín trong cộng đồng, Huế Xưa đã bán sạch số sách ra trong đợt này. Được biết, toàn bộ lợi tức từ việc bán sách, Huế Xưa tặng hết cho quỹ Việt House do những người trẻ bên đây tổ chức, chuyên xây nhà tặng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà.
Tác giả cùng ca sĩ Quốc Tuấn trong chương trình Ngọc Trong Tim 6. Ảnh: TLTG
Năm
Lái xe mất bốn tiếng từ Dallas xuống dự với Huế Xưa có nhóm văn hữu khoảng 15 người, trong đó có cặp Ian Bùi (tức Nghĩa) và Diễm Tú. Nếu có một huy chương về “fan cuồng” cho các khán giả gốc Việt, chắc tôi phải gắn cho cặp vợ chồng này. Hai lần tôi có vở diễn ở New York, mấy lần vở diễn có Thành Lộc trên đất Mỹ, đều có mặt cả gia đình Nghĩa - Tú. Kỳ này, bốn suất Tía ơi, má dìa ở Bắc - Nam Cali, cả nhà Nghĩa - Tú có mặt không sót suất nào. Hai mươi năm sống trên đất Mỹ, Tú làm một công việc khá hiếm đối với phụ nữ Việt Nam: kỹ sư viễn thông chuyên nghiên cứu thử nghiệm để sáng tạo, phát minh trong hệ thống điều hành điện thoại. Tôi thích lối giáo dục, đầu tư cho con cái giỏi toàn diện cả về âm nhạc, thể thao của gia đình này.
Sáu
Những ngày đầu tháng áp cuối của năm, nhân có mặt ở Quận Cam, tôi cũng muốn cùng cô bạn thi sĩ Ngô Tịnh Yên thực hiện dần một phim tài liệu liên quan đến “giấc mơ” của một số nhân vật hữu danh lẫn vô danh của cộng đồng. Bài thơ nổi tiếng nhất của nàng vẫn là Nếu có yêu tôi mà anh Trần Duy Đức đã phổ nhạc. Khi ở Việt Nam, lúc nàng còn ký Tôn Nữ Trà Mi, ngày anh chị Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh vừa mất, nàng rần rần rủ tôi đòi làm ngay đêm kịch thơ tưởng nhớ hai người. Dù Ngô Tịnh Yên đã chuẩn bị và lấy hẹn cho tôi danh sách để tiếp xúc, quay phim, phỏng vấn, nhưng rất không may, đúng thời gian này, sức khỏe nàng không ổn, hiếm hoi lắm mới nói chuyện được vì loại thuốc của Yên đang dùng buộc ngủ nhiều. Liza Ngô, con gái nàng báo tôi hay mẹ nói cô nhắm buông hay làm tiếp, tùy nghi. Muốn gặp nhau cũng khó vì hai mẹ con ở tận LA. Với sự giúp đỡ của Tam Anh, tôi cũng cố gặp và thâu hình được vài người. Một trong những người tôi gặp là cô phóng viên có nhiều bài báo được nhiều độc giả theo dõi. Hỏi về những nhân vật nào khi bài viết xong, in ra, mãi đến giờ vẫn còn trong tâm trí mình, cô cho biết đó là một thiếu niên cựu tù, gốc Việt. Tôi chưa ghi tên cô nơi đây vì bộ phim chưa xong, nhưng tôi thấy có một sự đồng cảm lớn khi cô nói về giấc mơ của mình. Cô mong có một cộng đồng Việt vững mạnh, đoàn kết và ấm áp trên đất Mỹ để những người Việt xa xứ có thể tin tưởng tựa vào, chia sẻ buồn vui, và những thế hệ sau thấu hiểu hơn là những người gốc Việt sống trên đất này đã có một lịch sử thật và hùng như thế.
Nguyễn Thị Minh Ngọc