Quảng trường Nhà hát tại trung tâm Sài Gòn một trưa hè nắng đổ. Dáng thiếu nữ trong tà áo dài phơn phớt tím lướt theo bước chân nhẹ nhàng. Anh xích lô tựa ghế xe ngủ vùi, bất kể tiếng xe nhà binh chở đầy lính chạy ngang qua khách sạn Continental. Màu nắng vàng đổ lên góc phố. Đó chính là hình bìa cuốn sách Người Mỹ trầm lặng của nhà văn Anh Quốc Graham Greene do NXB Heinemann ấn hành năm 1960. Tác giả của bức họa này là Peter Edwards - một họa sĩ người Anh có tiếng.
Bìa cuốn sách Người Mỹ trầm lặng do Peter Edwards minh họa năm 1960
Cách đây không lâu, Peter đã tái tạo bức tranh này. Tái bản đó là tác phẩm hội họa cuối cùng của ông. Nó cũng là quà sinh nhật ông dành cho tôi. Ông đã cố gắng hoàn thành trong lúc chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Bức tranh tái bản bìa cuốn Người Mỹ trầm lặng của Peter Edwards
Bluehouse Farm, căn nhà gỗ ở vùng đồng quê Essex của nước Anh, nơi ông và gia đình đã sống trong hơn 30 năm qua, được treo đầy những bức tranh của ông và vợ ông, họa sĩ người Thụy Điển Gunvor Edwards. Trên giá sách là vô số những cuốn sách, truyện mà hai vợ chồng ông đã minh họa, đặc biệt là tập truyện trẻ em nổi tiếng khắp thế giới Thomas và những người bạn. Peter nói bìa cuốn Người Mỹ trầm lặng là một trong những minh họa sách của Graham Greene mà ông tâm đắc nhất.
Bức tranh đẹp như lời trong cuốn sách: “Đầu phố thoáng hiện ra những dáng hình mảnh khảnh - quần lụa trắng, tà áo dài hồng và tím nhạt bó sát, ôm lấy những đôi chân thon dài. Tôi ngắm nhìn họ với nỗi nhớ nhung mà tôi biết tôi sẽ mang trong lòng ngày tôi rời xa chốn này mãi mãi”.
Peter Edwards
Khi nhận lời vẽ bìa cho cuốn sách này, Peter nói ông đã bỏ ra hai tuần liền đọc đi đọc lại nó, rồi hai tháng sau đó nghiên cứu kỹ về Việt Nam cùng các chi tiết về cuộc sống đời thường, văn hóa, trang phục ở một đất nước cách xa nơi ông sống hàng ngàn cây số. Những gì ông tìm hiểu được đã khiến ông quyết định rằng bìa minh họa của Người Mỹ trầm lặng nhất định phải có hình bóng con người - một phần không thể thiếu trong bức tranh đời thường trên mọi góc phố Việt Nam.
Nhà văn Graham Greene lúc bấy giờ không thích lắm bìa minh họa các cuốn sách của mình có hình người trong đó. Peter Edwards gửi bức minh họa phác thảo cho nhà văn kèm lá thư giải thích vì sao ông đưa vào bức vẽ hình người thiếu nữ đội nón lướt đi trên phố, anh xích lô chợp mắt giữa trưa hè. Nhưng Peter tự hỏi làm sao mô tả được bối cảnh bất ổn của Việt Nam vào những năm 1951 – 1954 như trong cuốn sách, khi Mỹ tìm cách thay thế Pháp thống trị Việt Nam? Ông đã quyết định thêm vào bức tranh hình chiếc xe nhà binh chở đầy lính chạy qua khách sạn Continental. “Chiếc xe quân sự như một mối đe dọa lên khung cảnh cuộc sống thanh bình của người Việt lúc bấy giờ” - Peter giải thích.
Sau vài lần thuyết phục nhà văn Graham Greene qua thư, cuối cùng nhà văn đã đồng ý với Peter.
Peter Edwards cùng con trai Adrian Edwards và tác giả
Bức minh họa cuốn sách Người Mỹ trầm lặng của Peter Edwards đã góp phần lớn thay đổi cuộc đời của người con trai cả của ông - Adrian Edwards. Adrian bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của bức tranh, đã đọc ngốn ngấu cuốn truyện lúc 13 tuổi. Sau này khi trưởng thành, anh trở thành phóng viên Anh thường trú ở nước ngoài. Anh là trưởng phân xã Hãng thông tấn Reuters của Anh Quốc tại Việt Nam vào những năm 1990.
Trong vài năm qua, Peter nhiều lần biểu lộ ý muốn đi thăm Việt Nam, để được tận mắt trông thấy quảng trường Nhà hát thành phố mà ông đã vẽ hơn nửa thế kỷ trước. Nếu không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, có lẽ Peter đã có mặt ở nơi này, bước trên những bậc thang của Nhà hát, ngước lên ngắm nhìn những khung cửa sổ của khách sạn Continental, nơi nhà văn Graham Greene từng ở. Và biết đâu, một bức tranh mới về góc phố quen thuộc ấy của Sài Gòn sẽ ra đời.
Bài và ảnh Hương Ly Edwards
(Bluehouse Farm, Essex tháng 4.2017)