Trong đó cảm hứng của nữ đạo diễn đến từ nhiều nơi, từ chuyện cá nhân, phim ảnh cho đến đời sống thường nhật... Bằng lối viết dung dị, gần gũi, những đoản văn này tuy có dung lượng không lớn nhưng lại hàm ý rất nhiều thông điệp giá trị. Việt Linh ở đó lặng lẽ quan sát và rồi truyền đạt lên những trang trắng bằng tất cả sự chân thành như một cuốn phim, từ đó người đọc thêm hiểu cũng như thấu cảm rất nhiều khúc mắt còn đó trong cuộc đời này.
Những góc nhìn độc đáo
Có thể do chịu ảnh hưởng từ nghề nghiệp là một đạo diễn, mà các đoản văn trong tập sách này đều bắt nguồn từ những việc tưởng như nhỏ nhặt, nhưng được truyền tải một cách bài bản, lớp lang để nhấn mạnh những giá trị sau cuối. Trong phần đầu tiên mang tên Viết ngắn, bà đã bàn luận vấn đề xoay quanh câu chuyện “trông mặt mà bắt hình dong” vốn là tư tưởng ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người. Thế nhưng thực tế là mỗi thứ kỳ cục đều cất chứa một câu chuyện riêng. Con người cũng thế.
Từ một bà lão bán trái cây muốn la lớn lên cho lũ chuột dưới cống chạy trốn, cho đến một chàng bác sĩ từng bị hiểu lầm bởi vẻ bề ngoài giúp cho một hành khách trên máy bay thoát khỏi một cơn nguy kịch. Đó cũng đồng thời là người mẹ của kẻ sát nhân ngoại quốc giết hại công dân của một nước khác, khi đến xin lỗi, vì không thạo từ nên đã nói mình muốn “ăn” nỗi đau của người mất con... Dẫu không hoàn thiện, dù không lấp lánh... nhưng những điều này đã cho ta thấy, như Việt Linh viết, “cuộc đời vẫn đẹp khi chúng ta còn cảm giác muốn ‘ăn’ nỗi đau của người khác”.
Đạo diễn Việt Linh. Ảnh: Luxuo
Với những điều xấu cũng như cái ác trong cuộc đời này, bà đã mang đến một sự giãi bày đầy bình tĩnh, cảm thông và xoa dịu. Bất công là không thể tránh, nên bà vẫn luôn quan niệm nợ người dễ trả hơn nợ mình, từ đó cảnh báo con người phải giữ nhân cách cũng như phẩm hạnh dẫu trong khoảnh khắc hay cả quá trình. Sống tốt, sống thiện thường không dễ dàng, nhưng như bà nói, “ta cứ làm những gì thấy đúng, cái tốt – hoa thơm – từ đó sẽ nhân lên, cái xấu – cỏ dại – từ đấy sẽ lụi tàn”. Những việc làm nhỏ như một cuộn chỉ cứ lẳng lặng xoay, làm nên mạng lưới của những giá trị tươi đẹp.
Xen lẫn trong những điều đó, bà cũng truyền đi câu chuyện tình người tốt lành và rực rỡ. Dẫu sống trong một thời đại mà giá trị về cảm xúc giữa con người đang dần bị thay thế bởi những nhu cầu khác nhau, nhiều giá trị bị đảo lộn, thì ở đâu đó người ta vẫn còn tin vào những sự chia sẻ, đồng cảm cho nhau. Vết thương có thể che giấu dưới lớp “mặt nạ” như những vết dập trên một loại quả, nhưng sẽ đến ngày chúng phơi bày ra. Muôn đời vẫn vậy.
Xin lỗi là văn hóa khó học nhất bởi nó buộc con người ta phải quên đi bản ngã, phải can đảm thậm chí đau đớn. Nhưng khi làm được thì nó không chỉ nhẹ nhõm cho mình mà còn cho người. Có thể vì thế mà nỗi đau riêng cũng được Việt Linh dũng cảm nhắc đến, để cho thấy bà có thể vượt lên chính những bất hạnh của bản thân mình như thế nào. Hạnh phúc nhỏ bé như thế, khi ta tha thứ và không so kè với tha nhân, chỉ nghĩ làm sao cải thiện cuộc sống của mình và thấy hữu ích cho một ai đó.
Tiếng gọi hướng về quê hương
Không mang giấc mộng “đèo bồng văn chương” nên chính những gì thực nhất và chân thành nhất trong cuốn sách này đã đánh thẳng vào tâm lý người đọc. Ở đó một hiện thực cuộc sống đã được dựng lên, từ đó con người ngày càng hướng theo tiếng gọi thiện lành. Đi nhiều, hiểu nhiều, biết nhiều, nhưng những tản văn trong tập sách này không hề bỉ bôi những gì lạc hậu, phiến diện, mà chính trong ánh sáng của văn minh, tốt đẹp, nó khiến chúng ta phải ngẫm, phải nghĩ, từ đó có cách ứng xử thêm phần hợp lý trong cuộc đời này.
Là người sinh sống ở hai bờ đất nước, trong nhiều đoản văn, có thể thấy một Việt Linh vẫn luôn khôn nguôi với nhiều vấn đề của quê hương xứ sở. Trong những câu chuyện như Người sót lại của con tàu Moi, một mảng lịch sử ít được nhắc đến về chế độ di cư cưỡng bức vào thập niên 1930, 1940 của người Việt bản xứ bị ép sang “mẫu quốc” đã được kể lại một cách bất ngờ.
Cũng như Người đến từ Mariupol của Natascha Wodin, mảng sử về người Ukraine cũng như người Việt bị cưỡng bức lao động đã bị chìm khuất trong những vỉa tầng nỗi đau, thế nhưng nhờ chính những người cầm bút như cày cấy trên phù sa ký ức mà những gì đã qua có thêm cơ hội được giãi bày, từ đó hướng tới tương lai thứ tha cũng như có được hy vọng sống tiếp.
Bìa sách Kẻo tro bay mất. Ảnh: NXB Trẻ
Tiếp nối chính câu chuyện ấy là Con côi của đế chế với những làng Việt ở xứ người chôn giấu trong mình những sự run rẩy. Từ thế hệ thứ nhất từ chối hồi hương với hy vọng sự cống hiến của mình sẽ được đáp đền, thế nhưng hiện thực không như là mơ, dẫn đến còn lại ở đó chỉ là những căn nhà tạm, trong một cộng đồng mang màu xám xịt mà kẻ thù lớn nhất chính là ký ức cũng như những gì gợi nhắc đến năm xưa cũ.
Khi trình chiếu tác phẩm của mình tại đây, Việt Linh mới khám phá ra một góc rất khác của dân tộc mình, để cũng như đạo diễn phim tài liệu gốc Việt Mathieu Samuel chia sẻ, những gì đại diện cho các tác phẩm của anh về con người, không gian nơi đây, chính là một niềm “cay đắng”.
Nhưng nếu lịch sử là nỗi đau, thì có thể tin khi thời gian xoa dịu, thế hệ trẻ sẽ càng thêm hướng về quê hương đất nước. Đối với Hải Anh, con gái của bà, tác giả của tiểu thuyết đồ họa Sống từng tạo cơn sốt ở Pháp cũng như sắp được chuyển ngữ sang tiếng Việt, cô luôn có một cảm xúc vô cùng đặc biệt với nơi mà mẹ đã đến. Trong những lá thư còn sai chính tả, trong các email gửi vào đêm muộn với cách diễn đạt còn khá ngây ngô... nhưng được viết bằng thứ tiếng mẹ đẻ, ở đó ta thấy một sự hoài hướng chính về quê hương, mà như cô nói, những kẻ xấu không đại diện cho bộ mặt của một đất nước.
Bằng góc nhìn độc đáo và trải nghiệm phong phú, những tản văn nhỏ trong tập sách này như những phân cảnh montage của cuốn phim cuộc sống muôn màu muôn vẻ, từ đó truyền đi thông điệp tích cực cũng như trân quý từng phút giây nhỏ. Như Việt Linh viết trong lời nói đầu “Những con chữ trong quyển sách này dĩ nhiên không đủ lực xoay dời nhân thế”, thế nhưng có thể tin chắc nó sẽ “lặng lẽ đi cùng độc giả...”.
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn, Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985. Lập gia đình ở Pháp nhưng bà vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật của Sân khấu Hồng Hạc.
Ở mảng viết lách, bà là tác giả và chủ biên Tủ sách Điện ảnh từ 2006 với nhiều tác phẩm. Ngoài ra bà cũng có nhiều tập sách được cho ra mắt suốt các năm qua.
Minh Anh