Trần Hải Anh: 'Nếu hiểu mẹ thì sẽ hiểu đất nước mình hơn'

 08:18 | Thứ tư, 08/03/2023  0
Sống là tác phẩm truyện tranh đặc biệt, vừa được NXB Ankama in lần đầu tiên tại Pháp và xuất hiện tại một trong những liên hoan truyện tranh lớn nhất thế giới: Angoulême.

Ký ức của người mẹ - đạo diễn Việt Linh về 7 năm thanh xuân sống trong chiến khu, được kể lại qua góc nhìn của cô con gái, tác giả Trần Hải Anh, sinh năm 1993, người Pháp gốc Việt và họa sĩ Pauline, sinh năm 1993 tại Paris. 

Mối quan hệ giữa mẹ và con gái luôn là đề tài thú vị, trong Sống, mối quan hệ đó càng trở nên đặc biệt bởi xuất thân và hoàn cảnh của hai nhân vật chính. Mẹ tác giả là người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và sau hòa bình, say sưa công việc sáng tác của mình đến nỗi tạo ra những rạn nứt giữa hai mẹ con. Con gái, sinh ra và lớn lên tại Pháp, nói tiếng Pháp với ba và tiếng Việt với mẹ. Suốt 18 năm trời, mẹ về Việt Nam thường xuyên để làm việc và mỗi chuyến đi kéo dài 3, 4 tháng. Một thời gian dài, những cuộc trò chuyện phải cần đến sự giúp đỡ, phiên dịch của ba. 

Hải Anh đã ngồi xuống, lắng nghe, và thu âm câu chuyện về thời ở trong chiến khu của mẹ để hình thành nên Sống. Và như nhà báo Florian Moine nhận xét: “Bằng cách tiếp thu câu chuyện của mẹ mình, Hải Anh đã được hòa giải với nguồn gốc”.

Bìa truyện tranh Sống.


Giới thiệu về Sống, NXB Ankama viết: “Đôi khi chúng ta biết rất ít về những người ta thân thiết. Mối quan hệ giữa Hải Anh và mẹ Linh luôn phức tạp. Vào tuổi trưởng thành, trong khi băn khoăn nguồn gốc cũng như bản sắc mắc kẹt giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa, cô đặt câu hỏi về các ký ức và hành trình của mẹ. Từ các khoảnh khắc tâm sự quý giá đan xen hai thế giới điện ảnh và kháng chiến đã giúp Hải Anh khám phá lại mẹ, yêu mến quê hương như cô nói: “Tôi nghĩ điều hiển nhiên gắn kết tôi với mẹ - bất chấp những khác biệt văn hóa, thế hệ - là các câu chuyện và mong muốn tâm tình”.

Dự đoán được quan tâm, NXB Ankama cho in 8.000 bản lần đầu, tổ chức 14 buổi ký tặng ở Paris và các tỉnh, và Sống trở thành cuốn sách được quan tâm tại Liên hoan truyện tranh Angoulême. Nhiều người gốc Việt đã vô cùng xúc động khi thấy một tựa sách tiếng Việt nằm trang trọng tại liên hoan. 

Sống, được viết bằng tiếng Pháp nhưng bìa sách vẫn giữ nguyên tiếng Việt, cùng các tựa đề mỗi chương đều được trình bày bằng tiếng Việt, lần lượt là: Gặp, Tiếc nuối, Nấu, Nấp, Chia tay, Bị thương, Quay, Chạy trốn, Yêu, Thông cảm, Cô lập, Xăm, Về nhà

Tác giả Trần Hải Anh đã có buổi trò chuyện với Người Đô Thị sau khi ra mắt sách tại Pháp. 

Là người Pháp gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Pháp, con người phương Tây và Á Đông có thường xuyên xảy ra xung đột trong bạn? Bạn phải giải quyết những xung đột, khác biệt văn hóa như thế nào trong cuộc sống và cả những tác phẩm, dự án nghệ thuật của mình?

Theo cảm nhận của tôi, phần nhiều người Pháp gốc Việt không giỏi tiếng Việt như người Mỹ, người Đức gốc Việt. Ba tôi là giáo sư kinh tế Trần Hải Hạc, ông sinh ra tại Pháp. Một lần mẹ tôi sang Pháp giới thiệu phim trong kỳ liên hoan phim, ba tôi khi ấy là thông dịch viên cho đoàn Việt Nam nên hai người quen nhau.

Lúc đó mẹ đã 40 tuổi, ba tôi lớn tuổi hơn và cũng chưa lập gia đình. Ba tôi mê điện ảnh ghê lắm, ông yêu rồi cầu hôn mẹ. Mẹ tôi có chồng con ở Paris nhưng chưa bao giờ sống ở Paris thực sự mà chỉ đi đi về về. Tiếng Pháp của mẹ không thực sự như một người Pháp nên từ nhỏ tôi buộc phải nói tiếng Việt với mẹ.

Khi mẹ ở Pháp thì tôi nói tiếng Việt với mẹ, khi mẹ về Việt Nam tôi sẽ nói tiếng Pháp với ba.

Từ khi tôi sinh ra đến 18 tuổi, mẹ đi về giữa Việt Nam và Pháp, cứ mỗi lần về Việt Nam để quay phim, mẹ đi 3 - 4 tháng. Đến năm 18 tuổi, tôi lớn rồi thì mẹ về Việt Nam sống luôn, thỉnh thoảng về Pháp để thăm ba thôi.

Tôi sống với ba nhiều hơn, ngược lại với hầu hết các gia đình bình thường khác là ba đi công tác, con ở nhà với mẹ. Mẹ tôi rất đam mê công việc, làm phim; nếu như nhiều người làm việc để sống thì mẹ tôi sống để làm việc. Tiếng Việt của tôi trước 18 tuổi chỉ đơn giản nói chuyện trong nhà, chứ tôi hầu như không đọc và viết tiếng Việt thông thạo. Tôi cũng không dám đi học vì thấy tiếng Việt quá khó, nếu học thì nhiều khi sẽ ám ảnh và sợ luôn.

Suốt thời gian đó, khi mẹ ở Việt Nam, tôi email cho mẹ hoàn toàn là tiếng Việt không có dấu. Nhưng khi 18 tuổi, tôi cảm thấy mình kém cỏi và muốn trở về Việt Nam nhiều hơn nên quyết định học tiếng Việt và có cô giáo tới nhà kèm.

Ba tôi chính là cầu nối giữa hai mẹ con, là thông dịch của tôi, và cũng là người ở giữa những khi hai mẹ con tôi cãi nhau, vì tôi và mẹ rất yêu thương nhau nhưng khắc khẩu. Nhiều người khi nghe tôi kể chuyện gia đình mình đều lấy làm lạ, còn tôi, tôi thấy bình thường, có lẽ vì quen với điều đó từ nhỏ. 

Vì sao Hải Anh thực hiện cuốn sách này?

Từ nhỏ, tôi đã nghe mẹ kể những mẩu chuyện vui, đáng kinh ngạc về thời gian mẹ ở trong rừng. Nhưng tôi không hiểu toàn bộ câu chuyện.

Năm 2018, tôi và Pauline có ý tưởng viết và vẽ lại toàn bộ câu chuyện của mẹ trong 7 năm đặc biệt, kể từ khi mẹ 16 tuổi. Tôi ngồi xuống với mẹ, một người kể chuyện, một người thu âm. Không hiểu gì thì tôi lại hỏi ba.

Khi tôi thực hiện cuốn sách, tôi có suy nghĩ nếu mình hiểu mẹ mình hơn, mình sẽ yêu mẹ hơn và hiểu đất nước mình hơn.

Với Sống, tôi có niềm tin về sự thành công ngay từ khi lên ý tưởng. Từ sự tự tin đó, mọi thứ đều thuận lợi. NXB Ankama mỗi năm chỉ chọn tầm 10 đầu sách để tập trung đầu tư kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng chọn dự án này. Có lẽ là vì cuốn sách có một góc nhìn chưa bao giờ có trong truyện tranh Pháp.

Như mọi người đã biết, truyện tranh nổi tiếng thường đến từ Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật. Sách về chiến tranh Việt Nam - Mỹ (từ sách lịch sử, đến tiểu thuyết) thì nhiều nhưng đây là góc nhìn của một người sống trong chiến khu, lúc 16 tuổi, thông qua góc nhìn của con gái mình và một họa sĩ Pháp.

Khác biệt nữa là cuốn sách của tôi không hướng đến sự thật, điều mà nhiều cuốn sách muốn hướng tới. Từ lâu tôi đã không quan tâm tới sự thật. Tôi quan tâm đến cách mẹ kể câu chuyện, có thể mẹ sẽ kể một số chuyện đẹp hơn vì thích, vì nhớ, một số chuyện bị lãng quên do thời gian.

Hai đồng tác giả của Sống: Hải Anh và Pauline Guitton.


Ký ức về Việt Nam của Hải Anh như thế nào? 

Từ nhỏ, tôi đã mê Việt Nam. Lần đầu tiên, tôi về Việt Nam khi chưa tới một tuổi. Và cứ mỗi mùa hè là về Việt Nam 1, 2 tháng. Tôi biết mình thích Việt Nam, thích người Việt Nam, nhưng đó chỉ là đi du lịch thôi. Trải nghiệm du lịch và sống thực sự rất khác nhau. Khi ở Việt Nam, người ta luôn nhìn tôi như một người đi du lịch, người nước ngoài nên tôi có chút buồn.

Năm 2015, khi đang học đại học, trường cho sinh viên chọn đi nước ngoài một năm để thực tập, tôi chọn Việt Nam. Tôi là người của hai nền văn hóa, tôi sống ở Pháp 27 năm, quá quen thuộc và yêu thương Paris. Nhưng tôi luôn luôn có ý tưởng sẽ khám phá Việt Nam cho đến năm 2020, mọi sự mới chính thức bắt đầu.

Tôi tốt nghiệp, đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi về Việt Nam và gặp người yêu của mình tại Sài Gòn. Như một cơ duyên - cách đây 30 năm, mẹ tôi sang Pháp và gặp người yêu bên Pháp - sau 30 năm, tôi trở về và gặp người yêu ở tại Việt Nam. 

Có bao nhiêu phần trăm Việt Nam và bao nhiêu phần trăm Pháp trong con người của bạn?

Lúc trước, tôi luôn cảm thấy thiếu, thiếu vì vừa không đủ chất Pháp vừa không đủ chất Việt Nam. Không đủ Pháp vì không giống người Pháp, lớn lên không nghe nhạc, đọc sách giống những người bạn Pháp của mình, về Việt Nam thì có nhiều từ không hiểu, nhiều tình huống bị nhầm lẫn, cuộc đời cứ thấy thiếu bên này bên kia.

Nhưng bây giờ thì tôi ổn rồi, tôi chấp nhận mọi thứ và đôi khi thấy sự trộn lẫn đó rất thú vị. 

Hải Anh có thể giới thiệu thêm về nội dung cuốn sách?

Như cách thể hiện ở tựa đề, cuốn truyện tranh là câu chuyện của mẹ, về những điều như ăn, ngủ, sống, yêu… và học điện ảnh trong chiến khu như thế nào. Ở phần 1, nội dung thiên về kể chuyện, phần 2 thì giọng điệu của tác giả mạnh hơn, nói nhiều về quan hệ mẹ con. Như trong phần Nấp,  tôi hỏi mẹ: sống trong chiến khu, điều gì khó khăn nhất. Trong đầu mình hình dung các từ như bom, máy bay… nhưng câu trả lời là: “Có kinh mỗi tháng”. Mẹ phải dùng vải phơi, nhưng phơi khó khăn lắm vì quá nhiều cây nên ánh sáng không chiếu vào, còn nếu phơi ra ngoài sáng thì máy bay dễ dàng phát hiện… 

Trang mở đầu chương Gặp.


Phần Xăm là một câu chuyện mới giữa hai mẹ con. Trước khi làm cuốn sách, tôi xăm chữ Sống lên tay như một lời hứa sẽ thực hiện cho bằng được. Mẹ rất ghét, nói xăm là giang hồ, mẹ còn “hù” nếu tôi mà xăm, mẹ cũng sẽ xăm theo. Tôi nghe, cũng không để ý vì mẹ gần 70 rồi, xăm gì nữa. Vậy mà sau khi tôi xăm xong, về Pháp một ngày, mở email lên thì thấy mẹ gửi hình xăm có chữ Sống trên tay của mẹ.

Lúc đó, tôi giận lắm, giờ thì bình thường rồi. Còn mẹ từ chỗ ghét việc xăm, giờ có chút vui vì hai mẹ con có chung một hình xăm. Mẹ cũng muốn chứng minh mẹ là người nói được, làm được. 

Hình xăm của mẹ có đẹp không?

(Cười) Hình xăm của mẹ xấu lắm, mẹ đâu biết chỗ nào xăm mình đâu nên mẹ xăm chỗ người ta xăm… lông mày! 

Tôi thích những con hẻm đậm chất Sài Gòn ở quận 3

Hải Anh có thể kể tên những địa chỉ văn hóa bạn hay đến ở Sài Gòn? 

Nếu đi xem phim, tôi chọn rạp phim DCine Mạc Đĩnh Chi: rạp nhỏ, hơi giống rạp art-house bên Pháp. Tôi cũng rất thích nhà sách Phương Nam ở góc Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh.

Bạn thích quận nào của Sài Gòn?

Tôi đã sống ở quận 3, 1, 7, 4, 2. Tôi thích những con hẻm đậm chất Sài Gòn ở quận 3.

Điều gì bạn thích và không thích khi ở Sài Gòn? 

Người ta hay nói: cái gì khó ở Việt Nam thì sẽ dễ ở Pháp, cái gì dễ ở Việt Nam thì sẽ khó bên Pháp. Việt Nam rất linh động, không cứng nhắc, tôi thấy rất thoải mái. Người Việt Nam ai cũng hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn trong khi người Pháp dường như đánh mất hy vọng.

Điều tôi không thích là Việt Nam hơi lộn xộn.

Trần Hải Anh tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế học về văn hóa, tốt nghiệp điện ảnh tại Pháp. Cô là con gái duy nhất của giáo sư Trần Hải Hạc và đạo diễn Việt Linh. Sống là tác phẩm đầu tay của cô với tư cách biên kịch, tác giả, hợp tác cùng Pauline, một họa sĩ trẻ tài năng.

Pauline là bạn thân thiết của Hải Anh từ bé, sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật Caen, cô sang Việt Nam một năm. Thời điểm đó, ý tưởng lập dự án chung với Hải Anh nảy ra. Trở về Pháp, Pauline vào trường Gobelins, ngành điện ảnh hoạt hình và tốt nghiệp năm 2021. Hiện cô làm việc với tư cách họa hình kịch bản phân cảnh (story board) và họa sĩ hoạt hình. 

Hiện, Hải Anh sống ở Sài Gòn với công việc chính là làm phim, xuất bản, các dự án liên quan đến văn hóa Pháp - Việt. Cuốn sách Sống sẽ được dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt trong thời gian tới. Bản tiếng Pháp sẽ được bán ở Nhà sách Nam Phong - Bùi Viện, TP.HCM.

Trước Sống, Hải Anh từng có dự án đáng chú ý về kết nối khán giả, nghệ sĩ mang tên &Nối.

Bài: Trâm Anh - Ảnh: TLNV 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.