Giai đoạn cao điểm của dòng chảy siêu xe về Việt Nam là những năm 2008 – 2009, khi thị trường bất động sản và cả chứng khoán còn khá “nồng ấm”, nhiều người có thể kiếm được những khoản tiền hời sau mỗi giao dịch. Kiếm tiền một cách dễ dàng, người ta cũng mạnh bạo trong việc chi tiêu. Và với nhiều người, cầm lái siêu xe không còn là ước mơ quá xa vời.
Theo một nhà nhập khẩu xe tại Hà Nội, khi những chiếc siêu xe cập cảng, có ba cách chuẩn bị hồ sơ để đưa về showroom, tương ứng với ba mức giá khác nhau, và thường được khách mua quyết định trước để thanh toán tiền xe. Đó là nhập khẩu trực tiếp, tức là sẽ nộp đầy đủ các khoản thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng trước khi nộp thêm khoản thuế trước bạ để đi đăng ký xe; nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương với một số ưu đãi về thuế quan; mở hồ sơ nhập khẩu theo diện xe ngoại giao, được hưởng chế độ miễn trừ thuế dành cho cá nhân, tổ chức ngoại giao theo quy định. Ngoại trừ số xe nhập khẩu trực tiếp, đóng đầy đủ thuế, những chiếc xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương hay ngoại giao hầu hết đều gặp rắc rối khi người sử dụng mua phải chiếc xe Việt kiều “dỏm” hay nhân viên ngoại giao hết nhiệm kỳ, không có mặt tại Việt Nam mà chiếc xe chưa được sang tên, đổi chủ.
Giữa tháng 11.2013, công an quận 7, TP.HCM đã có kết quả ban đầu sau khi điều tra hơn 10 chiếc siêu xe bị tạm giữ trên địa bàn do nghi ngờ nguồn gốc xe. Hầu hết các xe mua từ nhân viên ngoại giao nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ, trong đó có cả trường hợp sử dụng giấy tờ giả bị cơ quan công an khởi tố. Như chiếc Benley mang biển số Hà Nội bị tạm giữ hồi đầu tháng 7, người cầm lái tại thời điểm đó xuất trình giấy tờ do một người khác đứng tên. Qua xác minh, biển số thật của chiếc xe là biển ngoại giao do nhân viên một sứ quán đứng tên. Ngoài ra, cơ quan công an này còn đang tạm giữ tổng cộng 12 chiếc khác, trong đó có cả siêu xe Bentley, Lexus, Porsche, Mercedes-Benz và Hummer mang biển số giả và một số xe sang mang biển số ngoại giao.
Theo anh Kiệt, ngụ tại quận 5, TP.HCM, người đang sở hữu hai chiếc xe sang: “Vấn đề là khoản chênh lệch giữa xe đóng thuế đầy đủ và xe ngoại giao, Việt kiều hồi hương quá lớn. Đã có showroom chào tôi chiếc Rolls Royce Phantom phiên bản đặc biệt, nếu lấy biển số thành phố (biển số cá nhân, đóng đầy đủ các loại thuế - PV) thì chiếc xe có giá khoảng 500.000 USD, trong khi đó, xe biển số ngoại giao chỉ có giá 250.000 USD kèm theo năm tờ giấy ủy quyền được đóng dấu sẵn để viết cho người sử dụng”. Chính khoản chênh lệch này làm nhiều người dễ đồng ý mua kèm theo sự đảm bảo của... chủ showroom.
Nhưng mua đứt bán đoạn, đến khi nhà nước làm nghiêm, kiểm tra gắt gao và nhân viên sứ quán cũng về nước thì nguy cơ không được lưu thông, không thể thanh lý hay sang tên đổi chủ chỉ người mua lãnh đủ. “Thành ra tốn một đồng cà mà phải chi tới ba đồng mắm để có thể “nuốt” trôi”, anh Kiệt chua chát. Cũng rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như trên, ông Huỳnh Dũng, ngụ tại quận Phú Nhuận, rao bán chiếc xe Mercedes S500 biển số ngoại giao từ hai năm nay với mức giá chưa tới hai tỷ đồng nhưng không tìm được người mua. “Giờ đành để xe trùm mền, bán không bán được, chạy không chạy được...”, ông Dũng than thở.
Giữa lúc nhiều siêu xe đang nằm nhà không biết khi nào có thể xuất hành, chưa kể có gần chục chiếc đang “hao gầy nhan sắc” trong bãi tang vật của công an – như một thông tin vừa đưa trên báo – thì nhiều thương hiệu xe sang khác đã bắt đầu được phân phối chính hãng ở Việt Nam như Rolls Royce, và sắp tới là Bentley và Lamborghini khi các hãng xe này đang làm thủ tục để mở đại lý tại nước ta.
Hồng Vinh