Viết về làng quê, người viết còn có ý thức, làng không phải để làm bảo tàng hay để diễn mà Làng Sống – sự sống rõ ràng. Làng ven sông, làng ven núi, bình dị. Nơi đó con người vẫn đang sống và đang có những thứ văn hoá bình thường nhất, không có gì to tát hay tinh hoa được dàn dựng. Những chi tiết đó nó gắn liền với số phận của người nông dân Việt Nam, gắn với sự thăng trầm của cuộc đời của họ. Và những điều bình dị trong vốn văn hoá Làng sẽ được phục sinh gắn với đời sống hiện tại và đi vào tương lai. Đó cũng là mục tiêu của dự án này.
![]() |
Làng Láng hiện nay làm gì còn đất trồng rau thơm Láng. Húng Láng – một loại rau nổi danh đã đi vào lịch sử. Ảnh: TL |
Nông thôn, làng xã, nơi sinh ra và lưu giữ bảo tồn những giá trị căn cốt của tinh thần Việt, văn hoá truyền thống Việt. Luỹ tre làng – cái luỹ tre bảo vệ văn hoá làng – tưởng như không bao giờ bị vỡ vì đã được thử thách qua bao thăng trầm của lịch sử nay đã đổ vỡ. Tất cả những vô đạo, nhếch nhác trong đời sống hôm nay từ trên xuống dưới, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ những người tu hành đến dân thường đều có chung một nguyên nhân là do mất văn hoá.
Vẻ đẹp của người Việt, nước Việt, làng Việt tồn tại được bao đời mà nay rạn nứt hết cả. Tiếc! Đình làng, chùa làng, tín ngưỡng và tôn giáo, thần và Phật vừa là cội rễ tinh thần vừa là vỏ bọc để bảo vệ làng. Có ai sống mà lại không cần đến đức tin? Cho nên đình chùa mất thì làng mất. Gần đây tôi có dịp đi thăm lại nhiều ngôi làng cổ ở các tỉnh miền Bắc, không nhận ra nữa. Họ đã phá sạch, đường làng bị ximăng, bêtông hoá toàn bộ. Đình chùa thì quét vôi lòe loẹt, tượng cổ sơn lại bằng màu công nghiệp xanh đỏ, đèn đóm nhấp nháy.
Đau ở chỗ, khi nghèo thì giữ được, lúc có tiền thì lại phá. Mà đáng nhẽ ra phải ngược lại mới đúng. Ấy là chưa kể, đâu chỉ là phá cái nhà, cái đình, con đường làng, cổng làng, giếng làng mà là phá di sản của chính cha ông họ đã xây dựng, đã giữ bao đời cho họ.
Lỗi này là do cái sự giàu không đi cùng với văn hoá, có tiền mà không có văn hoá mới vậy, giàu xổi mới vậy.
Không chỉ là chuyện của một làng, với một đất nước cũng vậy, phải phát triển song song cả kinh tế và văn hoá, văn hoá mới là động lực, là nền tảng để phát triển kinh tế bền vững. Đồng tiền chỉ là phương tiện để đạt đến một đời sống văn hoá cao hơn.
Đình làng, chùa làng, cổng làng, người làng, việc làng. Làng là nước, nước là làng, nước Việt chính là làng, là nước – làng. Người ta hay nói làng nước là vậy. Còn giữ được làng, giữ được nếp làng thì còn nước, còn nếp nước. Mất làng là mất nước.
Lê Thiết Cương - TGTT. Ảnh TL