NSƯT Thoại Mỹ mắc bệnh tim: nhịp đập vô thường

 23:01 | Thứ sáu, 10/11/2023  0
Chia sẻ mới đây của NSƯT Thoại Mỹ về căn bệnh tim khiến trái tim cô “có lúc đập quá nhanh, có lúc ngưng đập” đã làm nhiều khán giả thương cảm và lo lắng. Để hiểu rõ hơn căn bệnh này và mức độ nguy hiểm ra sao, chúng tôi ghi nhận ý kiến của chuyên gia - bác sĩ tim mạch.

Trái tim lúc đập quá nhanh, lúc ngưng đập

Trong talkshow Studio H9 - Hẹn cuối tuần phát sóng tối 15.10, NSƯT Thoại Mỹ đã trải lòng về “kiếp tằm” của nghề hát mà cô chọn mang, trong đó có nhiều biến cố sức khỏe. “Lần đó đang hát tôi nhảy từ trên cao xuống bị đứt dây chằng chân. Không điều trị tới nơi tới chốn nên dẫn đến teo cơ chân, đi yếu, dễ té, phải mổ nhiều lần tái tạo dây chằng. Tới giờ di chứng vẫn còn. Gần đây tôi phải ngưng diễn một thời gian để điều trị tim. Tim của tôi bác sĩ nói có lúc đập quá nhanh, có lúc ngưng đập. Phải mổ đặt máy hỗ trợ nhịp tim để những lúc ngưng thì máy sẽ kích tim. Còn khi đập nhanh quá, máy hỗ trợ ổn định lại. Tôi sợ mổ tim mà gặp sự cố gì thì không theo nghề hát được nữa nên đáng lẽ phải mổ từ mấy năm trước nhưng tôi cứ để đó, càng ngày bệnh càng khác…”, Thoại Mỹ kể.

Trong cuộc trò chuyện trước đó với báo giới, Thoại Mỹ cho biết cô mắc bệnh tim bẩm sinh, mổ tim hồi tháng 7.2023 nên vẫn đang phải uống thuốc, không thể làm việc nặng. “Tôi đặt máy hỗ trợ nhịp tim vì tim có lúc đập nhanh quá, lúc lại đập rất chậm, thậm chí ngưng không đập nên nhiều khi tôi hát mà hụt hơi hoài. Có khi đang nói chuyện vui vẻ tự nhiên không thở được, bị ngộp. Tôi hiện không hát nguyên tuồng mà chỉ hát được chút ít thôi bởi đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe. Thời gian vừa rồi tôi bị khủng hoảng vì phải ngưng hết các công việc nghệ thuật để trị bệnh…”, Thoại Mỹ tâm sự.

Vì đâu trái tim loạn nhịp?

PGS-TS-BS. Nguyễn Đức Hải

PGS-TS-BS. Nguyễn Đức Hải (chuyên gia tim mạch - Viện trưởng Viện Điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, trái tim con người bình thường làm nhiệm vụ bơm máu liên tục qua hệ thống tuần hoàn. Mỗi ngày tim đập khoảng 100.000 lần và bơm ra hơn 7.500 lít máu.

“Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp đập tim bình thường trong khoảng 60 - 100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường như quá nhanh (hơn 100 nhịp/phút) hay quá chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc lúc nhanh, lúc chậm hay bỏ nhịp, sẽ gọi là rối loạn nhịp tim”, BS. Hải giải thích.

Trong cuộc sống thường ngày, rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện khi một người bị rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress; lao động gắng sức; sử dụng một số chất kích thích như uống rượu, cà phê, trà đặc, hút thuốc lá... Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch như: thiếu máu cơ tim, bệnh lý van tim, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh... cũng làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim còn có thể gặp ở một số bệnh lý hoặc nguyên nhân khác như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, bệnh viêm phổi - phế quản cấp hay mạn tính, thiếu máu, rối loạn cân bằng kiềm - toan và điện giải, do thuốc (có nhiều thuốc gây nên rối loạn nhịp tim, đặc biệt các nhóm thuốc gây kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ; đồng thời chính các thuốc chống loạn nhịp tim đôi khi lại là thủ phạm gây nên rối loạn nhịp tim). Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Triệu chứng rối loạn nhịp tim

BS. Hải cho biết, rối loạn nhịp tim có thể khiến hoạt động bơm máu của tim trở nên kém hiệu quả và gây ra các triệu chứng: hồi hộp, trống ngực (đây là biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn nhịp tim; một người có thể có cảm giác “hẫng hụt” hay cảm giác tim bị ngưng lại trong một vài giây và theo sau đó thường sẽ là một nhịp đập mạnh, đôi khi có thể giống như thể bị “đấm” vào ngực; đi kèm triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, bệnh nhân có thể ngất hay choáng váng, xây xẩm…); cảm giác nhịp tim đập nhanh hơn hoặc chậm hơn so với bình thường; mệt mỏi, khó thở (tình trạng rối loạn nhịp tim kéo dài sẽ làm giảm hiệu suất bơm và hút máu của tim, khiến bệnh nhân có các biểu hiện khó thở và mệt mỏi); đau ngực (là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, thường xuất hiện trên nền các bệnh lý tim mạch khác như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim...). 

NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ căn bệnh tim đã mổ đặt máy hỗ trợ nhịp tim trong talkshow Studio H9 - Hẹn cuối tuần. Ảnh: T.A.T 


Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể vô hại nhưng đa phần là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa đến cuộc sống. Để tránh quá trình điều trị bị chậm trễ, một người nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện sớm những vấn đề tim mạch.

Đặc biệt trong những trường hợp: tim đập nhanh hoặc chậm kèm theo cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt hoặc choáng ngất; loạn nhịp tim kèm theo khó thở, đau ở ngực, cổ, vai, cánh tay hoặc ở lưng; loạn nhịp tim xuất hiện khi mới sử dụng một loại thuốc nào đó; loạn nhịp tim xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như sút cân, mệt mỏi kéo dài và đánh trống ngực kèm theo đau đầu, vã mồ hôi... Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp trong các trường hợp rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài:

Suy tim: Khi hiệu quả bơm máu bị giảm sút, tim của người bệnh sẽ phải cố gắng làm việc nhiều hơn bình thường để cung cấp đủ máu nuôi cơ thể. Sự gắng sức kéo dài lâu ngày có thể làm trái tim suy yếu và cuối cùng dẫn đến suy tim.

Đột quỵ: Khi tim đập quá nhanh hoặc quá chậm, hiệu suất bơm máu sẽ giảm sút. Khi đó máu sẽ bị ứ đọng tại các buồng tim, dễ hình thành các cục máu đông; hoặc khi tim đập không đều tạo nên các dòng máu quẩn cũng dễ hình thành những cục máu đông. Những cục máu đông này có thể rời ra và di chuyển theo dòng máu đến các động mạch não, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch và gây ra đột quỵ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. “Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị biến chứng nguy hiểm là ngưng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim...”, BS. Hải nói thêm. 

Điều trị và dự phòng

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim. Tùy thuộc bệnh mà bác sĩ có thể dùng độc lập hay phối hợp nhiều phương pháp, theo nguyên tắc chung: loại bỏ các tác nhân gây loạn nhịp; điều trị tốt các bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, cường giáp...); sử dụng các thuốc chống loạn nhịp theo chỉ định. Áp dụng các nghiệm pháp làm giảm nhịp tim bằng cách gây cường phó giao cảm như ấn và xoa xoang động mạch cảnh, ấn nhãn cầu, nghiệm pháp Valsalva...

Trường hợp rối loạn nhịp tim nặng hoặc đáp ứng không tốt với điều trị nội khoa, các phương pháp khác có thể được áp dụng: đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim, đốt điện sinh lý, phẫu thuật… Khi điều trị nhịp tim chậm bác sĩ có thể cấy dưới cơ ngực một thiết bị, gọi là máy tạo nhịp. Thiết bị này sẽ tạo các xung điện, hỗ trợ kích thích và khôi phục tần số tim cần thiết. Điều trị nhịp tim nhanh bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp phế vị. Thao tác này nhằm ngăn chặn nhịp nhanh trên thất bằng việc tác động lên dây thần kinh phế vị và hệ thống thần kinh kiểm soát nhịp tim, đưa nhịp tim trở về bình thường. Ngoài ra, còn dùng phương pháp đốt điện, sốc chuyển nhịp… Sau khi dùng các phương pháp đó mà vẫn không hiệu quả, lựa chọn điều trị tiếp theo sẽ là phẫu thuật. 

“Khi phát hiện rối loạn nhịp tim, ngoài việc đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để điều trị, thì thay đổi một số thói quen trong lối sống cũng sẽ giúp cải thiện rối loạn nhịp tim như nên ăn thực phẩm tốt cho tim (ăn nhiều rau xanh, cá; hạn chế mỡ động vật và cholesterol...); tăng cường hoạt động thể chất; bỏ hút thuốc lá; hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà đặc...; giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Khi có chỉ định thì cần tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ”, BS. Hải lưu ý. 

Hoàng Khải - Hữu Đức

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.