Phạm Viết Hồng Lam: Hội hoạ là tồn tại

 16:37 | Thứ năm, 13/01/2022  0
Một sáng trời bảng lảng trong tiết tiểu hàn tháng Chạp, người viết quay trở lại ghé thăm ngôi nhà trên phố Thiền Quang của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam.

Vẫn là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, họa sĩ và vợ, nữ họa sĩ Tạ Phương Thảo, mỗi người ngồi trước một giá vẽ miệt mài với sáng tác riêng. Một không gian sáng tạo thinh lặng, vô nhiễm gần như hoàn toàn, giữa con phố yên tĩnh thưa người vãng lai.

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sinh năm 1946 tại Vinh. Tên gọi của ông, là sự chắp nối giữa hai danh thắng nổi tiếng xứ Nghệ: núi Hồng, sông Lam. Thực ra, chính quán của ông là ở Vụ Bản, Nam Định. Cha ông là người thầy vỡ lòng khai tâm của rất nhiều thế hệ họa sĩ Hà Nội sau này thành danh, Phạm Viết Song.  Kháng chiến chống Pháp, gia đình Phạm Viết Song từ Thanh dời vào Vinh, loanh quanh sơ tán ở vùng Nghệ Tĩnh nửa kháng chiến nửa tự do sinh ra người con trai đặt tên là Phạm Viết Hồng Lam. Cái duyên ngầm với hội họa của ông càng sâu sắc hơn khi sau này vợ ông, họa sĩ Tạ Phương Thảo, lại là con gái của họa sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình.

Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam sáng tác tác phẩm mới. Ảnh: Phạm Minh Quân

Ít ai biết, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam đã vượt qua nhiều thử thách ngặt nghèo của số phận. Năm 1969, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam bị bom vùi ở chiến trường Trường Sơn, tuy thoát chết nhưng để lại di chứng là đôi tai đánh mất thính lực. Đến năm 1987 thì ông phải trải qua một đại nạn nữa khi chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vòm họng. Những tưởng sẽ phó mặc cho sự đưa đẩy của định mệnh, ông lại lao vào vẽ, coi sáng tạo là cứu cánh, còn màu sắc là liều thuốc tĩnh tâm. Sau chiến thắng thần kỳ trước căn bệnh nan y, ông lại kinh qua cơn nhồi máu cơ tim cấp. Thế nhưng rồi, rời giường bệnh ông lại tiếp tục vẽ, vẽ trong yên lặng nhưng tác phẩm thì không im lặng.

Tháng 10 năm 1986, dù vẫn còn là một họa sĩ trẻ đang mới bước qua cánh cửa đại học để vào nghề, Phạm Viết Hồng Lam đã ra mắt triển lãm đầu tiên tại nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam 16 Ngô Quyền với chủ đề tranh phong cảnh và cuộc sống sinh hoạt ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Ấn tượng hơn cả là tranh được vẽ bằng chất liệu bột màu, thứ chất liệu sau này gắn bó thủy chung với ông, thay vì các chất liệu kinh điển được ưa chuộng như sơn dầu, sơn mài hoặc màu nước trên lụa. Như bản thân ông chia sẻ, lý do kinh tế như mọi người thường nghĩ (vào những năm 80 thế kỷ trước, sơn dầu là một xa xỉ phẩm khan hiếm, còn bột màu là một nguyên liệu rẻ tiền và có thể tự tạo lấy) chỉ là lý do nhỏ, còn lý do lớn là đến từ sự phát hiện và động viên của vợ ông.

Họa sĩ bộc bạch: “Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng dù là chất liệu nào để tạo tác phẩm, nó chỉ là phương tiện. Quan trọng và quyết định là phương cách họa sĩ, biểu hiện ngôn ngữ nghệ thuật hội họa như thế nào? Hình, nét và màu sắc là ngôn ngữ để họa sĩ biểu hiện thế giới hiện thực muôn hình bằng cái họ cảm thấy. Tùy vào khả năng và kinh nghiệm sống. Tôi chọn ngôn ngữ biểu hiện thế giới hiện thực bằng màu: cảm giác màu qua các cung bậc khác nhau của Lý và Tình, ở mọi trạng thái tinh tế hoặc ngẫu hứng khi thi triển ngọn bút. Tình cảm cuốn theo giấc mơ màu huyền diệu trong tâm thức.”

Phạm Viết Hồng Lam - 60x47 (86x78) - bột màu trên giấy - Phong cảnh. Nguồn: The Muse Artspace

Cho dù có cha là một họa sĩ – thầy giáo kỳ cựu, nhưng con đường hội họa của Phạm Viết Hồng Lam không bằng thẳng và suôn sẻ. Như bao thanh niên khác cùng thế hệ, ông xung phong nhập ngũ, theo chân đơn vị đóng quân tại những miền quê. Sau khi thương tật, được chuyển từ chiến trường ra, ông mới tiếp tục theo học trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Điều kiện học tập thời chiến không cho phép ông được học vẽ tượng, vẽ khối trong phòng vẽ, trái lại được bù đắp thời lượng bằng những chuyến đi nghiên cứu phác thảo tại thôn quê. Người họa sĩ trong một không gian mở ngoài trời phải tự quan sát, trực họa lại mọi thứ xuất phát từ ấn tượng sơ khởi về chúng. Do đó, mọi giác quan bắt buộc phải căng mở hoạt động, để nắm bắt lấy chi tiết, ánh sáng, màu sắc của không gian tự nhiên và từng chuyển động của sinh hoạt đời thường. Đây là lý do ông chọn nông thôn làm đề tài chính của mình.

Tranh vẽ nông thôn của Phạm Viết Hồng Lam tái hiện cảnh quan làng quê tự nhiên, bình dị, thô mộc và thuần Việt. Góc nhìn gần cận, hình tượng nho nhỏ, bố cục san sát nhau. Mọi chi tiết được phân định rõ ràng bởi nhiều sắc thái đặc trưng khác nhau, như vàng – màu của đống rơm đống rạ, xanh lá cây – màu của lũy tre làng, hàng giậu mùng tơi, nâu – màu của gạch và đất, xám – màu của tường quét vôi, tím – màu sắc của chiều tà... Kiến trúc và cấu trúc của một làng Bắc bộ cổ truyền điển hình, với mái ngói sân gạch, chuồng trại ao vườn, đường quê ngõ làng, quán nước cây đa, chùa đền miếu đình, gò mả mương nước được bảo lưu vẹn nguyên trong tranh của ông.

Phạm Viết Hồng Lam - 71x50 - bột màu trên giấy - Phong cảnh. Nguồn: The Muse Artspace

Bắt gặp đâu đó trong tranh của Phạm Viết Hồng Lam hiện lên những sinh hoạt đời thường dung dị, nhưng mang tính chất tập thể của con người làng xã bên không gian công cộng như bờ ruộng, cầu ao bến nước, đình làng. Từ hình ảnh lao động nhỏ nhặt như những người phụ nữ chuyện trò giặt giũ, cô bé cõng em, người nông dân lững thững dắt bò trở về, đứa trẻ chăn trâu trên cánh đồng, cho tới lễ nghi đời người như đám cưới quê, đều được mô tả sống động thông qua ngôn ngữ hội họa. Xem tranh của ông, là sống lại một ký ức về một làng quê Việt thuần hậu, đằm thắm mà ngây thơ, tinh khiết, chất chứa hoài niệm trữ tình như chưa hề qua đi, trường tồn vĩnh hằng như một hằng số bản sắc dân tộc, tinh hoa Á Đông.

Ngoài tranh bột màu trên giấy dó vẽ chủ đề nông thôn đã từ lâu trở thành thương hiệu, họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam còn nổi tiếng với tranh Tết. Cứ mỗi khi Tết đến, ông lại vẽ những bức tranh 12 con giáp với màu sắc biến ảo và hình tượng sinh động, để dành tặng bạn bè làm quà treo Tết. Không biết tự bao giờ, tranh Tết của Phạm Viết Hồng Lam đã trở thành một thứ đặc sản ngày Tết mang hơi thở dân gian. Qua từng năm, rất nhiều bạn bè tri âm của ông đã sở hữu bộ sưu tập tranh Tết đủ cả Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, như một vòng tuần hoàn của sự sống không ngừng tuôn chảy và bất diệt.

Ông dành tặng người viết một bức tranh Hổ, tượng trưng cho năm Nhâm Dần sắp tới. Mãnh hổ, với thần thái đầy uy linh, kiêu hùng của chúa tể sơn lâm, được thể hiện trên chất liệu giấy dó với hòa sắc ấn tượng đặc trưng của Phạm Viết Hồng Lam.

Tranh Hổ đón Tết Nhâm Dần 2022 của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam.

Chợt thấy ngồi cũng đã lâu, người viết cất lời chia tay người họa sĩ vẫn còn đang cần mẫn bên giá vẽ, chúc ông một năm mới mạnh khỏe và lao động sáng tác hiệu quả. Ông nói, hội họa là hơi thở. Quả vậy, còn thở là còn vẽ, còn vẽ là còn đang sống.

Với Phạm Viết Hồng Lam, hội họa là tồn tại.

Phạm Minh Quân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.