Ngày 12.8, Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định đưa món phở Nam Định vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian.
Nam Định được biết đến là quê hương của nghề phở với nhiều làng, nhiều dòng họ bán phở ở khắp các địa phương. Trong đó, có các làng tiêu biểu như Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc... Phở Nam Định cũng trở thành món ăn phổ biến không chỉ trong văn hóa ẩm thực Việt Nam mà còn được thế giới biết đến.
Việc phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh phở Nam Định vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài phở Nam Định, nghề chế biến mì Quảng (tỉnh Quảng Nam) cũng được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đại diện của Sở VH-TT-DL Quảng Nam, nghề chế biến mì Quảng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mì Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL về việc đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mì Quảng.
Nghề chế biến mì Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Món ăn bình dị và dân dã mì Quảng đã theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam và có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian. Món ăn này cũng có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách đến từ các vùng miền và hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam…
Minh An