Quá trình trùng tu bờ kè kinh thành Huế: Thấy gì từ những sai phạm?

 15:44 | Thứ sáu, 03/05/2019  0
Là một người đã có 18 năm công tác trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di sản văn hoá ở Huế, tôi đã từng tham gia phản biện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo những công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích cố đô Huế, nên tôi tin rằng đây không phải là những “tồn tại, hạn chế do sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình” như giải trình của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với báo chí.

Ngày 11.4.2019, bài viết Choáng váng với dự án tu bổ di tích kinh thành Huế  đăng báo Tuổi Trẻ, phản ánh việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) khi trùng tu bờ kè phía bắc của hệ thống hộ thành hào ở mặt nam Kinh Thành Huế đã “dùng xe cuốc phá bỏ bờ kè nguyên gốc, sau đó xây mới bờ kè bêtông cốt thép”. Trong khi đó phương án tu bổ ghi trong Hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích này, ghi rõ: “Bảo tồn nguyên trạng những đoạn kè còn tốt; hạ giải, tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng; gia cố, tu bổ những đoạn kè hư hỏng vừa và nhỏ”.

Trả lời báo chí vào thời điểm đó, cả chủ dự án (TTBTDTCĐ Huế) lẫn đơn vị thi công (Phân viện Khoa học - Công nghệ xây dựng miền Trung, Bộ Xây dựng) đều cho rằng toàn bộ đoạn kè vừa thi công đã bị hư hỏng nặng nề, nên phải “hạ giải hoàn toàn” để xây mới, vì không còn giải pháp kỹ thuật nào khác.

Sau khi báo chí và dư luận lên tiếng phản đối cách trùng tu sai lệch này, thì trong cuộc họp do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức vào chiều ngày 12.4.2019, đại diện của chủ dự án và đơn vị thiết kế kiêm thi công tiếp tục khẳng định rằng toàn bộ đoạn bờ kè vừa thi công đều bị hư hỏng nặng nên phải hạ giải hoàn toàn để xây mới. (Tuổi Trẻ online, ngày 12.4.2019)

Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu TTBTDTCĐ Huế tạm dừng thi công hạng mục tu bổ và tôn tạo hộ thành hào mặt nam kinh thành Huế. Lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế cũng thừa nhận với báo chí về những “tồn tại, hạn chế” trong việc tu bổ hệ thống kè hộ thành hào kinh thành Huế và sẽ tạm ngừng thi công để kiểm tra và khắc phục những “tồn tại, hạn chế” nói trên.

Là một người đã có 18 năm công tác trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di sản văn hoá ở Huế, tôi đã từng tham gia phản biện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo những công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích cố đô Huế, nên tôi tin rằng đây không phải là những “tồn tại, hạn chế do sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình” như giải trình của TTBTDTCĐ Huế với báo chí. Tôi cho rằng, đơn vị thi công đã chủ động chọn phương án trùng tu sai lệch nói trên và họ đã cố tình hiểu sai phương pháp “hạ giải hoàn toàn” trong công tác trùng tu di tích khi biện bạch trước công luận.

Từ dự án trùng tu tôn tạo hồ Tịnh Tâm

Khoảng năm 2002, tôi tham gia phản biện dự án trùng tu tôn tạo hồ Tịnh Tâm, cũng do TTBTDTCĐ Huế làm chủ dự án và Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung (Phân viện miền Trung), là đơn vị tư vấn thiết kế và thi công. Lúc đó, họ cũng chọn phương án “hạ giải hoàn toàn”, dùng đá hoa cương (granite) với vữa kết dính và đổ móng bờ kè bằng bêtông cốt thép, để thay thế cho bằng đá gan gà, với kỹ thuật xếp đá khan không dùng vữa, như bờ kè gốc từ thời Nguyễn.

Tôi đã cùng kỹ sư Nguyễn Duy Thành, cán bộ của Ban Quản lý dự án (thuộc TTBTDTCĐ Huế) lúc đó, bỏ nhiều công sức để tìm hiểu sử liệu và nghiên cứu trên thực địa về cách thức xây bờ kè cho hệ thống hồ ao, hào nước thời Nguyễn: từ việc chọn vật liệu, kỹ thuật xếp đá khan, đến công tác bảo trì do quan binh bộ Công thực hiện hàng năm.

Một đoạn bờ kè bên trái cửa Thể Nhân, bằng đá gan gà trước khi trùng tu. Ảnh: Minh T

Một đoạn bờ kè bên trái cửa Thể Nhân, bằng đá hoa cương bên trong và dán đá gan gà bên ngoài sau khi trùng tu. Ảnh: Minh Tự

Theo đó, đội ngũ thiết kế và thi công thời Nguyễn đã nhận thấy Huế là nơi có khí hậu cực đoan: nắng gắt kéo dài vào mùa khô và mưa dầm dề vào mùa mưa với lượng mưa cao nhất nhì Việt Nam. Từ đó họ lựa chọn một loại đá thích hợp để xây bờ kè các hồ ao, kênh hào ở kinh đô nhằm thích ứng với khí hậu và thời tiết ở Huế. Đó là đá gan gà, sử triều Nguyễn ghi là sơn thạch, có rất nhiều ở vùng đồi núi phía tây kinh đô Huế và khai thác dễ dàng.

Đây là loại đá rất háo nước: vào mùa khô, đá khô rang như ngói; khi mưa xuống đá ngậm nước và trở nên cứng hơn so với trước. Tính năng ngậm nước của đá gan gà đã làm giảm áp lực nước mưa tác động lên các bờ kè. Ngoài ra, vì e ngại nước mưa chảy mạnh có thể phá vỡ bờ kè, nên các kỹ sư thời Nguyễn đã chọn kỹ thuật xếp đá khan không dùng vữa kết dính, để nước mưa có thể luồn lách qua các kẻ hỡ giữa các viên đá, thẩm thấu qua bờ kè rồi chảy xuống các hồ ao, trước khi chảy ra hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải hay Ngự Hà, rồi theo các sông hồ này để thoát ra sông Hương. Nếu dùng đá hoa cương và kết dính bằng vữa thì tính năng ngậm nước và thẩm thấu nước mưa qua bờ kè sẽ không còn. Bờ kè sẽ dễ nứt vỡ, thậm chí đổ sụp nếu nước mưa chảy quá mạnh.

Chúng tôi cũng đọc trong sử liệu và biết rằng, dòng nước mưa có thể đẩy các viên đá nhỏ chèn giữa các viên đá lớn xếp khan, rơi xuống lòng ao hồ. Qua mùa khô, bộ Công sẽ sai thợ thuyền đi nhặt các viên đá nhỏ đó lên, nếu đá đã bị nước mưa đẩy trôi mất thì thay thế bằng những viên đá khác, rồi dùng búa gỗ đóng chèn vào vị trí cũ. Nhờ vậy mà hệ thống bờ kè này không bao giờ bị vỡ, hay sạt lún nghiêm trọng. Những đoạn bờ kè bị sụt vỡ hiện thấy là do bom đạn thời chiến tranh, và chỉ bị hư hại ở ngay chỗ đó mà thôi.

Ngoài ra, theo tính toán của kỹ sư Nguyễn Duy Thành, thì dùng đá gan gà bản địa, với kỹ thuật xếp đá khan không dùng vữa, thì giá thành trùng tu chỉ bằng 40% so với việc nhập đá hoa cương từ nơi khác về và dùng vữa, bêtông cốt thép để trùng tu bờ kè hồ Tịnh Tâm.

Tuy nhiên, đơn vị thiết kế và thi công là Phân viện miền Trung không muốn nghe ý kiến của chúng tôi. Họ tổ chức một buổi báo cáo phương án tu bổ, tôn tạo hồ Tịnh Tâm tại trụ sở của TTBTDTCĐ Huế, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó là ông Nguyễn Văn Mễ.

Nếu dùng đá hoa cương và kết dính bằng vữa thì tính năng ngậm nước và thẩm thấu nước mưa qua bờ kè sẽ không còn. Bờ kè sẽ dễ nứt vỡ, thậm chí đổ sụp nếu nước mưa chảy quá mạnh.

Sau khi nghe tôi trình bày phần phản biện dự án, ông Nguyễn Văn Mễ đã phát biểu, đại ý: Tôi đánh giá cao việc tìm tòi sử liệu và điều tra thực tế để phản biện của ông Sơn. Nhưng ngày xưa hệ thống di tích này chỉ phục vụ cho một ông vua; ông vua lại đi xe ngựa nên đá gan gà không vữa mới đủ sức chịu lực. Nay di tích Huế phục vụ cho 2 triệu du khách đến tham quan một năm; người ta lại dùng xe cơ giới để đi lại trong khu vực di tích nên việc trùng tu, tôn tạo bằng đá hoa cương trát vữa, với bêtông cốt thép là hợp lý. Tôi thấy 10 cửa vô Thành Nội hiện nay là quá nhỏ, lỡ có hỏa hoạn bên trong Kinh Thành Huế thì xe cứu hỏa không vào chữa cháy được. Vì thế đề nghị TTBTDTCĐ Huế xem xét để mở rộng 10 cửa vô Thành Nội cho hợp lý.

Khi nghe đến đây, thì tôi và ông chủ tịch tỉnh đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt. Tôi nói với ông ấy là đã ghi âm nội dung cuộc họp và sẽ trao băng ghi âm cho báo chí để họ công bố nhằm rộng đường dư luận. Cuộc họp kết thúc và dự án tu bổ hồ Tịnh Tâm đã bị treo từ đó cho đến nay, không rõ vì nguyên nhân gì.

Mười mấy năm sau, Phân viện miền Trung lại chọn phương án “đá hoa cương trát vữa kết hợp bêtông cốt thép” để tu bổ bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh Thành Huế. Táo tợn hơn, họ lại chọn phương án dùng xe cuốc để phá hủy bờ kè nguyên thủy, rồi xây bờ kè mới theo cái cách không thể tệ hại hơn. Và họ dùng chữ “hạ giải hoàn toàn” và “không còn cách nào khác” để biện minh cho phương pháp trùng tu theo kiểu hủy hoại di tích không thương tiếc này. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Phương pháp “hạ giải hoàn toàn” là gì?

Phương pháp này do người Nhật khởi xướng, không phải trong thời hiện đại, mà từ thời Trung thế.

Theo đó, cứ 20 năm, người Nhật lại tháo dỡ hoàn toàn đền Ise (ở tỉnh Mie) thờ Thái Dương thần nữ, rồi trùng tu toàn bộ ngôi đền. Tương tự, cứ 60 năm, họ lại tháo dỡ hoàn toàn đền Izumo (ở tỉnh Shimae) để trùng tu toàn bộ di tích này. Người Nhật gọi đó là fukugen (phục nguyên) di tích.

Trong các năm 1997 - 1998, tôi sang Nhật tu nghiệp trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, do Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng, và đã có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc và học hỏi phương pháp trùng tu này ở Nabunken (tỉnh Nara) và ở Matsue (tỉnh Shimane). Đúng là người Nhật đã hạ giải toàn bộ công trình kiến trúc để gia cố, xử lý phần móng công trình trước khi trùng tu phục nguyên. Tuy nhiên, người Nhật chỉ sử dụng sức người và các phương tiện thủ công để hạ giải di tích và chụp ảnh đầy đủ các chi tiết kiến trúc trước khi hạ giải.

“Hạ giải hoàn toàn” không có nghĩa là phá bỏ toàn bộ rồi xây mới như biện bạch của chủ đầu tư và đơn vị thi công trùng tu bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh Thành Huế.

Hạ giải chi tiết nào thì đánh số, ghi chép cẩn thận và bảo quản theo từng hạng mục chuyên biệt. Chỉ những chi tiết mục nát không còn sử dụng được, thì họ mới được loại bỏ và thay thế bằng các chi tiết mới, giống với chất liệu, họa tiết, màu sắc, văn tự như chi tiết bị loại bỏ.

Sau khi hạ giải hoàn toàn công trình kiến trúc cũ, người Nhật xử lý rốt ráo phần móng, chống mối mọt, gia cường chống nghiêng lún, rồi bắt đầu quy trình lắp đặt lại các chi tiết kiến trúc như cũ. Những chi tiết mới được đưa vào thay thế cho những chi tiết cũ đã bị loại bỏ luôn hoàn toàn phù hợp với màu sắc, đồ án trang trí, không gian và cảnh quan di tích.

Người Nhật cũng áp dụng kỹ thuật xếp đá khan không dùng vữa để làm bờ kè bao quanh thành cổ Nagoya (tỉnh Aichi). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Khi người Nhật tham gia trùng tu di tích Hữu Tùng Tự ở lăng vua Minh Mạng vào năm 1996, với kinh phí do Quỹ Toyota Foundation (Nhật Bản) tài trợ, thì họ cũng sử dụng phương pháp “hạ giải hoàn toàn” để phục nguyên di tích này. Chỉ huy trưởng công trình trùng tu Hữu Tùng Tự lúc đó là KTS.TS Shigeeda Yutaka, cùng các đồng sự của ông đã tuân thủ quy trình này rất nghiêm ngặt.

Họ tôn trọng và bảo quản cẩn thận từng chi tiết kiến trúc của di tích này. Những chi tiết bị hư hỏng, bị loại bỏ cũng được bảo quản và sau khi hoàn tất phục nguyên Hữu Tùng Tự thì họ đưa những chi tiết này ra trưng bày tại chỗ để cho du khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử và quy trình phục nguyên di tích này.

Như vậy, “hạ giải hoàn toàn” không có nghĩa là phá bỏ toàn bộ rồi xây mới như biện bạch của chủ đầu tư và đơn vị thi công trùng tu bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh Thành Huế.

Về việc thay thế vật liệu khi trùng tu

Mục 13, điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2001 của Việt Nam định nghĩa: “Phục hồi di tích là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích”. Mục 15, điều 4, Luật Di sản văn hóa năm 2009 của Việt Nam định nghĩa: “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Theo đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích phải đảm bảo các yếu tố gốc cấu thành di tích. Yếu tố gốc này dựa trên các cứ liệu khoa học về di tích, đảm bảo các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Nhà bảo tồn phải đảm bảo được yếu tố gốc đó khi trùng tu di tích, chứ không phải trùng tu theo ý muốn chủ quan của mình.

Điều 13 của Văn kiện Nara về tính xác thực của di sản văn hóa (1994) giải thích về tính nguyên gốc của di sản văn hóa là: “Tùy theo bản chất của di sản văn hóa, bối cảnh văn hóa và sự vận động của nó qua thời gian mà những sự kiểm định tính nguyên gốc có thể được gắn với lượng giá trị của một sự đa dạng lớn các nguồn thông tin. Các nguồn thông tin này có thể bao gồm các mặt như kiểu dáng và thiết kế, vật liệu và chất liệu, chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, địa điểm và cảnh quan, tinh thần và tình cảm, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác.

Hiện trạng kè đoạn bên trái cửa Thể Nhân trước khi trùng tù. Ảnh: Minh Tự

Bờ kè mới xây do Phân viện Khoa học - công nghệ xây dựng miền Trung. Ảnh: Minh Tự

Theo đó, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, nhà bảo tồn có thể tìm kiếm vật liệu thay thế cho vật liệu gốc, nhưng vật liệu thay thế phải có chức năng và tác dụng tương đương với vật liệu gốc, và phải được áp dụng kỹ thuật trùng tu phù hợp với truyền thống, địa điểm, cảnh quan của khu di tích, đồng thời đáp ứng được tinh thần và tình cảm mà người dân bản địa đối với khu di tích.

Xét theo các tiêu chí nói trên, thì việc dùng đá hoa cương thay thế cho đá gan gà vừa làm hỏng tính nguyên gốc của di sản văn hóa, vừa không đáp ứng được tinh thần và tình cảm mà người dân bản địa đối với khu di tích, đặc biệt, vừa đội cao giá thành trùng tu di tích một cách không cần thiết.

Với những điều phân tích trên đây, thì rõ ràng chủ đầu tư và đơn vị thi công dự án tu bổ bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh Thành Huế đã cố tình làm sai, chứ không phải chỉ là “những tồn tại, hạn chế do sự phối hợp giữa các bộ phận liên quan trong quá trình triển khai thi công còn thiếu chặt chẽ, thiếu trách nhiệm khi xác định mức độ hư hỏng và giá trị hiện trạng công trình” như họ đã thừa nhận trước công luận.

TS. Trần Đức Anh Sơn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.