LTS. Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Economic Cooperation), gọi tắt là APEC được thành lập năm 1989 với mục đích tăng cường mối quan hệ, hợp tác về kinh tế, chính trị giữa các quốc gia thuộc Vành đai Châu Á - Thái Bình Dương. Từ 12 nước sáng lập (trong đó có Úc, Canada, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand, Singapore, Thái Lan...), đến nay APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên. Nga, Việt Nam, Peru là ba nền kinh tế tham gia APEC gần đây nhất vào năm 1998. APEC họp thường niên với tên gọi “Hội nghị Thượng đỉnh” (APEC SUMMIT) theo phương thức lần lượt tổ chức tại mỗi quốc gia thành viên. Trong năm APEC, rất nhiều hội nghị của các cơ quan thuộc APEC được tổ chức trước khi diễn ra APEC SUMMIT. Hội nghị Thượng đỉnh APEC là một hoạt động ngoại giao quan trọng, là dịp để quảng bá hình ảnh nhiều mặt của quốc gia thành viên đăng cai. Địa điểm tổ chức APEC SUMMIT được công bố trước hai năm để các quốc gia đăng cai chuẩn bị. Năm 2006 Việt Nam là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 14 tại Hà Nội và năm nay Việt Nam một lần nữa tổ chức sự kiện quan trọng này tại Đà Nẵng. Nhân sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam năm nay sắp diễn ra tại Đà Nẵng (6-11.11), Người Đô Thị mở chuyên mục APEC VIỆT NAM 2017 nhằm giới thiệu với bạn đọc một số nghi thức tổ chức tiếp đón cấp quốc gia, trong đó có quốc yến và quà tặng quốc gia liên quan đến đẳng cấp sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Khi có quốc khách (nguyên thủ quốc gia, các nhân vật chính trị, văn hóa tầm cỡ thế giới) đến thăm, người lãnh đạo đồng cấp của nước chủ nhà thường tổ chức một bữa tiệc chính thức để chiêu đãi. Những bữa tiệc này có tên gọi khác nhau tùy thuộc vào cấp bậc của khách đến thăm, tầm quan trọng của chuyến thăm và hiệu ứng chính trị, ngoại giao, kinh tế mà hai bên chủ và khách muốn tạo ra cho chuyến thăm.
Bàn tiệc đội Khu du lịch Bình Quới 1 đoạt Cúp đầu bếp và giải thưởng 1 tỉ đồng cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016. Ảnh Trung Dũng
Tiệc ở cấp bậc cao nhất, thể hiện sự trọng thị lớn nhất đối với quốc khách, ở Việt Nam cũng như một số nước là “quốc yến” (tiệc chiêu đãi cấp quốc gia). Trong một quốc yến, ngoài những bài diễn văn và ngôn ngữ hình thể của người đứng đầu hai bên (thường được giới báo chí săm soi và dư luận của cả hai bên quan tâm), hình thức cũng được hai bên chú trọng đến từng chi tiết như: danh sách khách mời, trang phục của chủ nhà và quan khách (do nước chủ nhà quy định), cách bày biện trang trí phòng tiệc và bàn tiệc, chỗ ngồi của từng thực khách, thực đơn và cách phục vụ trong suốt thời gian diễn ra, mục đích là tuyệt đối không để bất kỳ chi tiết nào trong các khâu trên đi ngược lại mục đích mà nước chủ nhà đặt ra cho bữa tiệc, trong đó hàng đầu là sự hài lòng, thậm chí là sự “tâm phục khẩu phục” của các vị khách từ xa đến.
Mức độ phức tạp và quy mô của một quốc yến tùy thuộc vào chức danh và số lượng của khách. Quốc yến dành cho một nguyên thủ quốc gia sẽ ít phức tạp hơn quốc yến dành cho cùng lúc nhiều nguyên thủ quốc gia. Bởi thế các hội nghị thượng đỉnh thế giới, trong đó có APEC luôn là một thách thức với các nhà tổ chức và là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Lý do thật đơn giản: nhà tổ chức phải tốn nhiều công sức chọn lọc và kết hợp các yếu tố văn hóa ẩm thực khác nhau trên nền ẩm thực chung sao cho có cả nét độc đáo riêng biệt và sự hài hòa.
Phòng tổ chức quốc yến và việc bố trí chỗ ngồi trong quốc yến
Phòng quốc yến của mỗi quốc gia khác nhau về diện tích, về cách trang trí tường, thảm trải. Cách bố trí bàn tiệc tùy thuộc vào số lượng khách mời. Nguyên tắc bất di bất dịch là vị đứng đầu quốc gia chủ nhà bao giờ cũng được bố trí ngồi cùng bàn với vị quốc khách cao cấp nhất trong buổi quốc yến. Bàn tròn và bàn dài chữ nhật là hai loại bàn phổ biến nhất. Ghế ngồi của phòng quốc yến thường được thiết kế riêng và ghế của bàn chủ tiệc cũng đặc biệt hơn ghế ở các bàn khác trong buổi tiệc.
Các buổi quốc yến trong cung điện Buckingham (London, Anh), luôn được xem là xa xỉ nhất thế giới, được tổ chức ở tầng hai, góc tây nam của cung điện, được xây dựng từ năm 1903. Phòng yến hội rộng hơn 600m2, trần cao 14m, là phòng rộng nhất cung điện, được sơn son thếp vàng, tường treo các tranh sơn dầu lớn cỡ vài chục mét.
Những món ăn ngon, đẹp mắt đoạt giải cao nhất cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016: Cá hồi cuộn rau rừng xốt tương mè rang đậu phộng - chả tôm tiêu rừng chấm nước mắm thơm nướng dầm - chả nấm; Vịt nướng xốt lá chùm ngây kèm salad cà pháo - Bánh khoai lang tím lá mắc mật - Chả bắp vịt lá sọ chó; Bún nấm hải sản Vàm Nao lá chúc; Bánh nếp nương trái cây thạch mứt nha đam phúc bồn tử. Ảnh: Trung Dũng |
Ở Nhà Trắng (Washington DC, Mỹ), sau rất nhiều năm (từ năm 1902) sử dụng bàn tiệc dài trong quốc yến, đến thời Tổng thống Kennedy đã được chuyển sang bàn tròn. Cách sắp xếp này làm cho phòng quốc yến ở cánh đông Nhà Trắng có thể chứa được 120 – 130 khách. Điều quan trọng là nó cho phép người chủ bữa tiệc có thể phá vỡ những quy tắc ngoại giao gò bó xuất phát từ cách bố trí ngồi trước đó.
Theo nghi thức quy định, trước khi vào phòng quốc yến, người đứng đầu nhà nước đang ở thăm Mỹ cùng phu nhân/phu quân phải đi qua North Portico – cửa vào chính của Nhà Trắng (được làm năm 1830). Tại đó họ được Tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân đón chào và đưa vào phòng quốc yến. Ngoài những quốc yến tổ chức buổi tối ở phòng tiệc lớn cánh đông Nhà Trắng, thỉnh thoảng Tổng thống Mỹ cũng tổ chức quốc yến ở ngoài trời. Năm 2009, để chứng tỏ Mỹ coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ, Tổng thống Obama từng tổ chức quốc yến chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong một căn lều cực lớn màu trắng trên bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng nhìn ra đài tưởng niệm G.Washington. Bàn tiệc được sắp xếp tuyệt đẹp với điểm nhấn là hai màu xanh và tím, lấy ý tưởng từ món cà ri tôm màu xanh và những bông hoa màu tím giúp liên tưởng đến loài chim công truyền thống của Ấn Độ.
Bàn tiệc và thực đơn quốc yến
Tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai quốc gia và những thông điệp ngầm về văn hóa cũng được phản ánh trong nghệ thuật sắp đặt quốc yến, và trong danh sách khách mời, đến cách bài trí phòng tiệc – bàn tiệc, cách thiết kế thực đơn. Đơn cử, trong khách mời dự quốc yến chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 25.9.2015, ngoài các quan chức chính phủ hàng đầu, những người “khổng lồ” trong ngành công nghệ Mỹ cũng có mặt tại quốc yến. Trong số đó có Mark Zuckerberg - người đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm đối với Facebook; hay Tim Cook, Tổng giám đốc điều hành Apple – tập đoàn có số lượng điện thoại bán ra tại Trung Quốc nhiều nhất trong các thị trường của hãng này trên thế giới.
Trong buổi quốc yến chào mừng ông Tập tại Nhà Trắng, các bàn ăn tràn ngập hoa tươi được sắp xen kẽ điệu nghệ với 7 loại dụng cụ ăn và 4 loại ly rượu. Đầu bếp Annisa Lo – được săn đón nhất ở Mỹ và là chủ nhà hàng Annisa ở NewYork đã được Nhà Trắng mời làm đầu bếp danh dự đến phục vụ quốc yến này. Thực đơn gồm có súp nấm, khai vị tôm hùm Maine và mì sợi cuộn truyền thống nhúng với rau chân vịt, nấm đông cô và tỏi tây, món chính thịt cừu Colorado. Đồ uống có rượu nếp Thiệu Hưng của Trung Quốc, rượu vang trắng Viognier 2014 và vang đỏ Merlot 2012. Tráng miệng 5 loại với chocolate, bánh nhân táo… và bánh trung thu nhân bí ngô đặc trưng của Trung Quốc.
Ở cung điện Buckingham, một quốc yến thường được chuẩn bị trước ít nhất 10 ngày, với khoảng 20 đầu bếp, hoa tươi trang trí được hái từ vườn ngự uyển của cung điện. Mỗi khách sẽ có 5 ly kích cỡ khác nhau dùng cho các loại rượu như vang trắng khai vị, vang đỏ, sâm panh hay nước tinh khiết. Trung bình một bữa quốc yến phải dùng tới 1.000 ly rượu. Việc ra hiệu trong phục vụ món ăn được thể hiện qua hệ thống đèn xanh và đèn đỏ. Khi đèn xanh bật, các món ăn sẽ được đưa lên cùng lúc. Cứ 4 người bồi bàn chịu trách nhiệm phục vụ 9 khách. Trong đó, hai người dọn bát dĩa, một người dọn món, một chuyên múc nước xốt cho món chính kiêm việc rót rượu. Tất cả đều phục vụ trong im lặng sao cho thực khách không thể cảm nhận được động tĩnh phía sau lưng mình.
Khi Trung Quốc đăng cai tổ chức APEC 2014, bữa quốc yến quan trọng nhất và duy nhất tổ chức tại một khách sạn 5 sao đã được chuẩn bị trước đó 6 tháng. Nhiệm vụ của đội ngũ đầu bếp là giới thiệu với các quốc khách tinh hoa ẩm thực của vùng phía nam sông Dương Tử. Thực đơn lấy chủ đề là “Con đường tơ lụa” gồm: dạ dày cá hầm với nấm; tôm sông tẩm ướp hai lần, thịt bò om, sò điệp xào, cá bơn nấu nước tương, mướp nấu đậu… Đi kèm với các món ăn chính là 6 loại rượu khai vị, trái cây và các món tráng miệng Âu và Á.
Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2016 - đầu bếp Lê Võ Anh Duy trang trí món ăn. Ảnh Trung Dũng
Chín đầu bếp phải chuẩn bị 10 món ăn cho 330 thực khách chưa phải là điểm đáng chú ý của quốc yến Trung Quốc APEC 2014. Sự cầu kỳ nằm ở phương pháp chế biến thức ăn. Đầu tiên là chọn nguyên liệu thượng hạng, rau phải thật sạch và thật tươi. Món mướp xào nghe có vẻ bình dân nhưng để nấu ra các khoanh mướp vừa chín tới trông còn màu xanh mướt thay vì xám đen xấu xí, các đầu bếp đã phải ngâm mướp vào nước muối trong vòng 10 phút, sau đó rửa kỹ trước khi xào.
Quốc yến diễn ra chỉ đúng 1 giờ 15 phút, vì vậy đầu bếp không được nấu chậm phút nào. Mỗi một món ăn phải được dọn ra ngay sau khi thực khách thưởng thức một tiết mục ca nhạc, phải tính toán chính xác từng giây để việc dọn món không làm ảnh hưởng tinh thần thưởng lãm nghệ thuật của khách và bảo đảm nóng sốt.
Thanh Nguyễn (với sự cộng tác của ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM)