Tiềm năng bị kìm hãm
Theo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch và phát triển đô thị, Hà Nội đất ven sông là những vùng đất đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi vị trí địa lý - thường nằm giáp khu vực trung tâm, dễ kết nối giao thông - mà còn có ý nghĩa về mặt sinh thái, văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn đất ven sông hiện nay lại đang bị sử dụng lãng phí. Nhiều khu vực bị biến thành bãi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, nơi đổ trộm phế thải; có nơi bị lấn chiếm làm nhà xưởng, bãi xe hoặc hoạt động không đúng mục đích.
Ghi nhận dọc theo tuyến sông Hồng, dòng sông huyết mạch chảy qua trái tim Thủ đô hàng nghìn héc-ta đất ven sông ở các quận, huyện cũ như Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Trì… vẫn trong tình trạng “đất vàng phủ bụi”. Việc chưa có cơ chế khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông khiến tiềm năng phát triển không gian sống xanh, đô thị sinh thái bị kìm hãm. Thực trạng trên không chỉ gây lãng phí lớn về tài nguyên, mà còn tạo ra những điểm nóng về môi trường, an toàn đê điều và mất mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, do chưa có một quy hoạch tổng thể, đồng bộ cho toàn bộ dải đất ven sông Hồng và các tuyến sông khác. Các địa phương thường xây dựng quy hoạch cục bộ, thiếu sự kết nối và tầm nhìn dài hạn. Trong khi đó, nhiều dự án thí điểm, như Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1 - R6), dù đã được phê duyệt từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi, do thiếu các quy định pháp lý đi kèm.
|
Đất ven sông không chỉ là tài nguyên tự nhiên quý giá mà còn là cơ hội để Hà Nội chuyển mình thành đô thị sinh thái hiện đại, đáng sống. |
Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nếu được quy hoạch hợp lý, những khu vực này hoàn toàn có thể trở thành các vùng phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, góp phần tạo công ăn việc làm, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời đóng vai trò “lá phổi xanh” cho thành phố.
Nhằm hiện thực hóa tiềm năng này, trong tháng 6.2025, Hà Nội đã xây dựng hai dự thảo Nghị quyết quan trọng trình Hội đồng nhân dân Thành phố. Các dự thảo tập trung vào việc: Quy định rõ phạm vi, mục đích sử dụng đất bãi sông; Hạn chế hoạt động xây dựng kiên cố; Chỉ cho phép công trình tạm bằng vật liệu thân thiện, dễ tháo dỡ, không làm thay đổi địa hình, dòng chảy hay ảnh hưởng đến thoát lũ.
Đặc biệt, thời hạn sử dụng các công trình này được giới hạn không quá 5 năm (có thể gia hạn), và chỉ bố trí tại những khu vực không ngập lụt thường xuyên, không nằm trong hành lang bảo vệ đê và cao hơn mực nước lũ báo động I.
Cần chiến lược tổng thể
Tại nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Singapore… đất ven sông đã trở thành khu vực phát triển năng động, mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống và nâng tầm hình ảnh thành phố.
Từ góc độ quy hoạch và phát triển bền vững, đất ven sông được xem là “vàng thô” của đô thị hiện đại. Không gian ven sông nếu được quy hoạch đúng hướng có thể trở thành trục phát triển xanh nơi tổ chức không gian cảnh quan, công viên, lối đi bộ, đường ven sông, bến thuyền du lịch… Đồng thời là khu vực có thể phát triển các công trình công cộng, văn hóa, thể thao, dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị và thu hút đầu tư.
Điển hình như dự án cải tạo sông Cheonggyecheon ở Seoul đã biến một dòng sông từng bị “lấp đi” thành không gian xanh biểu tượng của đô thị bền vững. Hay tại Singapore, đất ven sông Marina Bay trở thành trung tâm tài chính, du lịch sôi động bậc nhất Đông Nam Á. Thủ đô Hà Nội, với tiềm năng đất ven sông còn rất lớn, hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng những mô hình thành công đó.
Đơn cử như tại không gian ven sông Hồng, với chiều dài chảy qua Hà Nội lên tới hơn 120km nếu được quy hoạch đúng hướng, sẽ là “bàn đạp” cho sự phát triển đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, văn hóa truyền thống.
Để khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông, một nguồn lực quý báu nhưng đang bị “ngủ quên”, nhiều ý kiến cho rằng thành phố Hà Nội cần có một chiến lược tổng thể, đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo tồn môi trường và bảo đảm an toàn đê điều. Trước hết, cần tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến không gian ven sông, trong đó Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống… phải được cụ thể hóa thành các đồ án khả thi, có phân kỳ đầu tư rõ ràng, ưu tiên phát triển không gian công cộng, công viên ven sông, kết nối giao thông thủy bộ, tổ chức lối đi bộ, điểm tham quan, dịch vụ công cộng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, khai thác quỹ đất ven sông theo hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú trọng đến kiểm soát quy hoạch, tránh tình trạng biến đất ven sông thành khu thương mại tư nhân hóa, thiếu công bằng trong tiếp cận không gian công cộng. Đồng thời, cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường, không gian ven sông cần được quy hoạch như “lá phổi xanh” của Thành phố, nơi cư dân có thể tiếp cận thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí.
|
Từ góc độ quy hoạch và phát triển bền vững, đất ven sông được xem là “vàng thô” của đô thị hiện đại. |
Cuối cùng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, giữa các ngành Xây dựng - Nông nghiệp và tài nguyên, Quy hoạch Kiến trúc thậm chí là ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch… trong công tác quy hoạch và triển khai. Đồng thời, người dân sống ven sông cũng cần được tham gia vào quá trình lập quy hoạch, góp ý và giám sát thực hiện, nhằm đảm bảo sự đồng thuận xã hội và tính bền vững lâu dài.
Đất ven sông không chỉ là tài nguyên tự nhiên quý giá, mà còn là cơ hội để Hà Nội chuyển mình thành đô thị sinh thái hiện đại, đáng sống. Việc “đánh thức” vùng đất này không chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng hay xây dựng hạ tầng, mà còn là quá trình tạo dựng tầm nhìn đô thị, nơi con người, thiên nhiên và văn hóa cùng phát triển hài hòa. Một Hà Nội bên sông “xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn” đang chờ được hiện thực hóa, nếu có quyết tâm chính trị, cơ chế linh hoạt và tầm nhìn dài hạn.
Trong lịch sử phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội, các dòng sông như: sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch… không chỉ đóng vai trò là nguồn nước, là mạch sống gắn bó mật thiết với người dân, mà còn hình thành nên những vùng đất ven sông trù phú, giàu tiềm năng. Đã đến lúc cần nhận diện rõ tiềm năng to lớn của quỹ đất này và có giải pháp tổng thể để đánh thức, khai thác hiệu quả, phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Anh Tuấn