Rác, ngân sách và những dấu hỏi

 16:50 | Thứ tư, 30/07/2014  0

Bãi chôn lấp số 3 được đầu tư theo công nghệ Hàn Quốc do công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (Citenco) làm chủ đầu tư, công ty TNHH Kbec Vina thi công và vận hành. Bãi chôn lấp số 3 có quy mô 15ha, công suất tiếp nhận 2.500 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư bãi số 3 gần 1.000 tỉ đồng. Bãi số 3 bắt đầu tiếp nhận rác từ tháng 10.2013, công suất tiếp nhận thực tế khoảng 2.500 tấn/ngày.

Theo dự kiến, bãi chôn lấp sẽ đóng cửa vào năm 2022. Như vậy, nếu đóng cửa bãi số 3 mới hoạt động được 8,3% khối lượng đầu tư theo dự kiến, sẽ gây lãng phí rất lớn. Citenco là doanh nghiệp của nhà nước, việc đầu tư thua lỗ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngân sách.

Hiện tại giá xử lý rác của bãi Phước Hiệp là 14 USD/tấn, trong khi giá xử lý của bãi rác Đa Phước là 21 USD/tấn (chênh lệch 7 USD/tấn). Như vậy, nếu 2.500 tấn rác mỗi ngày của bãi chôn lấp số 3 được đưa về bãi rác Đa Phước, ước tính mỗi tháng thành phố sẽ bù thêm từ 11 - 12 tỉ đồng (hơn 50 ngàn USD). Có lẽ không cần nói cũng hiểu số tiền vượt thêm này ngân sách - tiền thuế của dân - sẽ phải gánh. Xa hơn, theo thoả thuận, cứ hai năm thì hai đơn vị này được tăng 3% đơn giá xử lý. Đến khoảng năm 2022 thì giá xử lý của Đa Phước vào khoảng 24 - 25 USD/tấn và Phước Hiệp khoảng 15 - 16 USD/tấn. Khi đó, ngân sách phải bù thêm từ 17 - 18 tỉ đồng/tháng cho khoảng phí xử lý chênh lệch giữa hai bên.

Về lý do không hợp vệ sinh, theo thông tin từ Citenco, tại bãi số 3 rác được chôn lấp trong các ô có lớp lót, an toàn với môi trường dưới đất và bên ngoài. Bãi chôn lấp còn có hệ thống thu gom và vận chuyển nước rỉ rác về các giếng, dẫn về trạm xử lý nước, đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, bãi rác còn có hệ thống thu gom và xử lý khí sinh học giúp kiểm soát khí phát tán ra môi trường trong quá trình xử lý rác.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đô thị, công nghệ xử lý rác của Đa Phước hiện tại cũng không hơn gì, chưa kể do bãi rác nằm cạnh rạch Chiếu - đổ ra sông Cần Giuộc, do vậy, nếu tập trung quá nhiều rác về bãi này, khi xảy ra sự cố sẽ là “thảm hoạ” cho hệ thống kênh rạch TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Xâu chuỗi lại một số sự kiện ô nhiễm môi trường “đình đám” tại TP.HCM, sẽ khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: sự quyết liệt đóng cửa điểm ô nhiễm Phước Hiệp của UBND TP.HCM lần này liệu có “ưu ái” cho Đa Phước quá mức? Chưa kể, việc tập trung phần lớn rác về Đa Phước có thể gây ra tình trạng độc quyền trong xử lý, bất lợi cho TPHCM về sau.

Đáng nói hơn, việc đóng cửa bãi chôn lấp không chỉ đơn thuần là ngưng hoạt động vì bãi rác này vẫn duy trì chức năng dự phòng, tức là sẽ được sử dụng trong trường hợp một trong số các bãi rác của thành phố gặp sự cố không thể tiếp nhận rác. Vì thế, tuy không còn tiếp nhận rác, nhưng bãi chôn lấp này vẫn phải duy tu, bảo dưỡng.

Theo Citenco, bãi chôn lấp số 3 cần phải được hoàn thiện, có nghĩa là phải tiếp tục chi khoảng 20 tỉ đồng/năm để bảo dưỡng, duy tu. Vậy nay, bãi chôn lấp mới đi chưa được 1/10 chặng đường, đã bị “tuyên án” ô nhiễm, ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc phê duyệt một dự án như thế được hoạt động?

Cuối cùng, để hoạt động bãi chôn lấp, Citenco đã tuyển thêm 300 nhân công, bãi chôn lấp ngưng hoạt động thì công việc, cuộc sống của 300 công nhân này và gia đình họ sẽ ra sao?

Mai Chi (Hóc Môn, TP.HCM) 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.