Rượu thuốc: Ngâm sao mới đúng?

 22:55 | Thứ năm, 03/10/2024  0
Từ thời cổ đại người dân đã phát hiện và từng bước phát triển phương pháp điều trị bệnh bằng rượu thuốc trên cơ sở uống rượu có tác dụng chữa bệnh.

Theo Y học cổ truyền, rượu là chất dẫn thuốc, nếu trong thuật ngữ “quân-thần-tá-sứ” thì rượu được gọi là sứ. Sứ có tác dụng đưa thuốc đến nơi có bệnh để tập trung tác dụng trị liệu và điều hòa các vị thuốc trong một phương thuốc. Rượu giống như một “sứ giả” trong điều trị bệnh. Nếu dùng rượu thuốc điều độ và hợp lý, rượu dẫn thuốc làm cho tạng phủ, tinh, khí, thần tốt lên. Dùng thuốc là chính, rượu dẫn để quy nạp về tạng phủ.

Sử dụng rượu thuốc cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn. Ảnh: CTV


Trong sách Trung dược phương tễ học, rượu thuốc còn gọi là tửu tễ (thang thuốc ngâm rượu) là dùng rễ, thân cây, lá, hoa, quả thực vật và toàn thân hoặc nội tạng động vật và cả một số thành phần khoáng vật theo những tỷ lệ nhất định, dùng rượu cồn, rượu trắng, rượu vàng hoặc rượu nho với nồng độ thấp, ngâm thuốc vào đó, làm cho các thành phần có hiệu quả của thuốc hòa tan trong rượu, sau một thời gian nhất định, loại bỏ cặn bã sẽ thành rượu thuốc, cũng có một số rượu thuốc thông qua phương pháp gây men rồi thành.

Rượu thuốc được định nghĩa là dạng thuốc lỏng được điều chế bằng cách hoà tan, chiết xuất dược liệu thực vật và động vật đã chế biến theo yêu cầu, với rượu hoặc ethanol có nồng độ thích hợp, có thể thêm các chất làm thơm, làm ngọt, dùng để uống hoặc đôi khi dùng ngoài. Khác với cồn thuốc, rượu thuốc thường có nồng độ cồn thấp hơn.

Công thức rượu thuốc theo các bài thuốc cổ truyền hoặc theo đơn nên thành phần có nhiều dược liệu khác nhau.

Dược liệu thảo mộc: Thường dùng các dược liệu đã đạt tiêu chuẩn và ít dùng dược liệu độc. Thường là lá, vỏ rễ cây, củ… (ba kích, hà thủ ô, sâm các loại, quế, đương quy, dâm dương hoắc,…)

Dược liệu động vật: rắn, rết, tắc kè, hải mã, hải long, bào ngư, bìm bịp,… có thể là cao động vật (cao hổ cốt), cũng đạt được tiêu chuẩn theo dược điển.

Dung môi: Rượu ethylic, độ cồn dùng từ 30 - 90 độ tùy theo dược liệu. Trong thực tế thường dùng rượu ngũ cốc (tốt nhất là rượu tăm), độ rượu từ 40 - 50 độ. Với nguyên liệu là động vật thường dùng rượu có độ cồn cao hơn.

Chất điều vị: Dùng đường hoặc xiro để rượu có vị ngọt dễ uống, thêm bổ dưỡng, tăng độ nhớt, bảo quản tốt hơn, hạn chế tủa của tạp chất và giảm kích ứng của cồn.

Chất điều hương: Thường dùng tinh dầu (quế, cam), có thể cho thêm trần bì để lấy hương thơm trong rượu, cũng có thể dùng hóa chất (vanilin).

- Chất màu: Dùng đường cháy (caramen) để tạo màu cho rượu. Màu cánh gián được cho là đẹp mắt.

Cách dùng: Dùng để uống (rượu bổ, rượu rắn, rượu tắc kè,…) hoặc đôi khi dùng ngoài (cồn xoa bóp, rượu rết,…). Liều lượng và cách sử dụng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng sức khỏe cụ thể của người sử dụng, theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.

Công Dụng: Vì rượu có tác dụng thông mạch máu, phát huy hiệu quả của thuốc, ấm đại tràng và dạ dày, chế ngự phong hàn, cho nên phối hợp rượu và thuốc có thể tăng cường hiệu lực của thuốc, có thể phòng và chữa bệnh, lại có thể dưỡng sinh, làm đẹp dung nhan, kéo dài tuổi thọ, vì vậy đã được các nhà y học ở nhiều thời đại rất coi trọng, trở thành một phương pháp chữa bệnh quan trọng trong y học cổ truyền, nhiều cách ngâm ủ rượu thuốc tốt, có giá trị lại hiệu quả, vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay, hiện nay nhiều nhà y học vẫn sử dụng để chữa bệnh.

Lưu ý rằng việc sử dụng rượu thuốc nên có sự hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn và tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể hoặc có đang dùng thuốc khác.

BS-CK2. Huỳnh Tấn Vũ 

(Giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - Cơ sở 3)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.