Hệ thống cảnh báo kẹt xe thông minh
Theo số liệu thống kê của đài Tiếng nói Việt Nam, cả nước hiện có 37 triệu xe máy và thời gian ùn tắc giao thông trung bình tại Hà Nội và TP.HCM là 45 phút/ngày, tương đương 180 giờ lao động/năm. Thiệt hại từ điều này ước tính lên tới 18.835 tỷ đồng mỗi năm và đưa cả hai thành phố trên vào danh sách 10 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất châu Á.
Còn ở góc độ cá nhân, kẹt xe nảy sinh nhiều hệ luỵ trong cảm xúc mỗi người. Có cách nào để cảnh báo sớm và tránh những bực tức đó? Từ những giải pháp riêng được sinh viên trình bày trong các luận văn tốt nghiệp của mình, TS Phạm Trần Vũ, phó trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính (đại học Bách khoa TP.HCM) tự hỏi: “Tại sao không xâu chuỗi những giải pháp rời rạc đó lại để phát triển thành một hệ thống cảnh báo hoàn chỉnh?”.
TS Vũ tóm tắt thành tựu của gần hai năm nghiên cứu bằng cách giới thiệu các tính năng của hệ thống giao thông thông minh tại trang web: http://traffic.hcmut.edu.vn/webapp. Ở đó, giao diện chính là bản đồ TP.HCM với các thông số hướng đi, tốc độ được biểu thị bằng màu sắc như màu đỏ chỉ tốc độ chậm, cảnh báo tình trạng kẹt xe, trong khi màu xanh biểu thị đường thông thoáng.
“Với giao diện trang web, người dùng có thể kiểm tra đường đi, hướng đi và địa điểm cần đến bằng cách rê chuột vào vị trí đó, phóng to và sẽ nhận được thông số. Ngoài thông tin cảnh báo kẹt xe, Smart BK Traffic còn cung cấp những tính năng điều hướng, tìm kiếm địa chỉ, ngoài ra nhóm nghiên cứu đang hoàn chỉnh tính năng cảnh báo sự cố như mất tín hiệu đèn, tai nạn giao thông, công trình đang thi công, ngập nước...”. Tùy theo tuyến đường mà hệ thống đưa ra giải pháp giúp người đi đường rẽ trái hoặc rẽ phải để tránh kẹt xe. Ngoài trang web, TS Vũ còn phát triển phiên bản chạy trên điện thoại, máy tính bảng.
Điểm thú vị của Smart BK Traffic là biến xe buýt thành “hoa tiêu”, có vai trò cung cấp dữ liệu mẫu, gửi về trạm kiểm soát. TS Vũ cho biết: “Hiện nay mạng lưới xe buýt có độ phủ rộng. Khác với các phương tiện khác, xe buýt là phương tiện di chuyển liên tục. Để giám sát hành trình, xe phải gắn hộp đen, chuyển lịch sử hành trình về trạm kiểm soát.
Có thể căn cứ vào dữ liệu GPS mà xe buýt gửi về để biết kinh độ, vĩ độ, vận tốc, thời gian… chính xác”. Căn cứ vào nguồn dữ liệu đó, trung tâm sẽ phân tích được đoạn đường nào đang kẹt xe, đoạn đường nào thông thoáng và đưa ra thông báo. TS Vũ cho biết thêm, nguồn dữ liệu này được cập nhật liên tục theo thời gian, hiển thị các thông số mới trong khi lịch sử hành trình trước đó sẽ được lưu lại.
Sự hoàn chỉnh chức năng cảnh báo phụ thuộc dữ liệu thu được: “Dĩ nhiên không thể chỉ căn cứ vào một chiếc xe bởi tốc độ mỗi xe mỗi khác, chưa kể có lúc hỏng hóc, tạm dừng… nên phải căn cứ vào thông tin những chiếc còn lại chạy cùng tuyến mà đối chiếu. Độ sai số cho phép là 10 phút. Taxi cũng là phương tiện có thể giúp thu dữ liệu mẫu bởi có độ phủ rộng hơn, chạy cả những tuyến đường nhỏ, tuy nhiên vẫn chưa áp dụng được”.
Phù hợp với điều kiện Việt Nam
Nguyên lý vận hành của Smart BK Traffic có vẻ đơn giản nhưng đó là một quá trình thử và sai, liên tục cập nhật và điều chỉnh. Ngoài hệ thống máy chủ, đường truyền, nguồn dữ liệu ổn định thì hệ thống cũng cần một đội ngũ vận hành đồng bộ. Vì vậy, ngoài sự tham gia cộng tác của giảng viên, các sinh viên cũng được huy động để xây dựng hệ thống. “Phải thừa nhận là còn gặp một số hạn chế bởi Smart BK Traffic đang chạy trên máy chủ của nhà trường, một số lỗi đang được khắc phục hay hệ thống bản đồ không thể tiếp nhận cùng lúc nhiều người dùng khác nhau. Nguồn dữ liệu cũng chưa được mở rộng qua các phương tiện phát tín hiệu GPS khác như taxi, xe tải, điện thoại…”.
Tuy nhiên, theo TS Vũ đó chỉ là những hạn chế nhất thời. Nếu có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng thiết bị, mua được dữ liệu đầy đủ hay kết hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan có trạm quan sát, quản lý tín hiệu GPS thì ngoài tính năng cảnh báo kẹt xe, hệ thống giám sát giao thông thông minh này còn tham gia điều tiết giao thông hiệu quả.
TS Vũ cho biết, bản thân mỗi người dùng Smart BK Traffic đều có thể tham gia giải quyết kẹt xe hay xây dựng một ứng dụng giao thông hoàn chỉnh tiện ích. Người tham gia giao thông có thể theo dõi, nhận biết tình trạng kẹt xe thông qua quan sát trực tiếp trên website hay gọi điện thoại trực tiếp, hoặc nhắn tin về trung tâm điều khiển, hệ thống sẽ thông báo tình trạng giao thông cho người yêu cầu. Bản chạy trên điện thoại còn có tính năng phát âm thanh cảnh báo khi người sử dụng đang ở gần điểm kẹt xe để có thể lựa chọn hướng đi mới.
Những tính năng tìm đường, tìm các địa điểm chức năng (ATM, cây xăng, bãi đỗ xe, bệnh viện, trung tâm mua sắm…) đang được cập nhật. TS Vũ nhận định: “Tính năng của các thiết bị điện tử thông minh cho phép một người đi đường có thể phát ra một thông báo (bằng giọng nói, hình ảnh, video) gửi về trung tâm xử lý để cập nhật tình hình giao thông tức thời. Nhiều người càng có ý thức tham gia gửi thông tin thì hệ thống dữ liệu càng phong phú và điều đó thì mang lại lợi ích cho chính họ”.
“Đây không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới, chẳng hạn Google với Google Maps Navigation đã đi một chặng đường dài. Mình đi sau thì phải nghiên cứu, phát triển và tìm những giải pháp phù hợp với điều kiện giao thông và tập quán giao thông của người Việt, mà với trình độ hiện nay của các nhà khoa học Việt Nam thì điều đó có thể làm được”, TS Vũ khẳng định.
Một tín hiệu lạc quan được TS Vũ chia sẻ, đó là giải pháp hiển thị thông tin bản đồ đã được một công ty Nhật Bản hỗ trợ 28.000 USD để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi. Kinh phí phục vụ nghiên cứu các giải pháp lưu trữ dữ liệu cho hệ thống cũng đã được duyệt. Khi đề tài thu thập và xử lý thông tin từ di động đã đăng ký tại sở Khoa học công nghệ được phê duyệt, sẽ là tiền đề để Smart BK Traffic đi vào thực tế.
Trọng Văn
Thêm nhiều ứng dụng giao thông thông minh Hệ thống giám sát giao thông: Các nhà khoa học thuộc Trung tâm tin học và tính toán (viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) gồm TS Tạ Tuấn Anh, TS Phạm Quang Hồng cùng đồng nghiệp vừa nghiên cứu thành công hệ thống giám sát giao thông thông minh, tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Theo đó, với đề tài “Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn công nghệ thông tin, truyền thông, điều khiển áp dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam” và dự án “Xây dựng mạng camera với hệ thống xử lý hình ảnh thông minh phục vụ điều khiển giao thông và giám sát an ninh”, các nhà nghiên cứu đã ra được sản phẩm tích hợp đa công nghệ cao từ tính toán nhúng, tự động hóa đến truyền thông, siêu tính toán, từ thiết kế cơ khí, điện tử, quang học, ánh sáng, nhiệt độ môi trường đến nối kết mạng lưới… Hệ thống hiện được vận hành thử trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đã nghiệm thu thành công vào đầu năm 2014. Theo tính toán, trước đây nếu sử dụng hệ thống giám sát bằng thiết bị nước ngoài, cứ 2km cần đầu tư 2 camera giá 1 tỉ đồng thì sử dụng thiết bị trong nước, giá chỉ 100 triệu đồng/chiếc. Bản đồ cảnh báo kẹt xe: Đó là ứng dụng “VOV – bản đồ giao thông” được phát hành miễn phí trên kho ứng dụng Google Play và Samsung Store Samsung, được Samsung Việt Nam và kênh VOV Giao thông (đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp nghiên cứu và phát triển. Ứng dụng sở hữu giao diện sử dụng không phức tạp và hỗ trợ hoàn toàn tiếng Việt với hệ thống dữ liệu bản đồ chi tiết từ Google Maps. Người dùng có thể tìm kiếm địa điểm, đường phố, tham khảo các tuyến xe buýt công cộng hay sử dụng để dẫn đường… “VOV - bản đồ giao thông” tỏ ra vượt trội khi cập nhật trực tiếp tình trạng giao thông, đặc biệt bao gồm hiển thị các điểm tắc đường trong lộ trình của người dùng ngay tức thì, từ đó hướng dẫn lựa chọn tuyến đường phù hợp để di chuyển một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất. Chức năng camera giao thông với hệ thống camera trên các tuyến đường cho phép người dùng truy cập và quan sát trực tiếp tình trạng giao thông hiện hành để di chuyển một cách hợp lý nhất. Điểm nổi bật là tất cả người dùng đều có thể sử dụng camera của smartphone và máy tính bảng để chụp hình ảnh giao thông và gửi trực tiếp bằng mạng 3G hoặc Wi-Fi về chương tình VOV Giao thông để cập nhật tình trạng giao thông nơi mình đang tham gia. Hiện ứng dụng mới chỉ cập nhật bản đồ giao thông của Hà Nội và TP.HCM, trong năm 2015 sẽ phủ sóng ứng dụng tại 63 tỉnh thành cả nước. Giám sát hành trình bằng công nghệ GPS: Sau hai năm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, trung tâm Công nghệ thông tin và tự động hóa (đại học Giao thông vận tải) đã hoàn thành dự án "Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị kiểm soát hành trình phương tiện giao thông ứng dụng công nghệ GPS”, chế tạo và ứng dụng thành thiết bị giám sát hành trình của ôtô. 1.300 thiết bị đã được sản xuất và đưa ra ứng dụng lắp đặt, hoạt động hiệu quả. Theo ông Hải, tính cạnh tranh của thiết bị so với sản phẩm cùng chức năng ngoại nhập là chi phí đầu tư thấp, phần mềm giám sát và tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Việt thuận lợi cho việc quản lý, vận hành. T.V tổng hợp |