Tuy nhiên, thực tế là một bộ phận người thành đạt lại không muốn lập gia đình. Những người này đang phải đối diện với lời kết tội: sống ích kỷ, vô trách nhiệm vì chức năng của loài người là phải duy trì nòi giống.
Có thể chia những người độc thân thành hai nhóm: nhóm 1 là những người thành đạt nhưng vì nhiều lý do họ vẫn chưa lập gia đình; nhóm 2 là những người theo chủ nghĩa độc thân.
Những người ở nhóm 1 thường có tâm lý e ngại khi mọi người hỏi đến hôn nhân. Họ cũng chạnh lòng khi ai đó nhắc đến gia đình. Đôi khi họ thầm trách số phận, đổ lỗi cho ông trời. Khi một mình, họ cảm thấy rất cô đơn. Họ cũng khát khao một mái ấm gia đình, cũng cần một bờ vai để nương tựa, thèm nghe tiếng trẻ con bi bô, thèm những khi đau ốm được chính chồng, vợ, con mình đưa đến ly nước, tô cháo.
Họ ngại giao tiếp với bạn bè, nhất là những người đã có gia đình, tránh né những buổi họp mặt. Tính khí vui buồn thất thường. Họ ngày càng trở nên khó tính. Nữ bị gọi hay bị gán ghép là những “bà cô”, nam thường bị coi là “hâm hâm”, thậm chí còn bị nghi là “có vấn đề” về giới tính. Họ rất sợ khi nghe những câu: “Chỉ khi nào con yên bề gia thất thì cha mẹ mới yên lòng nhắm mắt” hoặc “Bây giờ độc thân thì sướng đấy, nhưng về già khổ lắm”... Điều này làm họ ngại khi lễ tết đến phải gặp họ hàng, người thân. Có người nhiều năm không về quê vì sợ những lời hối thúc, những lời xì xào của người thân, họ phản ứng gay gắt nếu ai nhắc đến chuyện độc thân của mình.
Những người nhóm 2 theo chủ nghĩa độc thân: đó là những người chọn tự do, không chịu sự ràng buộc của các mối quan hệ hôn nhân. Họ biết rất rõ những gì mình muốn. Họ có triết lý đơn giản: “Tôi hoàn toàn tự do, tôi thích làm những gì mình thích mà không phải hỏi ý kiến ai”, “Tôi không phải tất bật khi tan sở, không phải lo lắng, toan tính quá nhiều cho cuộc sống”, “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình là người tự do”...
Người độc thân ý thức rất rõ khi chọn cuộc sống độc thân là vì chỉ khi độc thân họ mới có điều kiện, thời gian để theo đuổi sự nghiệp, làm những gì mình muốn, giúp mình biết yêu mình đúng cách, tự khám phá và tìm hiểu chính xác nhu cầu của mình để sắp đặt cuộc sống.
Họ thường là những người tham công tiếc việc, không thấy khổ khi bị nhắc nhở về tình trạng độc thân. Ngược lại họ hài lòng về tình trạng độc thân của mình. Nhiều người nghĩ phụ nữ chọn cách sống độc thân là những người mạnh mẽ, nam tính. Thật sự họ là những người nữ tính, giỏi giang. Một phụ nữ độc thân thành đạt, thu nhập gần 2.000 USD/tháng, tâm sự: “Tôi độc thân đấy, nhưng tôi ok! Tại sao ư? Đơn giản vì tôi muốn mình hoàn thành kế hoạch tự đặt của bản thân”.
Xã hội phát triển, trình độ học vấn, nhận thức xã hội càng cao, xu hướng cá nhân càng phát triển, xu hướng người thành đạt sống độc thân ngày càng nhiều. Dù độc thân ở nhóm nào thì người độc thân cũng gặp phải tâm lý có lúc cô đơn, cần được chia sẻ.
Mọi người đều nghĩ người độc thân là những người có vấn đề về tâm lý. Họ luôn bị những thắc mắc, hối thúc, thậm chí còn bị xem là những người ích kỷ. Trong gia đình hay nơi làm việc, họ thường nhận làm thêm việc hoặc bị mọi người giao thêm việc. Vậy làm sao để sống độc thân mà không bị những áp lực trên?
Phần lớn người độc thân dành nhiều thời gian cho công việc, sự nghiệp, chăm lo gia đình lớn, nhận nuôi cháu, con nuôi, tham gia nhiều hoạt động xã hội, tham gia các câu lạc bộ dành cho những người độc thân.
Những ai biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ cảm thấy cuộc sống mà mình đang theo đuổi thật sự hạnh phúc. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận lại chọn cách sống khép kín, ít giao tiếp, ít quan tâm đến những gì xung quanh. Những người sống theo cách này thường rất khó tính, dễ bị stress...
Như vậy, người sống độc thân đâu phải ai cũng ích kỷ, vô trách nhiệm! Nhiều trường hợp thật sự sống có trách nhiệm. Đối với người đang độc thân, điều họ ghét nhất là những lời nhắc nhở, thắc mắc về tình trạng độc thân của mình, vì vậy gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hãy tế nhị khi đề cập vấn đề này.