Sau cuộc thi hẳn sẽ là một quá trình nuôi dưỡng, phát triển để ngọc sáng được bền hơn. Ảnh: internet
Người hâm mộ trên khắp cả nước từng “chết lịm” bởi giọng ca ngọt ngào của các tài năng trong cuộc thi giọng hát nhí. Cuộc thi cho người ta thấy ở đây có một sự công bằng: không chỉ gia cảnh khá giả mới đủ sức cho con em bước lên sân khấu, mà cả những tài năng sống trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể chạm tay đến khát khao. Tất nhiên, mọi thứ không dừng lại ở đấy.
Sau cuộc thi hẳn sẽ là một quá trình nuôi dưỡng, phát triển để ngọc sáng được bền hơn. Nhưng, một vấn đề đặt ra, các em cần được nuôi dưỡng, phát triển như thế nào?
Dư luận gần đây xôn xao chuyện tài năng nhí này vì bận bịu các chương trình ca hát mà trễ nhịp sách vỡ tại trường. Rồi chuyện ký hợp đồng độc quyền, chuyện biểu diễn “xô, chậu” khắp nơi của tài năng nhí kia... Khi đã gia nhập showbiz ắt phải gắn liền sân khấu như cơm bữa. Tuy nhiên, những tài năng ở đây mới chỉ là những cô bé, cậu bé mới trên dưới mười tuổi.
Cho các em kiếm tiền trên sân khấu quá sớm và bỏ bê chuyện học hành sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của các em về sau: không được học tập ở nhà trường trẻ sẽ thiếu hụt những kiến thức phổ thông cơ bản để bước vào đời; mất đi tuổi thơ vui vẻ cùng các bạn đồng trang lứa.
Ít ai chịu khó để nghĩ ra một điều, trẻ có năng khiếu, có tiềm năng đặc biệt rất cần được sống trong môi trường cùng các bạn đồng tuổi có suy nghĩ giống như mình để tài năng được nuôi dưỡng và thỏa mãn những sự quan tâm của bản thân với bạn bè chứ không thể phát triển được tài năng trong sự thị phi vô cùng nguy hiểm trong showbiz hiện nay.
Năng khiếu đặc biệt ở trẻ cần phải được nuôi dưỡng. Nếu không có sự khuyến khích và hỗ trợ từ gia đình và thầy cô giáo có tâm huyết thì tài năng của trẻ không thể phát triển được. Trẻ có năng khiếu đặc biệt cần một chương trình giảng dạy mang tính thử thách và phức tạp, trẻ cần thầy cô giáo biết cách nuôi dưỡng tài năng và được sự khuyến khích của các bạn đồng trang lứa với mình.
Trẻ có năng khiếu đặc biệt thường trưởng thành hơn bạn đồng tuổi và ít gặp các rối loạn cảm xúc. Trẻ có thể thực hiện được nhiều hoạt động hơn các bạn cùng trang lứa: trẻ có thể dành thời gian để thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình mà vẫn có thể học tốt và vẫn có thời gian để vui chơi, giải trí . Một kế hoạch cụ thể về thời gian cho các hoạt động của trẻ trong ngày, tuần, tháng ,…với sự giúp đỡ và hướng dẫn của người lớn rất cần cho trẻ.
Cũng đã khá nhiều bài học về những tài năng nhí không được giáo dục đúng hướng phơi bày trên mạng. Chúng ta – những bậc bố mẹ, cho dù cuộc sống đang lâm vào khó khăn, thì cũng cố gắng tìm ra lối thoát, sáng suốt chọn đúng hướng cho con mình.
Đừng để mọi thứ gánh nặng thị phi chất đầy trên vai đứa nhỏ, đừng để các em lên sân khấu với mục đích kiếm tiền. Những bài học thị phi vẫn còn đó. Nuôi dưỡng nhân tài là một quá trình, cần nhất là sự kết hợp có ý nghĩa từ phụ huynh, nhà trường và thầy dạy âm nhạc để có được tiếng nói chung.
TS. Trần Thị Thu Mai
(Phó Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục, Đại học Sư phạm TP.HCM)
Ca sĩ Thụy Uyên: Cho con kiếm tiền sớm là ích kỉ với con Ai cũng đã từng trải qua giai đoạn trẻ thơ và tất nhiên sẽ trân quí khoảnh khắc vô tư hồn nhiên đó, việc cho trẻ kiếm tiền quá sớm là một hành động ích kỷ với trẻ, người lớn vô tình cướp đi cái hồn nhiên, ngây thơ vốn dĩ phải có của trẻ. Âm nhạc là một mô hình giải trí mở rộng, đủ các qui mô và hình thức. Tôi nghĩ trẻ vẫn có thể thỏa đam mê ca hát ở những sân khấu thích hợp như văn nghệ tại trường, các trung tâm văn hóa, hoạt động văn nghệ tại phường, xã... Hiện nay , khi theo dõi trên báo đài, thấy rất nhiều trẻ có tài năng âm nhạc trong những cuộc thi nhưng điều đáng buồn là mình không còn nhìn thấy được sự ngây thơ theo đúng độ tuổi của trẻ nữa. Các em bị hình tượng hóa về thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay và với sự vô tư, trẻ đã bắt chước một cách hồn nhiên, điều này dần dà sẽ khiến cho trẻ có suy nghĩ lệch lạc và không còn sống đúng được với tuổi thơ của mình nữa, đây là điều hết sức đáng tiếc. BS. Nguyễn Thanh Hải, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Hát những bài vượt khả năng có thể bị viêm hạt dây thanh Sự khác nhau giữa giọng của trẻ em và người lớn là ở cấu trúc thanh quản ( cơ quan phát âm của con người). Vị trí thanh quản ở trẻ em cao hơn, cấu trúc “ống” từ thanh quản đến môi ngắn hơn nên giọng trẻ trong trẻo hơn người lớn. Bên cạnh đó, phổi của trẻ em có thể tích nhỏ nên trẻ không thể hát hoặc ngân dài hơi như người lớn. Chính vì thanh quản còn nhỏ nên trẻ không thể hát được những khoảng cao độ như người lớn.Ở trẻ dưới sáu tuổi nốt thấp nhất có thể hát được là nốt Đô giữa, ở trẻ trước dậy thì là La hoặc Sol ngay dưới Đô giữa và không thể thấp hơn. Với nốt cao, trẻ có thể hát cao gần bằng giọng soprano người lớn. Nói chung, với ca sĩ nhí, khả năng hát có những hạn chế nhất định, có sự khác nhau giữa các trẻ, chúng ta không nên quá “thử thách” với những giọng ca này. Tuy nhiên, cùng với sự tập luyện bài bản, đúng kỹ thuật, giọng ca của trẻ sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện. Với những trẻ hát quá khả năng trong một thời gian dài có thể dẫn đến khàn tiếng do viêm thanh quản, hạt dây thanh… Phan Huy Hạnh An, 31 tuổi, quận 1, TP.HCM: Hãy mang con ra khỏi ánh hào quang Là một người mẹ, tôi cảm thấy xót xa khi bắt gặp những trẻ em có phong cách và có thái độ ca hát hết sức "người lớn". Hẳn nhiên nếu con tôi có tài như vậy, tôi cũng không muốn con mình bị cướp mất tuổi thơ và cũng không bao giờ muốn lợi dụng vào tài năng của con để kiếm tiền trục lợi cho bản thân mình. Nếu con trẻ có năng khiếu ca hát, tôi sẽ cố gắng lựa chọn sân khấu và môi trường nào tốt nhất để con thỏa lòng đam mê. Hào quang tỏa sáng chói nhưng cũng lụi tắt vội vàng. Vì vậy, đừng để con cái chúng ta là nạn nhân của loại ánh sáng này. Tiền bạc – hào quang – sự trong sáng trẻ thơ – giáo dục, thì sự trong sáng và giáo dục là hai yếu tố quan trọng hình thành nhân cách đứa trẻ, đừng để hai thứ còn lại lấy mất. Nguyên My (thực hiện) |