Ảnh: Hồng Thái
Tăng tiết mồ hôi tay và chân nguyên phát là một bệnh rất hay gặp ở giới trẻ, nam và nữ bị ngang nhau. Theo thống kê ở Việt Nam, có vào khoảng 2% những người trẻ tuổi dưới 25 tuổi bị mắc bệnh này.
Bệnh tuy không gây chết người, nhưng làm giảm đi rất nhiều chất lượng cuộc sống. Những người mắc bệnh này thường gặp khó khăn trong công việc, nhất là những việc cần phải sử dụng sự khéo léo của bàn tay, giao tiếp nhiều…Nhiều bệnh nhân rất ngại phải giao tiếp với những người khác làm giảm đi hiệu suất của học tập và lao động, có khi rơi vào trạng thái trầm cảm.
Bệnh có tính chất di truyền từ cha mẹ sang con cái và có nguyên nhân là sự mất cân bằng, rối loạn của hai hệ thống thần kinh thực vật. Đó là hệ giao cảm và hệ phó giao cảm. Những người bị tăng tiết mồ hôi, nhất là ở tay và chân thường là do hiện tượng cường giao cảm gây nên. Hệ thống này làm gia tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi, tăng nhu động của hệ tiêu hóa…
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh này từ phương pháp không dùng thuốc như tập Yoga, đến các phương pháp sử dụng thuốc với các loại thuốc đông dược, thuốc ức chế thần kinh giao cảm, thuốc ức chế kênh canxi, thuốc điều hòa hệ thần kinh thực vật, các loại yếu tố vi lượng như Magne, kẽm…Đến các phương pháp khác như sử dụng máy ion hóa, chích thuốc Botox…Chỉ có kết quả rất kém và tạm thời.
Hiện nay phương pháp điều trị ngoại khoa với cắt thần kinh giao cảm ngực 2 và ngực 3 qua nội soi lồng ngực là phương pháp điều trị có hiệu quả nhất. Phương pháp này với hai vết mổ nhỏ dài khoảng 0,5 cm ở ngực với thời gian phẫu thuật khoảng 30 phút và bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày hôm sau.
Phẫu thuật có tỷ lệ thành công khá cao lên đến 90%. Nhưng cũng có một vài phiền toái đó là hiện tượng khô mồ hôi ở bàn chân chỉ xảy ra sau phẫu thuật khoảng 3-6 tháng và có khoảng 20% bệnh nhân bàn tay tuy khô nhưng có hiện tượng tăng tiết mồ hôi bù trừ ở lưng và bụng của bệnh nhân, Nhưng thường thì hiện tượng này cũng mất đi sau 3-6 tháng.
PGS-TS-BS. Nguyễn Hoài Nam
(Chủ tịch hội tĩnh mạch học TP.HCM)