Hội nghị có sự tham dự của đại diện các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các đối tác, cổ đông của TTC. Đặc biệt, là sự hiện diện của toàn thể thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban cố vấn, Ban Tổng Giám đốc… của Tập đoàn TTC nói chung và 4 tổng công ty có mã cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và các công ty thuộc các ngành nghề khác của TTC nói riêng.
Hội nghị nhằm mục đích cập nhật kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề chủ lực; Dự báo tiềm năng, triển vọng phát triển của TTC nói chung và các ngành nghề nói riêng; Công bố chiến lược tăng trưởng lợi nhuận, điểm nhấn đầu tư từ nay đến năm 2025. Hội nghị thu hút sự quan tâm, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh của các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát biểu tại hội nghị.
Được hình thành từ ngày 28.7.1979, TTC là tập đoàn đầu tư đa ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch và giáo dục, hoạt động tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore… với quy mô hơn 120 công ty có vốn đầu tư.
Cùng nỗ lực tăng tính minh bạch và tuân thủ, gia tăng giá trị vốn hóa thị trường, bên cạnh 4 tổng công ty đã được niêm yết chính thức trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM là Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar; Mã CK: SBT), Công ty CP Điện Gia Lai (GEC; Mã CK: GEG), Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land; Mã CK: SCR), Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality; Mã CK: VNG), các công ty thuộc các ngành nghề khác như bất động sản công nghiệp, thương mại, logistics, xây dựng, kết cấu thép, thực phẩm… liên tục cải thiện hoạt động quản trị - kiểm soát - điều hành để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, nhấn mạnh năm 2022 là thời điểm then chốt đối với sự thành công của toàn bộ chiến lược phát triển 5 năm (2021 - 2025) của Tập đoàn TTC, cũng là năm xây dựng nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển dài hạn phía trước. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn nhất thời do đại dịch gây ra, nhưng với sự sàng lọc cơ hội trong thách thức, cùng với định nghĩa “Tầm nhìn - là nhìn thấy được những gì mà người khác chưa nhìn thấy”, Lãnh đạo Tập đoàn TTC đã áp dụng những phương pháp này trong nhiều quyết sách quan trọng.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay TTC sở hữu trên 66.000 ha vùng nguyên liệu ở 3 nước Đông Dương, dẫn đầu 46% thị phần ngành Đường Việt Nam, cung cấp hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm mỗi năm. Trong chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp TTC đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 hecta, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha.
Bà Hồ Thị Phương Thảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, chia sẻ tại hội nghị.
Trong lĩnh vực năng lượng, Công ty GEC là đơn vị đóng điện thương mại hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và Krông Pa (Gia Lai). Đến nay, GEC đã sở hữu 21 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió với tổng công suất gần 600 MWp và tổng mức đầu tư điện mặt trời và điện gió trên 11.100 tỷ đồng.
Với tổng tài sản 10.000 tỷ đồng, ngành bất động sản TTC sở hữu nhiều dự án, sản phẩm/dịch vụ uy tín và ngày càng hoàn thiện quy trình khép kín theo chuỗi giá trị thực nhằm chủ động kiểm soát chất lượng, tiết giảm chi phí khoa học để mang lại mức giá sản phẩm, dịch vụ hợp lý nhất cho khách hàng.
Mặc dù quỹ đất nội đô ngày càng hạn chế, nhưng TTC đang sở hữu quỹ đất có vị trí đắc địa tại TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt phù hợp phát triển ba loại hình: Bất động sản dân dụng, Bất động sản thương mại và Bất động sản du lịch. Đồng thời, cũng định hướng mở rộng phát triển ra các tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao như Long An, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Đặc biệt, dự án Khu phức hợp Vịnh Đầm do TTC Phú Quốc làm chủ đầu tư gồm hai phân khu chức năng chính: Khu Kho cảng Vịnh Đầm - Bất động sản Công nghiệp và Khu phức hợp nghỉ dưỡng Selavia có tổng số vốn đầu tư lên đến 30.000 tỷ đồng là một trong những dự án trọng điểm của TTC.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, chia sẻ tại hội nghị.
Trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, với chiến lược phát triển, tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ hội nhập, Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công sở hữu Khu công nghiệp Thành Thành Công và Cụm Công nghiệp Tân Hội (Tây Ninh); Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng (Long An) có tổng diện tích hơn 1.000 ha. Ngoài ra, còn sở hữu tổng diện tích kho xưởng và hệ thống logistics vận hành quy mô lên hơn 52 ha trải dài từ TP.HCM - Tây Ninh - Long An - Bình Dương đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, ngành du lịch TTC sở hữu gần 20 điểm đến tại các tỉnh, thành du lịch trọng điểm cả nước như Huế, Hội An, Nha Trang, Ninh Thuận, Phan Thiết, Đà Lạt, TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ và 01 điểm đến tại thành phố Siem Reap (Campuchia) với 4 lĩnh vực hoạt động khép kín: Lưu trú, vui chơi, trung tâm hội nghị/nhà hàng, lữ hành, gồm 13 khách sạn/resort tiêu chuẩn 3 đến 5 sao với trên 1.300 phòng ở tiện nghi; 2 khu vui chơi đón hơn 2 triệu lượt khách/năm; 2 trung tâm hội nghị, 3 nhà hàng có sức chứa hơn 6.000 khách và 1 trung tâm lữ hành.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực TTC Group, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TTC Sugar.
Bên cạnh đó, Công ty CP Thương mại Thành Thành Công (TTC Trading) có bề dày kinh nghiệm hơn 4 thập kỷ trong lĩnh vực thương mại truyền thống các sản phẩm đường cát, mật rỉ và cồn. TTC Trading được biết đến là nhà cung cấp, xuất nhập khẩu mật rỉ hàng đầu Việt Nam, cung cấp sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu cho hơn 1.000 khách hàng, doanh nghiệp. TTC Trading còn sở hữu Công ty TTC Logistics, với quy mô hơn 200 xe cùng mạng lưới vệ tinh liên kết rộng rãi, diện tích kho bãi hơn 100.000 m2 khắp các tỉnh thành, hệ thống kho bồn với sức chứa hơn 100.000 tấn tại các cảng biển quốc tế và tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh thương mại thực phẩm với thương hiệu Yufood.
Đặc biệt, giữa năm 2022, TTC đã hoàn tất giao dịch mua lại Trường Đại học và THPT Yersin Đà Lạt - bước khởi đầu để tái lập ngành giáo dục, một danh mục mà trước đây TTC đã đầu tư. Đồng thời, có chiến lược mở rộng hệ thống trường học tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Bên cạnh mục tiêu kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận, Tập đoàn TTC còn thành lập “Quỹ chung tay vì cộng đồng TP.HCM”, thực hiện những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Trong tiến trình hội nhập chung toàn cầu, Tập đoàn TTC và đơn vị thành viên đã được Chính phủ, các cơ quan nhà nước, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận, trao những giải thưởng - danh hiệu uy tín.
Phương Huỳnh