Tê giác châu Phi lâm nguy vì tin đồn dùng sừng chữa COVID-19 tại Trung Quốc

 16:04 | Thứ hai, 03/08/2020  0
Tê giác châu Phi đang đối mặt với hiểm họa săn trộm. Nguyên nhân là do y học cổ truyền Trung Hoa khuyên dùng sừng tê giác làm thuốc chữa coronavirus bất chấp việc không có căn cứ khoa học.

Một con tê giác mất sừng đang được điều trị tại Limpopo, Nam Phi vào tháng 5.2016. Ảnh: Getty Images

Mặc dù chưa được kiểm nghiệm trên mặt giá trị y học nhưng sừng tê giác được sử dụng làm nguyên liệu cho “ibuprofen của y học cổ truyền Trung Hoa”, được bày bán trên phương tiện truyền thông xã hội là thuốc điều trị COVID-19.

Sừng tê giác được quảng cáo là thuốc chữa bệnh không phải là chuyện gì mới. Trong hơn 2.000 năm, y học cổ truyền Trung Hoa đã liệt kê vật này là “thuốc chữa bá bệnh”, được khuyên dùng cho bệnh gút hay sốt cao và thậm chí là ung thư. Và châu Phi từ lâu đã là nơi để săn lùng chúng.

Dưới áp lực toàn cầu, vào năm 1993, chính phủ Trung Quốc đã cấm buôn bán thuốc tê giác trong nước và việc dùng chúng làm dược phẩm. Nguyên liệu “vô thưởng vô phạt” về mặt khoa học này được thay thế bằng sừng trâu, nhưng nhu cầu mua chúng vẫn tiếp tục và hiện đang được khuyến khích bởi tuyên bố rằng chúng có thể được sử dụng để điều trị một căn bệnh đương đại.

Gần đây nhất, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở tại London, đã phát hiện ra hình ảnh cho thấy bao bì của thuốc An Cung Ngưu Hoàng - hãy xem nó như là ibuprofen của y học cổ truyền Trung Hoa - được cho là có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên. Thuốc này được quảng cáo trên phần mềm WeChat bởi một thương nhân làm việc tại Trung Quốc với sừng tê giác là một nguyên liệu.

Các quốc gia giàu động vật hoang dã như Nam Phi, Zimbabwe, Zambia, Kenya và Tanzania đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để kiểm soát nạn săn trộm vảy tê tê, ngà voi và sừng tê giác, thường là để đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc và Đông Nam Á. Ngành du lịch động vật hoang dã được đầu tư không chỉ để giúp kiềm chế nạn săn trộm mà đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 169 tỉ USD, tiếp nhận khoảng 24,6 triệu người trên khắp châu Phi làm việc.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, các chuyến du lịch đến các khu bảo tồn động vật hoang dã ở châu Phi đã bị hoãn lại. Một nghiên cứu của Liên minh châu Phi ước tính có khoảng 20 triệu người có nguy cơ mất việc trên khắp lục địa và các chính phủ sẽ mất tới 500 tỉ USD doanh thu tài chính do tác động của coronavirus.

Dù có những bước tiến đạt được nhờ vào ngành du lịch bền vững, nhưng COVID-19 đã khiến nạn săn trộm có khả năng quay trở lại nhức nhối hơn. Các bộ phận của động vật châu Phi được quảng bá trên phương tiện truyền thông xã hội, như An Cung Ngưu Hoàng trên WeChat, được quảng cáo là thuốc chữa bệnh COVID-19.

Trong khi Kenya và Tanzania đã kiểm soát được nạn săn trộm, Botswana gần đây đã mất gần 50 con tê giác, trong đó có 3 con trong khoảng thời gian hai tuần vào tháng 6. Báo cáo do Ủy ban Tư pháp Động vật hoang dã có trụ sở tại Hà Lan công bố cho thấy có một số lượng lớn ngà voi đang được dự trữ ở Đông Dương, những nơi thường là điểm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm có tên An Cung Ngưu Hoàng được quảng cáo là thuốc chữa bệnh COVID-19. Ảnh: SCMP

Mary Rice, giám đốc điều hành tại EIA, đã theo dõi các sản phẩm một lần nữa dịch chuyển từ châu Phi sang Trung Quốc và Đông Nam Á. “Các mạng lưới vận chuyển thực sự tinh vi. Nếu phát hiện cơ quan thực thi pháp luật đang tập trung vào một khu vực, họ sẽ thay đổi tuyến đường”, bà Mary Rice nói.

Trong các khu vực động vật hoang dã được bảo vệ, khách du lịch thường có vai trò bất đắc dĩ là giúp chống săn trộm động vật, cung cấp thêm tai mắt cho khu vực. Nhưng bây giờ, “cứ như chúng tôi đột nhiên bị mù lòa vậy”, theo lời của ông Timothy Wittig, người đứng đầu bộ phận tình báo và phân tích của lực lượng đặc nhiệm về tài chính và vận chuyển của Liên hiệp vì Động vật hoang dã. “Người dân đang nhận ra rằng họ dựa vào du lịch nhiều như thế nào”, ông nói thêm.

“Tại Kenya, đa số các công ty phải đặt nhân viên của họ vào tình thế cắt giảm lương, từ 30 đến 50% hoặc là cho nghỉ phép không lương”, Gerard Beaton, giám đốc hoạt động khu vực của Asilia Africa, có trụ sở tại Tanzania và Kenya cho biết. Một số nơi hiện đang mở cửa cho khách du lịch trong nước nhưng đối với những nơi khác, thời điểm sớm nhất họ đang xem xét mở cửa là vào tháng 10.

“Việc người dân bị mất việc sẽ làm gia tăng tình trạng tội phạm về động vật hoang dã”, Krissie Clark, đồng sáng lập của PAM Foundation, một tổ chức phi chính phủ bảo tồn động vật hoang dã có vai trò lớn trong việc triệt phá các đường dây săn trộm ở Tanzania chia sẻ. Từ năm 2009 đến 2014, quốc gia này đã mất khoảng 60% cá thể voi, nhưng sau nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ và các cuộc điều tra, nạn săn trộm bắt đầu giảm.

Mặc dù có những mức phạt nặng cho tội săn trộm ở Tanzania, với một số trường hợp là giam giữ, nhưng việc “bần cùng sinh đạo tặc” là có thật. Đặc biệt là đại dịch COVID-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch cũng có thể xóa sạch những tiến triển của họ.

“Chúng tôi đã nhận thấy sự gia tăng của những cái bẫy thú. Tôi không biết đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là những dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ kinh tế khó khăn. Nhiều người đang tìm kiếm nguồn lương thực mới và tôi thấy không sớm thì muộn nạn săn trộm sẽ trở lại”, bà Clark nói.

Richard Vigne, giám đốc điều hành tại Ol Pejeta, một công ty bảo tồn tư nhân tại Kenya có dân số tê giác phát triển mạnh, nói rằng ông ấy đang nghe thấy “rất nhiều lời đồn đại” vào thời điểm này. “Những người đã từng tham gia săn trộm trong quá khứ đột nhiên trở lại hoạt động vào ban đêm sau khi dừng lại trong thời gian dài”, Vigne nói. “Họ đang cố gắng để tận dụng tình hình này từ góc độ săn trộm thương mại”.

Tuy nhiên tại Nam Phi, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Thủy sản Barbara Creecy cho biết rằng số lượng tê giác bị săn trộm ở Vườn quốc gia Kruger vào tháng 4 năm nay ít hơn hẳn so với bất cứ tháng nào kể từ tháng 9.2013. Đến tháng 6, con số này vẫn tiếp tục giảm.

“Nam Phi đang siết chặt việc đóng cửa biên giới. Mọi sự di chuyển trong nước đều được kiểm soát cẩn thận, điều này có thể giải thích cho việc suy giảm nạn săn trộm. Trong thời gian hiệu lực của lệnh đóng cửa cấp độ 5, việc bán rượu và thuốc lá đã bị cấm và mọi người chỉ có thể rời khỏi nhà để mua đồ sinh hoạt. Hiện nay, mọi người đang lo ngại về khả năng nạn săn trộm bùng lên một khi lệnh đóng cửa kết thúc. Tổ chức Bảo vệ Tê giác Thế giới cho hay việc có lệnh đóng cửa đã giúp cho thành phần tội phạm ở Nam Phi có thêm thời gian để tuyển thêm người và xây dựng nguồn lực”, Barbara Creecy nói.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với những kẻ săn trộm là việc vận chuyển sản phẩm đến châu Á. Với lệnh đóng cửa được thực thi, việc di chuyển một khối lượng đáng kể các sừng tê giác, ngà voi hoặc vảy tê tê là không đơn giản.

“Chúng tôi biết rằng có những mặt hàng đến từ miền nam châu Phi và đang hướng về phía bắc. Dù việc đi lại của người dân đã bị hạn chế nhưng các công ty vận chuyển vẫn còn hoạt động”, bà Rice cho biết.

Một con tê giác bị cưa sừng trước khi được lắp thiết bị theo dõi tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Lewa của Kenya, vào tháng 8.2013. Ảnh: SCMP

Liên hiệp vì Động vật hoang dã, một liên minh của các nhóm bảo tồn toàn cầu và Ủy ban Tư pháp Động vật hoang dã cũng đã xác nhận rằng họ đã theo dõi các chuyến hàng rời khỏi châu Phi và hướng đến châu Á. “Nhận định của tôi là có một số khó khăn khi đưa sản phẩm vào Trung Quốc từ Đông Nam Á, bởi vì Trung Quốc thực hiện lệnh đóng cửa rất nghiêm ngặt”, Wittig nói.

Việc đóng cửa nền kinh tế chính thức thường được sử dụng làm vỏ bọc để vận chuyển các sản phẩm bất hợp pháp. Mặc dù có lợi thế cho những kẻ buôn lậu trong những tình huống như vậy, việc tích trữ gia tăng cũng tạo cơ hội cho các cơ quan thực thi pháp luật tịch thu được số lượng lớn sản phẩm còn lại ở một nơi trong thời gian dài hơn bình thường.

“Trong khi cấm tiêu trữ thịt động vật hoang dã, đóng cửa các thị trường và trang trại, Trung Quốc cũng đã tích cực quảng bá y học cổ truyền như một phương thuốc cho COVID-19 và xuất khẩu nó đến những nơi như Afghanistan và Pakistan”, Vanda Felbab-Brown, chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings và là tác giả của cuốn Thị trường tuyệt chủng: Buôn bán động vật hoang dã và cách chống lại nó (2017) cho biết.

Luật bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc đã được thông qua vào năm 1989 và có rất ít thay đổi kể từ đó. Vào tháng 1, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ có lệnh cấm tạm thời đối với việc buôn bán động vật hoang dã. Đến ngày 24.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc quyết định cấm hoàn toàn việc săn bắn, mua bán, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã, kể cả việc vận chuyển động vật hoang dã để tiêu thụ. Nhưng trong luật này không đề cập đến việc sử dụng động vật hoang dã làm thuốc y học cổ truyền, vật trang trí hoặc thú nuôi.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa các trang trại động vật hoang dã, một dấu hiệu khác cho thấy nước này đang đối phó với đại dịch COVID-19 nghiêm túc hơn so với hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003. Báo cáo cho thấy chính phủ Trung Quốc cũng đã loại bỏ vảy tê tê khỏi Dược điển Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một báo cáo của EIA, trong một ấn bản năm 2020 của cuốn sách tham khảo chính thức kiếm được bởi tổ chức này thì “vảy tê tê vẫn được liệt kê như một thành phần trong công thức y học”. Có nghĩa là chính phủ tiếp tục hợp pháp hóa và thúc đẩy việc sử dụng thuốc làm bằng vảy tê tê. Một mối quan tâm nữa là liệu những luật lệ và thay đổi chính sách này sẽ có sự lâu dài hay không.

“Những thay đổi này mạnh mẽ hơn những gì chúng ta thấy sau dịch SARS, khi thị trường động vật hoang dã bị cấm nhưng hiệu lực giảm dần sau hai hoặc ba năm”, Felbab-Brown nhận xét.

Một cuộc khảo sát năm 2014 trên một số thành phố lớn nhất của Trung Quốc cho thấy 52,7% người dân đồng ý rằng không nên tiêu thụ động vật hoang dã, đây là mức tăng đáng kể so với số liệu 42,7% của năm 2004. Năm 2018, khi Bắc Kinh bãi bỏ lệnh cấm bán sừng tê giác dùng cho mục đích y tế vào năm 1993, đã có một sự phản đối diện rộng trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Đối với các quốc gia như Botswana, điều duy nhất có thể làm là cứu càng nhiều tê giác càng tốt. Trong một nỗ lực để hạn chế nạn săn trộm, Cục Động vật hoang dã và Công viên quốc gia tại nước này đã cưa sừng những con tê giác và đưa chúng vào các khu vực an toàn. Với việc không có dấu hiệu cho thấy khi nào du lịch sẽ trở lại, khả năng của những đợt lây nhiễm tiếp theo và nhu cầu về sừng tê giác được sử dụng làm phương thuốc chữa bệnh COVID-19, các nhà bảo tồn chỉ có thể án binh bất động mà chờ thời cơ.

Hoàng Phương (Theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.