Cụ thể, trong một thư ngỏ gửi tới các nhà ra quyết định, các chuyên gia lưu ý rằng đại dịch COVID-19 là một dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người (có nghĩa là loại vi rút đã có bước nhảy từ động vật chủ sang người). Đặc biệt, một đại dịch khác tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai nếu không có những hành động chấm dứt nạn buôn bán các loài động vật có nguy cơ truyền bệnh cao, đặc biệt là một số loài thú và một số loài chim mang mầm bệnh có thể truyền sang cho người.
Các nguy cơ nhiễm bệnh cao là khi con người tiếp xúc gần với nhiều loài động vật trong môi trường chật hẹp và mất vệ sinh, gồm các loài động vật nuôi lẫn với các loài hoang dã, cả sống lẫn đã chết, đến từ nhiều vùng địa lý khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Đó là các khu chợ, kho hàng, các tụ điểm trung chuyển động vật nằm ngay trong các khu có mật độ dân số cao.
Buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ đẩy loài vật đó vào con đường tuyệt chủng mà còn nguy cơ gây nên đại dịch cho con người trên hành tinh xanh. Ảnh: HSI
Hơn 217 chuyên gia trên thế giới hoạt động trong nhiều lĩnh vực, thuộc nhiều tổ chức dân sự xã hội khác nhau đều đồng ý rằng các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện những bước sau đây để giảm thiểu nguy cơ bùng phát một đại dịch tương tự trong tương lai: Đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao, trong đó ưu tiên đóng cửa các chợ tại những khu vực đô thị tập trung đông dân cư; Khẩn cấp đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã và dừng ngay lập tức việc buôn bán các nhóm loài động vật có nguy cơ cao; Tăng cường nỗ lực giảm cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm làm từ các loài có nguy cơ cao.
Được biết, bức thư ngỏ đã tập hợp các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực bảo tồn, y tế công cộng và chuyên gia về bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, những người ủng hộ phong trào Một Sức Khỏe (One Health) ngày một phát triển (*) - phong trào này thừa nhận sức khoẻ của chúng ta có sự liên kết chặt chẽ đối với sức khoẻ của động vật và tình trạng môi trường chung. Thư ngỏ được dịch ra 6 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, kêu gọi các chuyên gia, tổ chức cùng ký tại www.PreventPandemics.org.
Ông Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF Quốc tế, nhận định: “Đại dịch COVID-19 chỉ là một trong những hậu quả về mối quan hệ mất cân bằng rất nguy hiểm giữa con người và thiên nhiên. Nhìn vào nguyên nhân sâu xa của các đại dịch có nguồn gốc động vật trong quá khứ, chúng ta biết rằng – không phải là LIỆU CÓ một đại dịch mới sẽ xảy ra mà chỉ là KHI NÀO nó sẽ xảy ra".
Theo vị Tổng Giám đốc WWF, để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai, buôn bán và tiêu thụ các loài động vật có nguy cơ cao phải được xóa bỏ, và chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái môi trường – những nguyên nhân dẫn tới sự tương tác mất cân bằng giữa con người và các loài hoang dã: "Quá trình phục hồi sau khủng hoảng, chúng ta cần và chỉ có một lựa chọn chuyển đổi xanh, hướng tới một mô hình kinh tế coi thiên nhiên là nền tảng cho một xã hội khoẻ mạnh và một nền kinh tế thịnh vượng. Bảo vệ thiên nhiên và sự đa dạng tuyệt vời của sự sống chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.”
Trong khi đó, ông Keith Martin, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các trường đại học vì sức khoẻ toàn cầu tại Washington DC, cho rằng: “Tất cả chúng ta cần phải lên tiếng và kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện những chính sách giảm thiểu nhu cầu sử dụng và buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng; đóng cửa các thị trường buôn bán động vật hoang dã được xác định là có nguy cơ truyền nhiễm bệnh cao; và củng cố Chương trình An ninh Y tế toàn cầu – một chương trình tăng cường năng lực của cộng đồng quốc tế trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh. Dịch bệnh không có biên giới vì thế chúng ta cũng phải đoàn kết ứng phó không biên giới. Sức khoẻ và sự an toàn của chúng ta đều phụ thuộc vào hành động đoàn kết này.”
Trọng Văn
_________
(*) Những cá nhân và tổ chức đã ký thư ngỏ bao gồm các chuyên gia tham gia phong trào One Health từ Liên minh EcoHealth, Đại học California-Davis, Liên minh Đại học One Health Đông Nam Á và Đại học Cornell; Bộ trưởng Bộ Y tế Bhutan, nguyên Tổng thư ký Công ước về Thương mại Quốc tế các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES); và các nhà lãnh đạo của Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (National Wildlife Federation), Uỷ ban Tư pháp Động vật Hoang dã (Wildlife Justice Commission) và tổ chức WWF.