“Rau muống tháng chín...”, cô gái nọ đang định đọc cho cậu con trai nhỏ muốn hiểu cho ra điều cậu hỏi thì bà mẹ chồng vô tình bước vào. Nàng dâu đột nhiên đỏ mặt bối rối ngừng đọc tiếp. Rõ ràng có một điều tế nhị ở đây? Mà điều tế nhị ấy nằm ở ngay ngữ nghĩa của câu thành ngữ đầy ẩn ý này.
Việc gì mà phải ngại ở đây nhỉ? Có người cho rằng câu thành ngữ trên (đọc đầy đủ là Rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn) là một câu nói nhằm làm đẹp lòng cả mẹ chồng lẫn nàng dâu (Chuyện quan hệ của hai người này trong cách nhìn nhận dân gian, vốn dĩ không được coi là mặn mà, thú vị gì cả. Họ luôn ở trong tâm trạng phải giữ ý, thiếu tự nhiên).
Còn rau muống tháng chín thì sao? Ai cũng biết loại rau chủ lực của mùa hè này cứ đến đầu mùa lạnh hanh heo (tháng chín âm lịch) là chậm phát triển hẳn. Ngày trước, vào thời kỳ giáp vụ hoa màu, rau cỏ đều ít. Rau muống lúc đó thường vừa nhỏ ngọn ít lá, vừa khó kiếm. Ruộng rau muống cũng như bụi trầu không, không thể làm bạn với tiết đông lạnh lẽo (Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non - Nguyễn Bính). Rau cỏ hiếm thật. Thế cho nên cảnh nàng dâu nhịn mồm nhịn miệng để nhường cho bà mẹ chồng đáng kính kia quả là một cử chỉ lễ phép, hiếu thảo và đáng khen quá đi chứ. Chính điều này sẽ làm cho mối quan hệ của họ tốt hơn cũng nên.
Nhưng cũng có người (mà chiếm đa số) lại cho rằng thành ngữ này mang dáng dấp một câu nói hàm ý mỉa mai. Bởi cứ cuối thu, bè rau muống kia sẽ cằn dần, ít lộc, kém non. Mớ rau già, lưa thưa ngọn đem luộc hay xào đều giảm vị ngon, hơi đắng và đặc biệt là dai nhách.
Vậy cho nên việc nàng dâu nhường lại món ăn "bất đắc dĩ" cho mẹ chồng tưởng là thiện chí thực chất là một cách ứng xử theo kiểu “nhân nghĩa bà Tú Đễ”. Vừa khỏi phải ăn, vừa được tiếng con hiền dâu thảo. Thân già răng yếu, ăn kém mà xơi cái món “chão rách” kia hỏi còn thú vị gì? Bỏ thì thương, vương thì tội. Nhường nhau hay làm khó nhau đây? Dân gian đã lấy câu này để phê phán một cách ứng xử không đẹp. “Bà cứ khen lấy khen để con dâu bà nữa đi. Cái ngữ rau muống tháng chín nàng dâu nhịn mẹ chồng như nó tôi còn lạ gì”. Thật là trái khoáy. Tưởng làm thế sẽ được khen rốt cuộc lại phải nhận tiếng chê lời trách.
Đây dĩ nhiên là một câu chuyện của ngày xửa ngày xưa. Chứ bây giờ với kĩ thuật canh tác mới, rau muống tháng chín, tháng mười và hầu như bất kì tháng nào trong năm cũng đều non xanh, nom “long lanh” mát cả mắt.
Hình thức là vậy, chất lượng cũng chẳng chênh lệch là bao. Vả lại, quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng đổi thay theo xu hướng văn minh, hiện đại. Cảnh mẹ chồng tai quái và cảnh các cô gái cắm đầu cắm cổ chịu phận làm dâu cực nhọc ở nông thôn ta cũng giảm đi nhiều.
Nhưng người ta vẫn còn tận dụng câu thành ngữ này để sử dụng trong các trường hợp khác. Đó là cách ứng xử trớ trêu của những đối tượng vốn dĩ được coi là không hoà hợp. Hai cơ quan, hai tổ chức, hai tập thể nào đó đang có tranh chấp, nhưng đột nhiên một bên tỏ ra thiện chí và hào phóng hơi bất bình thường là có thể để lộ ý đồ. Người ta thường chép miệng bảo nhau “Công ty ấy cho mình toàn hàng lỗi mốt. Lại luôn mồm nói rằng họ ưu tiên cho ta trước. Đúng là rau muống tháng chín, nàng dâu nhịn cho mẹ chồng. Thôi ta xin cám ơn cái lòng tốt ấy. Ta đừng có nhận mà mang ơn hão”.
PGS-TS Phạm Văn Tình
(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)