Thủ tướng: Phải bắt tay ngay vào công việc, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài!

 22:47 | Thứ năm, 15/04/2021  0
Ngày 15.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ triển khai công việc sau khi được kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ khẩn trương xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng và công tác nhân sự; tiếp tục kế thừa, tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ, ngày 15.4. Ảnh: Nhật Bắc

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. 

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, về quan điểm định hướng chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng và cả năm 2021.

Tiếp tục tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Các nội dung chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và đảm bảo tính khả thi; đồng thời phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, giám sát, kiểm tra. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm. Tập trung xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đạt được; với tinh thần có kế thừa và đổi mới, ổn định, phát triển; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tăng cường cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thực chất và hiệu quả, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ, quan trọng, cấp bách phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Nhật Bắc

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; phát triển thị trường thương mại, du lịch trong nước; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững độc lập, chủ quyền; xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từng thành viên Chính phủ phải gương mẫu, thực sự khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là các ý kiến phản biện. Trung ương đã có quy định về nêu gương và thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu nêu gương thì cơ quan đơn vị đó có sự chuyển động hiệu quả và mọi việc suôn sẻ, bài học này cần tiếp tục được đẩy mạnh.

“Cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.

Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, trước hết giải quyết dứt điểm những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp đang trông chờ, những vấn đề vướng mắc, tồn đọng kéo dài từ lâu”, Thủ tướng nêu rõ.

 Chính phủ trân trọng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ và đóng góp ý kiến xây dựng, góp phần tạo đồng thuận xã hội để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân

Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc xây dựng Chương trình phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, yêu cầu phát triển và tình hình thực tế đất nước. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương cùng các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện, trong đó thể hiện rõ các nhiệm vụ, đề án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi; thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược; trình Chính phủ ngay tại Phiên họp thường kỳ tháng 4.2021 để ban hành.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ, toàn diện hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Về tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ: Chính phủ thống nhất cần sớm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện để sửa đổi, bổ sung Quy chế, bảo đảm kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, bất cập, bám sát tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Trước mắt, yêu cầu các thành viên Chính phủ quán triệt thực hiện theo hướng: Đoàn kết, thống nhất cao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đề cao trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và thời hạn xử lý công việc. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi Quy chế, trình Chính phủ.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì tiếp tục rà soát kỹ, toàn diện hệ thống pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được phân công; không để nợ, chậm, chất lượng kém khi ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành pháp luật. 

“Có những văn bản mới ban hành nhưng không đi vào thực tiễn cuộc sống thì chúng ta cũng đề xuất, tháo gỡ, không để ách tắc. Không cầu toàn, không nóng vội, không câu nệ, bám sát thực tiễn, lấy hiệu quả làm thước đo”, Thủ tướng phát biểu.

Dứt khoát không để tình trạng vaccine COVID-19 không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ

Về phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ theo phân công tại Chỉ thị số 02/CT-TTg, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật, đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra và chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; có phương án, kịch bản phòng, chống đại dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử và ngày bầu cử.

Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Ảnh: Nhật Bắc

Về phòng, chống dịch và tiêm phòng vaccine COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”; đối với cá nhân thực hiện công thức “5K + vaccine”; đối với tập thể thực hiện nghiêm biện pháp “an toàn COVID”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, xử lý nghiêm các vi phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép. Tổ chức tiêm vaccine khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vaccine không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vaccine” và tạo điều kiện thuận lợi để sớm có vaccine sản xuất trong nước.

Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm.

Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đồng ý ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021. Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì khẩn trương sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động triển khai, chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; tiếp tục hoàn thiện quy chế thi, bảo đảm chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, trung thực, công bằng, khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực cho thí sinh, phụ huynh học sinh và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Hà Chính

Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.