Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có khuôn viên rộng 7 ha với nhiều tòa nhà lớn phục vụ cho việc học của khoảng 1.400 học sinh. Nguồn: Znews.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 29.3.2024 chấn chỉnh hoạt động của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trường Quốc tế Mỹ - AISVN).
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: Thời gian qua, báo chí phản ánh về một số bất cập trong hoạt động giáo dục của Trường Quốc tế Mỹ liên quan đến việc học tập của học sinh.
Để bảo đảm quyền lợi của học sinh Trường Quốc tế Mỹ, chấn chỉnh hoạt động đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục bảo đảm đúng quy định và tính nghiêm minh của pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan của Thành phố khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học tập của học sinh bị gián đoạn; có giải pháp để ổn định tâm lý đối với học sinh và phụ huynh học sinh, cũng như việc bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội và ổn định tình hình.
Khẩn trương tiến hành rà soát, xem xét trách nhiệm chủ đầu tư của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Mỹ và xử lý hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm đúng quy định của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh.
Thực hiện nghiêm việc rà soát, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các trường trên địa bàn đang giảng dạy chương trình tích hợp và các trường có yếu tố nước ngoài để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm có thể xảy ra từ sớm, từ xa, nguy cơ khi mới manh nha.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6.6.2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21.4.2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có giải pháp tăng cường quản lý các loại hình trường có yếu tố nước ngoài đang thực hiện việc liên danh, liên kết và triển khai các chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài.
Thực hiện rà soát, kiểm tra các trường có yếu tố nước ngoài trên toàn quốc đang giảng dạy chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài để kịp phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm nếu có.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo dõi, chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề này.
* Như báo chí trong nước đưa tin, ngày 16.3 vừa qua, 53 giáo viên trường AISVN nghỉ dạy với lý do nghỉ ốm. Đến ngày 20.3, số lượng giáo viên nghỉ việc là 85 người.
Trường Quốc tế Mỹ hiện có 1.213 học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế (IB), với 129 giáo viên nước ngoài và 26 giáo viên Việt Nam. Mức học phí của trường dao động từ 280-350 triệu đồng/năm với bậc Mầm non, 450-500 triệu đồng/năm với bậc Tiểu học và 600-725 triệu/năm ở bậc Trung học.
Theo TTXVN, thời điểm này, trường đã thanh toán 70% lương tháng 1.2024 và đang nợ lương tháng 2/2024 của giáo viên nước ngoài; với giáo viên người Việt, trường đã hoàn tất thanh toán lương tháng Một và đang nợ lương tháng 2.2024.
Do hầu hết giáo viên không đến dạy học vì chưa được thanh toán lương và bảo hiểm đầy đủ, ngày 18.3, Hội đồng trường phải cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
Các ngày 19-20.3, mặc dù trường hoạt động trở lại nhưng vẫn có 50-55% giáo viên nghỉ dạy, hoạt động giáo dục của trường tiếp tục bị gián đoạn.
Từ 25-31.3 học sinh toàn trường nghỉ Xuân theo kế hoạch của nhà trường.
Lo lắng việc học của con tiếp tục bị gián đoạn sau kỳ nghỉ xuân kết thúc, ngày 28.3, hơn 100 phụ huynh của trường này đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM kiến nghị cho học sinh chuyển qua học trực tuyến để hoàn tất chương trình năm học.
Theo phản ánh của phụ huynh, họ ký hợp đồng cho nhà trường vay không lãi suất để con được miễn học phí chính khóa tại trường. Tuy nhiên, khi con họ kết thúc chương trình học hoặc hoàn tất thủ tục chuyển trường lại chưa được hoàn lại khoản tiền này theo hợp đồng.
Theo nhà trường, trước đây, nhà trường thực hiện việc hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn. Sau này, trường gặp khó khăn nên có chậm trễ trong việc hoàn trả các khoản vay.
Thời điểm đó, nhà trường cho biết đang đẩy mạnh tái cấu trúc toàn bộ hoạt động tài chính nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và ổn định tài chính lâu dài.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch Hội đồng trường) do nợ thuế thu nhập cá nhân.
T.H