Tiểu thương luôn gắn với chợ. Không chỉ dừng ở hoạt động buôn bán, chợ còn là nơi gặp gỡ, bày tỏ tình cảm. Người dân Nam bộ đi chợ có thể mang một cặp vịt thay tiền, nếu hôm đó không bán được vịt, họ sẽ tìm đến mối và mua thiếu, dịp sau đi chợ sẽ trả.
Văn hoá... chợ
Tiểu thương người Hoa giỏi hơn người Việt về nghệ thuật bán hàng và cho thiếu nợ, họ lập cho mỗi con nợ một cuốn sổ, mua gì ghi vô. Ngược lại, kẻ mua nợ vui vẻ chấp nhận cân thiếu một chút, đo hụt một chút vì không còn biết mua ở đâu. Hoặc giả bây giờ, một ông phụ hồ sẽ chọn cái chợ để mua ký cá thay vì bước vào siêu thị. Đến chợ sẽ nhận được sự cảm thông.
Tuy gọi là tiểu thương nhưng ở trong các chợ từ rất lâu, buôn bán của họ không hề nhỏ. Một ông chủ tiệm vải ở chợ Soái Kình Lâm sẽ có số vốn lớn đến hàng chục tỷ, đường dây buôn bán trải dài từ Bắc chí Nam, sang cả Trung Quốc hay Campuchia, nhưng những điều thấy được chỉ là một cái sạp vài mét vuông. Họ thừa vốn để mở một doanh nghiệp, nhưng không. Với cách thức tổ chức theo kiểu gia đình, với hệ thống phân phối, vận chuyển riêng, mỗi ngày có thể mua hàng trăm cây vải từ Trung Quốc, giao tận Cà Mau, khối lượng công việc khổng lồ nhưng chỉ cần hai vợ chồng, vài người con là đủ. Chữ tín trong kiểu làm ăn này quyết định thắng – thua. Chỉ ngồi một chỗ, họ mua vải gì, bao nhiêu qua ông vận chuyển, tiền nong cũng thế, không cần hợp đồng. Ngày trước chưa có điện thoại, người mua viết cái toa bổ hàng đưa người vận chuyển, người bán nhận toa đóng đủ, giao xe, ghe là xong. Tiền bạc, họ gửi qua hệ thống chành, nhanh và tiện lợi hơn ngân hàng. Làm ăn như thế dài đến mấy đời mà không lo quỵt, xù nợ. Chẳng cần văn phòng, kế toán, đỡ hẳn gánh nặng chi phí trung gian.
Bên cạnh ngồi chợ truyền thống ở các đô thị như Sài Gòn, giới tiểu thương còn được biết đến qua việc bán dạo trên vùng sông nước ở Nam bộ. Khách thương hồ là những ghe hàng, ghe bầu. Ghe hàng thường đi bỏ sỉ, bán lẻ dọc kênh rạch, như một tiệm tạp phô di động. Trong ghe có sản vật gì, họ treo lên cột như một thông báo. Ngoài việc bán, ghe hàng còn nhận đặt hàng theo toa, gửi thư từ, lời nhắn cho ai đó. Ghe bầu thì khác, đây chính là lực lượng tiểu thương, lái buôn chuyên nghiệp đầu tiên ở đất Sài Gòn – Gia Định. Mỗi chiếc chở khoảng 60 tấn hàng, họ gom sản vật từ Quảng Nam, Bình Định... đi ven biển vào Nam bộ buôn bán, bán xong lại mua hàng rồi về Trung. Mỗi lần đi như vậy kéo dài nửa năm (đi mùa bấc về mùa nam). Sau này, người ở miệt trong như Bình Định, Phan Thiết cũng dùng ghe bầu đi buôn vào Sài Gòn, rút ngắn thời gian lênh đênh trên sông nước. Từ thập kỷ 50, ghe bầu đã tuyệt chủng, trong đó có lý do giao thông trên cạn phát triển.
Có lẽ phong trào làm từ thiện bây giờ cũng xuất phát từ tiểu thương. Mang thói quen cố hữu “mua may bán đắt”, tiểu thương hay “ăn gian” khi cân đo, điều này, theo họ “chỉ có trời biết”. Chính sự sợ trời, sợ phật nên chuyện làm từ thiện là một hình thức để xá tội. Cũng chính cái nhận thức “nhân quả” đó, nên giới tiểu thương là người đọc các loại tiểu thuyết về luân lý, diễm tình nhiều nhất. Dưới chỗ ngồi trong chợ là hộp đựng tiền của các cô, các bà, bao giờ cũng có một cuốn sách của Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long, Ngọc Linh. Họ chọn bởi là những câu chuyện bình dân vừa tầm hiểu biết, dạy bảo con người sống tốt hơn. Giống như giới xe lam, xe đò ở bến đọc báo và kiếm hiệp.
Tiểu thương Nam bộ có từ bao giờ?
Người Hoa đã đóng dấu ấn ban đầu về thương mại trong công cuộc khai phá Nam bộ từ thế kỷ 17, khi chúa Nguyễn mượn đất Đồng Nai, Mỹ Tho dung nạp Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, những viên tướng phản Thanh phục Minh, và sau đó là Mạc Cửu ở đất Hà Tiên. Những viên tướng – nhà buôn đã xây dựng những đô thị – cảng thị đầu tiên ở phía Nam nằm dọc sông hoặc tiếp giáp biển như Cù Lao phố, Mỹ Tho đại phố, Hà Tiên. Chính người Hoa đã làm dịch vụ hậu cần cho nông nghiệp: cung cấp nông cụ, thu mua sản vật xuất khẩu qua các cảng thị. Còn người Việt, do đặc tính thuần nông, họ là người khẩn hoang (lập ruộng) trên những vùng đất giồng ven sông Tiền, sau này là sông Hậu chứ không lập chợ. Đến khi anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc) dọn sạch Cù Lao phố, người Hoa chạy về lập nghiệp ở Sài Gòn – Gia Định, thành Chợ Lớn bây giờ, đến chợ Tân Kiểng (chợ Quán), chợ Bến Thành (ven sông Bến Nghé) để tiện buôn bán, giao thương. Một hình ảnh còn rõ nét đến sau này, một “ông Chệt” (ông già người Hoa) gánh hàng đi rong từng nhà, trên gánh có đủ thứ kim chỉ, dầu xoa, thuốc… hoặc mở một tiệm bán ven ngã ba sông. Người Hoa, cách nào đó, chính là những lái buôn, tiểu thương đầu tiên của đất Nam kỳ.
Ngay sau khi chiếm Gia Định vào thế kỷ 19, tàu buôn của người Pháp đã vào cảng Sài Gòn. Với chủ trương khai thác thuộc địa, họ nhanh chóng xây dựng nơi đây thành một đô thị thương mại. Đây chính là điểm khác biệt giữa đô thị hành chính ngoài Bắc và đô thị thương mại trong Nam. Ở đô thị hành chính được lập thời phong kiến xuất hiện các phường nghề. Phường nghề gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp, tuy cũng mang tính chất chợ nhưng chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của xã hội nông nghiệp (sản xuất nông cụ, đồ dùng gia đình) và chỉ khoanh trong một vùng nhỏ. Nhưng ở đô thị phía Nam, hoạt động bán buôn, thương mại đã đi vào chuyên nghiệp, quy mô tính chất lớn, gắn đến xuất khẩu. Tiểu thương Nam bộ chủ động tìm khách hàng, đi bán rong hoặc ngồi chợ hàng ngày, khác với “lái” Bắc bộ chỉ gom hàng chờ đến phiên chợ.
Có thể nói “ông lái” là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp, gắn với đô thị hành chính, còn “tiểu thương” là sản phẩm của nền kinh tế hàng hoá, gắn liền với cảng thị, đô thị thương mại. Điều này khiến lực lượng tiểu thương dần trở thành một giới, một nghề cha truyền con nối, rõ nét nhất khi Nam bộ thành thuộc địa.
Hà Thanh
Theo báo cáo của cục Thống kê TP.HCM về “Kết quả điều tra hộ kinh doanh cá thể năm 2012”, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 380.800 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động với số lao động 696.500 người. Trong đó, số hộ có địa điểm kinh doanh cố định là 259.800, chiếm 68,2% tổng số hộ kinh doanh. Gần 92% số hộ kinh doanh tập trung vào các ngành thương mại dịch vụ, lĩnh vực công nghiệp chỉ chiếm 5,7% và khoảng 2,3% làm trong lĩnh vực vận tải. |