Tìm thân nhân...

 14:46 | Thứ sáu, 20/03/2015  0
47C đường Duy Tân (nay đổi Phạm Ngọc Thạch) quận Nhất - là nhà dân Sài Gòn đầu tiên tôi đến.

Tháng Mười, 1975. Tôi là phóng viên báo Thông tin, “bám càng” vào Nam theo đoàn tiếp quản kỹ thuật của bộ Tư lệnh tiền phương binh chủng thông tin liên lạc. Đại bản doanh đóng trong khu quân sự Tân Sơn Nhất, tường rào vững chắc, canh gác nghiêm mật. Lính lác chúng tôi chỉ được ra vào với thẻ kiểm soát hẹn giờ, qua một cổng ấn định, cổng Phi Long, gần Lăng Cha Cả, nơi mới hình thành một chợ trời khổng lồ chuyên cung cấp đồ cũ, chủ yếu hàng điện tử, cho bộ đội miền Bắc.

Buổi chiều đầu tiên đặt chân tới đây, tôi phát choáng giữa không gian chợ búa sôi động, nhạc xập xình đinh tai phóng ra từ những giàn Akai băng cối, xoắn xuýt khói thịt nướng thơm nhức mũi tuôn dọc đường Trương Minh Giảng nhốn nháo. Thoáng ngẩn ngơ, một áo trắng học trò bên xe đạp mini trước quầy nước rau má. Áo trắng xinh xinh vừa nhâm nhi ly nước xanh xanh vừa nghé tai như đang lắng tiếng gì gì đó. Bắt mắt quá đi, tôi nhẹ liệng tới gần, cũng dỏng tai nghe. Một giọng ca thiết tha bị âm thanh phố chợ đàn áp dập vùi nhưng vẫn cứ lách lên, vươn ra từ phía trong quầy nước rau má. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ… Ôi giời ơi, nhạc tình Trịnh Công Sơn chống chọi với chợ trời!

“Hẻm Trịnh”. Ảnh Quý Hòa

Ngay cuối chiều ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật cưỡi Honda 50 đến đón tôi tại cổng Phi Long. Đi đâu? Ra nhà Trịnh Công Sơn. Nhưng Sơn đang ở Huế? Thăm má Sơn

Hồi đó, Phạm Tiến Duật vang danh lắm, trội hơn hẳn trong lứa thơ thời chống Mỹ, lại vừa có duyên vừa lợi khẩu, quen nhiều, biết rộng. Duật theo đoàn quân 559 vào Sài Gòn rất sớm, gần như ngay sau ngày 30 tháng Tư, khi tôi đang học dở khóa Ngữ-Văn, đại học Tổng hợp Hà Nội. Lúc xong khóa học, tôi được bộ Tư lệnh thông tin cho vào Nam với nhiệm vụ phóng viên đi theo đoàn tiếp quản kỹ thuật, thì Phạm Tiến Duật đã bị điều trở về Hà Nội sau một vòng rong ruổi hầu khắp Nam bộ và đã kịp có một em thân thiết ở Sài Gòn. Duật rất nóng vào lại, nhưng không được cấp trên cho phép, đồng nghĩa với “ba không”: không giấy đi đường, không tiền bạc, không xe cộ. Dạo đó đâu đã có tàu xe công cộng Bắc-Nam như bây giờ, vào ra đều phải có công lệnh, giấy thông hành hợp pháp, đổi tiền theo định mức, và buộc phải đi theo xe công vụ. Đi chui à? Ừ, chui! Duật thú thật với tôi và nhờ tôi giúp, xin đi ké xe binh chủng thông tin. May thay, người thủ trưởng của tôi rất thích thơ Phạm Tiến Duật, nghe tôi xin cho tác giả nổi tiếng này đi nhờ xe, ông lưỡng lự tí rồi đồng ý. Thế là Duật có tên chính thức trong danh sách đoàn công tác, qua hết các trạm kiểm soát quân sự, được đài thọ ăn ngủ cùng chúng tôi suốt sáu ngày năm đêm trên đường vào Sài Gòn.

Đến Huế, Duật dẫn tôi cuốc bộ từ trạm nghỉ trong Thành nội ra 26 Lê Lợi tìm thăm bạn văn nghệ. Tình cờ gặp khá đông, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Chỉ, Lê Khắc Cầm… và, Trịnh Công Sơn. Ngẫu nhiên thành một buổi thơ-nhạc Nối vòng tay lớn xúc động. Ấy là lần đầu gặp nhạc sĩ lừng danh họ Trịnh, tôi đã viết trong hồi ức Ngày sau sỏi đá (báo Thanh Niên, 4.1987). Khuya, tiễn chúng tôi về trạm nghỉ, Trịnh Công Sơn còn dặn, nhớ đến thăm bà già mình nghe, bốn-bảy-xê Duy Tân nghe!

Bà Lê Thị Quỳnh (1921-1991), cựu hoa khôi trường Đồng Khánh (Huế), thân mẫu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh T.L

Sài Gòn! Vừa tới ngã tư Phan Thanh Giản - Công Lý, Phạm Tiến Duật cuống cuồng xin xuống xe, cảm ơn toàn đoàn và hẹn đón tôi bên ngoài cổng Phi Long, 5 giờ chiều. Đúng giờ, chàng đến chở tôi bằng chiếc xe máy mượn của nàng nào đó, phóng veo véo. Nhà thơ này đâu có lơ mơ, chạy xe máy rất vững vàng và thông thuộc đường sá. Thì ra, chàng đã nhiều lần đến chơi với Trịnh Công Sơn và được bà má tiếp chuyện, hồi anh Sơn đang ở Sài Gòn, sau 30 tháng Tư. Như một tay xe ôm lành nghề, Duật lượn ngoắt lượn ngoéo hồi lâu rồi dừng trước cổng nhà có giàn hoa giấy tím hồng cuối hẻm 47C Duy Tân.

Bà má gương mặt phúc hậu đón chúng tôi, nhận ngay ra Phạm Tiến Duật. Duậc, vô hồi nào, con? Duật chào thưa má… Tôi bỗng lúng túng, không biết phải chào sao: Chào bà? Hay bác? Xưng cháu, như ngoài quê? Bà nhẹ nhàng giọng Huế, bảo con cứ kêu má, như thằng Sơn, như thằng Duậc đó. Duật giới thiệu tôi, thế, thế… Bà cười thân, cùng làm thơ hỉ? Hai nhà thơ, Duậc Duy. Tự nhiên như mẹ con trong nhà. Nào thấy Bắc với Nam, ta với địch gì đâu. Buổi đầu gặp Sài Gòn, tốt lành bất ngờ. Bất ngờ rớm nước mắt.

Tôi mồ côi mẹ từ rất bé, ở với bà ngoại, chỉ tưởng tượng về mẹ theo lời bà kể chứ không có hình ảnh thực nào của mẹ trong ký ức. Từ ngày vào lính, lếch thếch đi ngược về xuôi, được một bà nhà quê nào thân tình mẹ mẹ con con tôi cũng rớm nước mắt, cảm giác rưng rưng như phản xạ thường trực. Huống chi đây, Sài Gòn, vùng đất xa lắc xa lơ tận cuối giấc mơ, xa nhất trong đời tôi kể đến phút ấy. Vừa xa vừa lạ. Vừa đang đầy hận thù. Trước khi ký giấy cho phép tôi ra ngoài doanh trại, ông trưởng đoàn đã nhắc đi nhắc lại về những điều kỷ luật giao tiếp, nhất là phải cảnh giác cạm bẫy và đề phòng kẻ thù. Tôi ớn lạnh hình dung sẽ có những ánh mắt thù hận, thậm chí căm hờn, nhìn tôi như nhìn một tên xâm lược. Nhưng không. Tôi đi tìm thân nhân. Và tôi gặp thân nhân. Vụt lóe ý thơ đầu tiên cho bài thơ đầu tiên tôi sẽ có tại Sài Gòn.

Ngày đầu tôi với Sài Gòn

bà má gọi tôi Con

tự nhiên tôi gọi Má

xa cách thế mà không xa lạ

Mẹ đây rồi, ơi Mẹ của tôi

tôi gặp thân nhân cùng với mọi người…

Đã hình thành hồn cốt tứ thơ, nhưng chưa tìm được lối vào bài thơ.

Chiều sau, Phạm Tiến Duật lại đến đón tôi. Ra ăn cơm với má Sơn. Bữa cơm gia đình bình thường, có thêm cho Duật và tôi mỗi đứa một chai bia 33, loại chai nhỏ. Lần đầu tiên trong đời tôi uống loại bia này, ướp lạnh, ngon tê lưỡi. Dọc đường từ Huế vào, chúng tôi đã nếm bia miền Nam, BGI chai lớn, uống với đá cục, nhạt hơn. Má không uống bia, nhưng hút thuốc. Tôi có mang bao Thủ Đô giấy bạc, thuộc loại sang trọng của nhà máy thuốc lá Thăng Long thời bấy giờ, xin biếu má hút thử. Bà xua tay, quá nhẹ, tụi bây giữ xài, má quen loại nặng, Bastos. Trong sân nhà có cây xoài gốc to cỡ hơn vòng tay ôm. Má chỉ lên cành cao, chín rồi đó, bây dám leo không? Tôi trổ tài lính đường dây trèo cột, tụt giày leo lên vặt được hai trái ương. Má cười thành tiếng, giỏi, làm thơ mà giỏi leo hỉ, nhà này chỉ có thằng Tịnh dám leo thôi. Tôi thưa, con là lính đường dây truyền tin, chuyên nghề leo cây. Bà lại cười, thơ thẩn với hát hò thì “leo cây” cả đời. Mãi sau tôi mới biết, “leo cây” trong Nam còn có nghĩa bóng. Hôm đó, tôi được nếm miếng xoài ngon chớm chín, rôn rốt giòn chua ngọt, miếng xoài đầu tiên của đất Nam bộ, nhớ đời. Nhưng vẫn chưa tìm thấy lối vào bài thơ…

Tôi ớn lạnh hình dung sẽ có những ánh mắt thù hận, thậm chí căm hờn, nhìn tôi như nhìn một tên xâm lược. Nhưng không. Tôi đi tìm thân nhân. Và tôi gặp thân nhân.

Những ngày sau, Phạm Tiến Duật bận bịu việc riêng không đưa đón tôi được nữa. Tôi tự lần mò đi đây đó bằng xe buýt rẻ bèo và chạy khá đúng giờ, với tấm bản đồ nội thành. Từ Lăng Cha Cả ra chợ Bến Thành - Chợ Lớn - đại lộ Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Nguyễn Huệ… cho đến trung tâm thịt chó chợ Ông Tạ… Cứ ngồi lì bên cửa sổ xe buýt, nhìn phố ngắm người đã đời, đường nào rồi cũng về bùng binh Bến Thành, khỏi lo đi lạc.

Không có bà con ở đây, cũng không quen biết ai, tôi vẫn chỉ tới lui một nhà dân duy nhất, 47C Duy Tân. Nơi đó, tôi dần dà quen thân những người em của Trịnh Công Sơn: Tịnh, Thúy, Tâm, Trinh. Tịnh và Tâm chạy chợ tối ngày, lo cơm gạo cho cả nhà. Thúy đi về lặng lẽ, tươi cười nhưng kín tiếng. Út Trinh rảnh rang hơn, thỉnh thoảng ôm đàn đãi tôi một vài ca khúc chưa phổ biến của anh mình. Nơi đó còn nhà văn hiền khô Hoàng Ngọc Tuấn, bạn Tịnh, thường trú như người trong nhà. Chính Hoàng Ngọc Tuấn dẫn mối tôi dan díu quán cóc, với rượu đế khô khoai khô sặc. Đôi khi dạo chơi khuya, tôi ngủ lại với Tuấn trong phòng nhỏ bỏ trống, phòng Trịnh Công Sơn. Qua Hoàng Ngọc Tuấn, tôi quen thêm Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Tôn Nhan và vài văn sĩ nữa, cụng ly vỉa hè thân ái, dù trong số đó có người từng cựu lính đối phương. Với tôi, họ cũng là thân nhân. Cứ như thế, “thân nhân” của tôi mỗi lúc nhiều thêm, chắc cũng có người đang “tìm thân nhân”. Ơi ai chưa gặp thân nhân/ ơi ai không gặp thân nhân/ xin tới cùng tôi chung mái nhà ấm áp/ ta hành hương trên đất đai sum họp/ nơi nào cũng có thân nhân. Nảy được ý kết, nhưng tôi vẫn loay hoay chưa mở được bài thơ.

Chợt coi tờ Sài Gòn Giải Phóng, đang có hai chuyên mục thu hút nhiều người đọc, X.30 phá lưới (truyện tình báo nhiều kỳ) và Tìm thân nhân. Tôi mê luôn mục thời sự khô khan mà cảm động này, vợ chồng tìm nhau, cha mẹ con cái tìm nhau, anh chị em ruột thịt tìm nhau… Thương nhớ đẫm một thời chia cắt. Những dòng tin vắt ra nước mắt. A, đây rồi! Đây rồi, nào phải tìm đâu xa, tôi lấy luôn tên chuyên mục thời sự đặt cho bài thơ đang làm và mở đầu bằng gần như nguyên ý hai mẩu rao trên báo:

“Con, Mai Thị Từ

 quê Bùi Chu…

 di cư năm một chín năm tư

 nay ở đâu tin cho cha biết”.

 

“Ba, Huỳnh Đình Thà

quê Phú Thọ Hòa…

năm một chín năm tư tập kết

nay ở đâu cho con được biết”

Đầu trót đuôi lọt, kéo liền mạch đến sáng. Tôi không có mẹ đi Nam/ tôi không có cha đi tập kết/ nhưng tôi có một thời sung sức nhất/ góp với mọi người/ cùng mọi người/ đi tìm thân nhân… Trắng một đêm Tân Sơn Nhất lạnh buốt. Mùa đông năm ấy sao mà rét tàn bạo, dân Sài Gòn xuýt xoa lạnh chưa từng thấy.

Cuối tháng mười hai, tôi ghé 190 Công Lý chào anh em tòa soạn báo Văn Nghệ Giải Phóng để về Bắc. Duyên may, gặp một loạt tên tuổi, Trần Bạch Đằng, Giang Nam, Anh Đức, Hoài Vũ… Mấy anh rủ rê tôi xuất ngũ, vô đây làm báo với tụi này, và mời tôi gửi bài cho số đặc biệt Xuân Bính Thìn. Tôi nộp ngay bản chép tay bài Tìm thân nhân còn nóng hổi và lát sau cầm tay tờ công văn cũng nóng hổi, do nhà thơ Hoài Vũ (thường trực ban Biên tập) ký, gửi bộ Tư lệnh thông tin, xin cho tôi vào làm báo Văn Nghệ Giải Phóng. Qua tết nguyên đán, tôi lo xong mọi giấy tờ hợp lệ để đưa vợ con cùng “di cư” vào Sài Gòn.

Trong tờ báo tết đầu tiên in tại Sài Gòn của Văn Nghệ Giải Phóng, tháng giêng 1976, có bài thơ đầu tiên tôi làm tại đây - Tìm thân nhân. Một bài thơ thời sự, chả biết có ai nhớ tới nhưng với tôi là kỷ niệm lịch sử, cột mốc quan trọng trên đường đời luôn làm tôi nao lòng mỗi khi ngoái lại. Tôi luôn thầm biết ơn “thân nhân” đầu tiên trời cho gặp, người tạo nên cảm xúc khởi nguồn khơi mạch bài thơ ấy. Một tượng đài thường dân hiện thân tình dân tộc. Đó chính là người mẹ tuyệt vời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trước hôm chia xa ngôi nhà 47C Duy Tân, tôi loay hoay trong đó suốt buổi chiều sửa sang bản thảo bài thơ đọc tặng riêng bà, bài Bầu trời - Mặt đất - Bàn tay. Nhưng bài thơ thứ hai tôi làm tại Sài Gòn này mang một số phận khác, một câu chuyện khác. Xin dành kể dịp khác…

Nguyễn Duy

Tìm thân nhân

“Con - Mai Thị Từ

quê Bùi Chu…

di cư năm một chín năm tư

nay ở đâu tin cho cha biết...”

 

“Ba - Huỳnh Đình Thà

quê Phú Thọ Hòa…

năm một chín năm tư tập kết

nay ở đâu cho con được biết...”

 

anh tìm em

vợ tìm chồng

những dòng tin như vết cứa của lòng

bao nhiêu vết cứa của lòng

đang liền lại cùng đất đai liền lại.

 

Hai mươi mốt năm dài

máu chảy

hai mươi mốt năm dài

thương đau

đủ cho qua đi một thời con trai

đủ cho qua đi hai thời con gái

 

Hai mươi mốt năm dài

không có ai ngồi chờ đợi ai

không có ai ngồi nhớ mong hoài

Nam đi tìm Bắc

Bắc đi tìm Nam

tìm nhau dưới bể

tìm nhau trên ngàn

tìm nhau trong đạn trong lửa

tìm nhau trong việc mình làm.

 

Tôi không có mẹ đi Nam

tôi không có cha đi tập kết

nhưng tôi có một thời sung sức nhất

góp với mọi người

cùng mọi người

đi tìm thân nhân.

 

Tôi đi tìm thân nhân

không phải trên trang báo

tôi đi tìm thân nhân

suốt những năm giông bão.

 

Tôi đi tìm thân nhân

qua rừng già nguyên thủy

tôi đi tìm thân nhân

qua rừng kẽm gai Mỹ.

 

Ngày đầu tôi với Sài Gòn

bà má gọi tôi Con

tự nhiên tôi gọi Má!

xa cách thế mà không xa lạ

mẹ đây rồi ơi mẹ của tôi

tôi gặp thân nhân cùng với mọi người.

 

Có ai chưa gặp thân nhân

có ai không gặp thân nhân

vợ lạc chồng

anh lạc em

cha lạc con

ai còn?

ai mất?

 

Ơi ai không gặp thân nhân

xin tới cùng tôi chung mái nhà ấm áp

cùng tôi hát lên lời ca này

điều lớn lao còn lại hôm nay

là nguyên lành Tổ quốc!

 

Ta hành hương trên đất đai sum họp

nơi nào cũng có thân nhân.

Sài Gòn, 12.1975

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.