Ngày 22.7, Bộ Tài chính đã có thông tin phản hồi liên quan đến đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản (BĐS) theo từng lần chuyển nhượng, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Đề xuất tính thuế 20% trên lãi từng lần chuyển nhượng BĐS.
Theo Bộ Tài chính, đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành đang quy định thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy định thu thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS để đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế.
Cụ thể, thu thuế TNCN theo mức 20% trên thu nhập tính thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng BĐS theo từng lần chuyển nhượng trừ đi giá mua BĐS và các chi phí liên quan.
Bộ Tài chính cho biết tiếp thu các ý kiến trên, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế TNCN (thay thế), cơ quan này đang đưa ra thêm phương án thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng BĐS theo thuế suất 20% trên thu nhập.
Qua tính toán, so với mức thuế 2% trên giá chuyển nhượng đang áp dụng hiện nay, việc thu thuế 20% trên thu nhập tính thuế sẽ điều tiết thuế đảm bảo ở mức tương đương. Trong một số trường hợp (chênh lệch giữa giá bán và giá mua ít hơn, không phát sinh thu nhập hoặc bị lỗ), việc thu 20% trên thu nhập sẽ có lợi hơn cho cá nhân, điều tiết việc thu thuế đúng theo thu nhập thực tế của hoạt động giao dịch BĐS.
Tuy nhiên, việc thu thuế TNCN theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở, hay mức độ sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, BĐS...
Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS để thu đúng số tiền thuế phải nộp.
Về áp dụng thuế thu nhập cá nhân liên quan đến thời gian nắm giữ BĐS, Bộ Tài chính cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, tại dự thảo luật đã đề xuất tỉ lệ thu thuế TNCN đối với BĐS theo thời gian nắm giữ để hạn chế đầu cơ.
Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia đã sử dụng các công cụ thuế, trong đó có thuế TNCN để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế. Trong đó, một số nước đã áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian nắm giữ BĐS.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với Việt Nam. Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để có đề xuất chính sách phù hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Bộ Tài chính, trong trường hợp không xác định được giá mua và chi phí, thuế được tính trực tiếp trên giá bán theo thời gian nắm giữ. Theo đó, dưới 2 năm áp thuế suất 10%, từ 2 đến 5 năm là 6%, từ 5 đến 10 năm là 4%, trên 10 năm hoặc BĐS có nguồn gốc từ thừa kế là 2%. Cá nhân nhận thừa kế nhưng có hoạt động đầu cơ sẽ bị tính thuế như kinh doanh BĐS.
Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS dựa trên thu nhập thực tế (giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lệ) phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch. "Điều này tương đương với cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay, với mức thuế suất 20%"- Bộ Tài chính nêu rõ.
Bộ Tài chính cho rằng cần có hệ thống dữ liệu đầy đủ về lịch sử giao dịch BĐS nhằm xác định chính xác giá vốn, kèm theo các điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh chi phí được khấu trừ.
Cơ quan soạn thảo cũng nhấn mạnh việc thực hiện phải đồng bộ với chính sách liên quan đến đất đai, nhà ở và dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh trong việc quản lý đăng ký và chuyển nhượng BĐS. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế có đủ thông tin, căn cứ pháp lý để xác định thời gian nắm giữ cũng như yếu tố cần thiết khác phục vụ tính thuế.
Minh Chiến