Tổ chức EURO để làm gì?

 11:01 | Chủ nhật, 26/06/2016  0

Hai năm trước, người Brazil đổ ra đường để phản đối chính phủ vung tay quá trán cho những công trình phục vụ World Cup, thay vì cải thiện đời sống cho người dân.

Bây giờ, dân Pháp cũng xuống đường để phản đối dự thảo cải cách Luật Lao động. Tuy nhiên, với tư cách là nền kinh tế thuộc khối G7, điện Elisee không đến nỗi dùng tiền của dân để chi tiêu cho những mục tiêu vô bổ. Người biểu tình Pháp chỉ lợi dụng thời điểm đất nước họ đang tiếp đón các vị khách đến từ khắp châu Âu nhằm gây sức ép buộc chính phủ phải chiều lòng các yêu sách của họ.

Thực tế, các công trình phục vụ World Cup 2014, như cầu đường, về lâu về dài đều có lợi cho người dân Brazil. Vấn đề là ở chỗ, nền kinh tế Brazil đã phát triển chậm lại, nợ công tăng cao khiến những công trình kia trở thành gánh nặng, mà tất cả sẽ đổ lên đầu những người dân nghèo. Hơn thế nữa, việc kiểm soát chi tiêu khiến người dân Brazil nghi ngờ.

Nghi ngờ đó không phải không có cơ sở, bởi hai năm sau những ngày hội bóng đá tưởng như bất tận ấy, hàng loạt quan chức chính phủ đã phải hầu tòa vì tội tham nhũng, trong khi bản thân Tổng thống cánh tả Dilma Rousseff cũng bị phế truất.

Xét về khuynh hướng chính trị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng là người thiên tả giống như người đồng cấp đã sa cơ Dilma. Nhưng nền kinh tế Pháp được vận hành theo những nguyên tắc khác hẳn, nơi mà người lao động trên thực tế được hưởng phúc lợi cao ngất ngưởng. Nói như anh bạn đang thường trú tại Paris thì người lao động Pháp cứ “được đằng chân, lân đằng đầu”. Và họ làm tất cả để đạt được mục đích của mình, dù là làm xấu mặt đất nước trước những vị khách đang tràn ngập nước Pháp vào thời gian này.

Cổ động viên tại Euro 2016. Ảnh AFP

Như thế, hai cuộc biểu tình ở hai quốc gia đăng cai các sự kiện thể thao lớn đã phơi bày sự khác biệt của hai hình thái kinh tế xã hội. Nơi luôn mồm nói phục vụ người lao động thì người dân ngày càng bị bần cùng hóa, trong khi nơi vẫn bị coi là “bóc lột” thì người lao động giờ như các ông chủ thực sự.

Vậy câu hỏi tiếp tục được đặt ra là hai quốc gia ấy tổ chức các giải đấu lớn để làm gì?

Với Brazil vào thời điểm năm 2014, tổ chức World Cup giống như một nhiệm vụ chính trị, chứng tỏ nước này là đầu tàu kinh tế của cả khu vực Nam Mỹ.

Còn với nước Pháp năm 2016, tổ chức EURO 2016 thật ra chỉ là dịp để họ chứng tỏ bản lĩnh của một nước lớn, vốn đã sứt mẻ phần nào sau những vụ khủng bố liên tiếp trong các năm qua (vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo năm 2014 và nhà hát Bataclan năm 2015). Pháp đủ sức đảm bảo an ninh cho giải đấu đón tiếp các triệu lượt khán giả thì mới đủ khả năng tác động đến chính trường quốc tế, hay ưỡn ngực khi bước vào cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thế nên, ví dụ của Brazil và Pháp chính là bài học cho quốc gia nào muốn dùng việc đăng cai các sự kiện thể thao làm đòn bẩy kinh tế, điều hay thốt ra từ miệng của các chính trị gia. Tấm gương tày liếp của Hy Lạp vẫn còn nóng hổi (tổ chức Olympic năm 2004 rồi vỡ nợ 10 năm sau đó). Bởi thật ra, đó chỉ là cơ hội kiếm chác của một nhóm thiểu số mà thôi.

Nhật Hoàng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.