TP.HCM: Nóng vội cấm dạy thêm là chưa lường hết được tâm lý xã hội

 16:04 | Thứ hai, 03/10/2016  0

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã trao đổi như vậy với báo chí trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 9 tháng đầu năm 2016, khi đề cập đến việc mới đây Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo các trường phải chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm từ niên học 2016 gây nhiều ý kiến trái chiều và bức xúc trong dư luận.

Dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh, học sinh để nâng cao kiến thức, ôn luyện chuyên sâu, mặt khác cũng xuất phát từ tâm lý của phụ huynh là muốn con em học để hạn chế các tác động tiêu cực ở môi trường bên ngoài. Ông nói: “Nhu cầu thực tế đó càng thúc đẩy cho việc dạy thêm, học thêm trở thành một dịch vụ phổ biến hiện nay”.

Tuy nhiên, ông Hoan nhấn mạnh, cần hiểu cho đúng khái niệm “tránh dạy thêm, học thêm tràn lan” ở đây là cấm dạy thêm, học thêm tràn lan và tiêu cực theo đúng tinh thần thông tư 17 của Bộ Giáo dục Đào tạo. Khái niệm “tràn lan” là dường như ở đâu cũng mở lớp dạy thêm được, người nào cũng có thể dạy được và học sinh nào cũng phải học. “Tiêu cực” là những vấn đề nằm sau hiện tượng tràn lan đó, như học sinh phải học thêm thì mới được điểm tốt, học sinh bị bắt buộc học nhưng chưa hẳn đạt chất lượng… là những vấn đề cấp thiết phải chấn chỉnh.

Ông Hoan thừa nhận dạy thêm cũng có mặt được và mặt không được, nhưng khi xử lý vấn đề nóng vội đã tạo ức chế tâm lý cho xã hội, thành phố đang chỉ đạo các ban ngành xem xét thấu đáo vấn đề này. “Đây cũng là bài học chung về kinh nghiệm quản lý điều hành của thành phố, một vấn đề tác động rộng rãi đến xã hội trước khi thực thi hết phải xem xét sức ảnh hưởng như thế nào, khả năng lường được tất cả các khía cạnh, các yếu tố, các nguyên nhân mà xử lý cho đúng”, ông nói.

Ông cũng thừa nhận quyết định đưa ra khi chưa chuẩn bị được chu đáo quy trình xử lý cụ thể trong công tác quản lý của trường học. Trong khi chưa chuẩn bị tốt tâm lý của những nhà quản lý, kể cả chưa tạo được sự thống nhất trong đội ngũ của chính mình, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Hoan phân tích thêm, "chẳng hạn cơ sở vật chất dạy thêm học thêm có đúng chuẩn, đúng yêu cầu hay không, nếu không tiêu cực khi cắt đi thì sao? Ví dụ một mặt bằng được thuê của người ta có hợp đồng kinh tế, có thời hạn nhưng khi đưa ra chủ trương thì chúng ta xử lý ngay sao được".

Thành phố xác định đây là vấn đề nhạy cảm nên thống nhất triển khai có lộ trình, kiên quyết, không thể quyết một chủ trương, quyết sách mà trong vòng 5-10 ngày hay vài tháng. “Phải dựa trên khảo sát thực tế, nhu cầu thực tế của từng cơ quan, từng trường, những điều kiện cụ thể để có giải pháp cụ thể, có lộ trình theo tình hình thực tế chứ không cấm ngay được”, ông cho biết.


 Chánh văn phòng TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết hiện nay đã thống nhất đưa ra 5 giải pháp để giải quyết tình trạng học thêm dạy thêm tràn lan:

1. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dạy thêm trong trường học, từng trường kiểm tra đánh giá và xem xét lại tất cả các yếu tố tác động tới việc dạy thêm, học thêm và có giải pháp khắc phục.

2. Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với dạy thêm, học thêm ngoài trường học, đánh giá các mặt từ cơ sở vật chất, giáo viên có bằng cấp, chứng chỉ , tay nghề ra sao; học phí  và các yếu tố tác động khác bên ngoài trường học…

3. Xây dựng cơ chế chính sách chăm lo tốt hơn cho đời sống giáo viên, có chính sách nhà ở xã hội, có các cam kết mạnh mẽ hơn để có điều kiện tốt về nhà ở và thu nhập cho giáo viên.

4. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường học, giảm tải việc học và được học hai buổi đi kèm với các hoạt động ngoại khóa, tăng cường giao lưu gắn bó xã hội

5. Đổi mới giáo khoa, cải cách việc thi cử, thành phố cũng đang xin nghiên cứu bộ sách giáo khoa 


Tuyết Ân

» TPHCM: bổ nhiệm nhân sự mới một số sở, ngành

» TP.HCM: Không cấm giáo viên dạy thêm ở cơ sở có phép ngoài trường

» Nỗi tủi hổ ‘dạy thêm’

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.