UBND TP.HCM yêu cầu nội dung đề án cần nghiên cứu theo từng nhóm đối tượng (học sinh-sinh viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện; cán bộ-công chức; người lao động tại các khu công nghiệp…); trong đó có phân tích, đánh giá kỹ, toàn diện các yếu tố tác động đến tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội của TP.HCM để đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo đề án khả thi và đạt được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.
Trước đó, tháng 12/2016, tại buổi họp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình bày các giải pháp, trong đó có phương án: Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phương án làm việc lệch ca, học lệch giờ.
Đề xuất này ngay sau đó đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ cả các chuyên gia và người dân về tính khả thi của phương án.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho rằng, dù đụng chạm nhưng vẫn phải nghiên cứu triển khai việc lệch ca - lệch giờ để giảm ùn tắc đang ngày càng nghiêm trọng. Ông cũng giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp Sở Giáo dục - đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề án đi làm lệch ca, lệch giờ, trình UBND thành phố sau Tết Nguyên đán.
Được biết, đề án học lệch giờ, làm lệch ca được UBND TP.HCM chỉ đạo nghiên cứu từ năm 2001. Đến năm 2007, UBND TP.HCM đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính là bố trí lại giờ làm việc và học tập.
Theo đó, cán bộ công chức viên chức người lao động thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, hành chính công, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương làm việc trong khoảng thời gian 7 giờ - 16 giờ hoặc 8 giờ - 17 giờ. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được HĐND TP.HCM thông qua.
Sau đó, UBND TP.HCM quyết định thí điểm một phần đề án bằng cách bố trí lại giờ học các trường. Cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7 giờ sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cũng muộn hơn từng đó thời gian đối với cấp mầm non.
Đồng thời, TP.HCM cũng làm thí điểm điều chỉnh giờ làm đối với một số khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông người lao động. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các khu chế xuất, khu công nghiệp đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều.
Năm 2009, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Lao động - thương binh và xã hội lại đề xuất thực hiện đề án làm việc lệch ca, lệch giờ đối với các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp. Cụ thể: Thời gian làm việc từ 8 giờ hoặc 8 giờ 30; kết thúc vào lúc 16 giờ 30 đến 17 giờ (nghỉ trưa từ 30 đến 60 phút). Các doanh nghiệp nhà nước làm việc lúc 7 giờ, kết thúc lúc 15 giờ 30 (nghỉ trưa 60 phút). Riêng các phòng công chứng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính bắt đầu làm việc lúc 9 giờ. Tuy nhiên, một lần nữa, đề xuất này lại bị HĐND TP.HCM phủ quyết.
Kiều Châu
Theo BizLive