“Trận bóng” của “cầu thủ“ Đinh La Thăng

 13:43 | Thứ năm, 14/04/2016  0

Với bóng đá chuyên nghiệp, nhiều người Nam Định vẫn nhớ như in cái ngày họ cám ơn ông Thăng hết lời vì cứu bóng đá Thành Nam bàn thua trông thấy. Kết thúc mùa bóng 2006, hãng gạch Mikado quyết dứt áo vì cách quản lý của đội bóng thuộc Sở Thể dục - Thể thao Nam Định lúc ấy khá phức tạp. Nam Định chật vật tìm nhà tài trợ mới, nhất là khi Tôn Hoa Sen cũng lắc đầu. Thời may, Petro Việt Nam chấp thuận tài trợ cho Nam Định hai mùa bóng, 2007-2008. Các cầu thủ lẫn lãnh đạo đội bóng Nam Định lúc đó thừa nhận: “Không có tác động của anh Thăng thì chết”.

Chuyện mê bóng đá của ông tân bí thư TP.HCM thể hiện đậm nét hơn ở những ngày ông về Bộ Giao thông - Vận tải. Chuyện ông đi họp ở các địa phương rồi tổ chức giao lưu bóng đá để thắt chặt tình thâm không phải hiếm. Thậm chí ở Hà Nội, đội bóng mà ông khoác áo số 10 cũng thường xuyên giao lưu, chiến thắng và vô địch ở nhiều giải giao hữu, bất kể đối thủ là đội bóng hay cựu tuyển thủ nào.Có thể vì quá quen với hình ảnh một Đinh La Thăng trên sân bóng, nhiều người đã nhìn các hoạt động của ông tại TP.HCM như một trận đấu khác, trận đấu không hề dễ dàng khi ông được chuyển nhượng sang một đội bóng mới.

 Ông Đinh La Thăng khi còn là ngôi sao của đội Bộ Giao thông - Vận tải. Ảnh CTV

Ai cũng biết, ngôi sao luôn cần cho đội bóng. Văn Quyến ngày xưa, Công Phượng ngày nay là một ví dụ. Sự xuất hiện của Quyến, của Phượng luôn tạo nên sự phấn khích của đám đông cổ động viên. Quyến đảo bóng, Phượng rê bóng luôn nhận được sự trầm trồ, vỗ tay rào rào. Nhưng cả Quyến ngày xưa và Phượng bây giờ, càng nổi càng khó ghi bàn. Đó là thực tế.

Ngặt thay, cốt lõi của vấn đề bao giờ cũng là ghi bàn. Điều này thì ông Đinh La Thăng biết rất rõ thời còn làm ở Bộ Giao thông - Vận tải, ở giải giao hữu tứ hùng mà bộ của ông tổ chức năm 2014. Ở trận bán kết, ông ghi bàn giúp đội nhà vào chung kết, nhưng ở trận chung kết gặp ngân hàng BIDV, ông “tịt ngòi” và đội bóng của ông chỉ giành được vị trí á quân.

Vậy nên, người ta cứ lo lo khi trận đấu mới diễn ra mà đã có những sự thu hút, chú ý nhiều quá vào một ngôi sao thì chuyện ghi bàn để có một chiến thắng chung cuộc sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Cái sự lo ấy với những ai yêu thích bóng đá càng dễ hiểu hơn. Bởi, một đội bóng mạnh đương nhiên có càng nhiều ngôi sao càng tốt. Và các ngôi sao phải được sự hỗ trợ từ đồng đội, đương nhiên, ngôi sao cũng phải đóng vai trò thúc đẩy đồng đội chơi tốt hơn, hưng phấn hơn.

Chuyện này thì đến... bầu Đức còn biết nữa là. Chính ông bày tỏ công khai với báo chí rằng, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... dù có tài mấy mà vào đội tuyển, không có sự hỗ trợ của đồng đội thì vất. Chính vì vậy, Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường... có thể là ngôi sao ngoài đời, nhưng vào đội tuyển họ luôn thể hiện mình là người vì đồng đội, vì tập thể trước khi thể hiện mình là ngôi sao ở các tình huống xử lý cụ thể. Ronaldo ở Real vì sao chơi hay và dành được nhiều thành công hơn Ronaldo ở đội tuyển Bồ Đào Nha? Chẳng khó để trả lời.

Vậy mà, hổm rày “trận bóng” ở TP.HCM người ta chỉ thấy một ngôi sao tả xung hữu đột. Người ta chưa thấy cả đội bóng hay những ngôi sao khác vào cuộc, những đường chuyền “đập nhả” theo kiểu mà ông Đinh La Thăng đã từng nhận được rồi ghi bàn đẹp mắt khi thi đấu dưới màu áo của Bộ Giao thông - Vận tải có vẻ chưa xuất hiện.

Nhưng, thời may, trận đấu chỉ mới là bắt đầu và ít ra người hâm mộ ở TP.HCM cũng đã kịp biết được rằng, đội của họ có ngôi sao và cơ hội chiến thắng chẳng phải thường nữa. Mọi người đang chờ đợi sự hoà nhập của ngôi sao và đội bóng như ở bất kỳ vụ chuyển nhượng nào. Bởi đó mới chính là cốt lõi làm nên sự thành công của một đội.

Thảo Du

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.